Căng thẳng Mỹ-Iran: Cuộc xung đột không có hồi kết?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Iran nâng cấp độ làm giàu uranium vượt ngưỡng cho phép theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã khiến mối quan hệ giữa nước này với Mỹ càng trở nên căng thẳng và có thể chìm sâu vào một cuộc xung đột không lối thoát.

Ngày 8/7, Iran tuyên bố cấp độ làm giàu uranium của nước này là trên 4,5%, vượt xa ngưỡng cho phép theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết hồi năm 2015. Các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng xác nhận Iran đang làm giàu uranium vượt quá giới hạn 3,67%.
Có thể nói, động thái mới nhất của Tehran đã đẩy căng thẳng Mỹ-Iran lên "nấc thang" mới. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Tehran "nên cẩn thận" với quyết định này, còn Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo Iran sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt mới.
Cang thang My-Iran: Cuoc xung dot khong co hoi ket?
Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran tiếp tục căng thẳng. Ảnh: FPK.  
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định Washington không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục gây áp lực lên Tehran bằng biện pháp cấm vận.
"Để tôi nói rõ ràng, Iran đừng nhầm lẫn sự kiên nhẫn của Mỹ với việc thiếu quyết tâm. Chúng tôi mong chờ những điều tốt nhất, nhưng Quân đội Mỹ luôn sẵn sàng để bảo vệ lợi ích và công dân của chúng tôi trong khu vực", Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu.
Hôm 8/7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Các Vấn đề Xã hội Iran Hossein Nejat cảnh báo Tehran có thể hủy diệt tàu sân bay của Mỹ ở Vùng Vịnh nếu Mỹ tấn công quân sự Iran.
“Các căn cứ của Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa chúng tôi. Chúng sẽ tiêu diệt tàu sân bay của Mỹ nếu họ có hành động sai lầm. Mỹ biết rất rõ những hậu quả nào có thể xảy ra nếu đối đầu quân sự với Iran", ông Nejat nói.
Trên thực tế, căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã nóng lên kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 và áp đặt một loạt hình thức cấm vận nghiêm khắc đối với Iran.
Xung đột giữa hai nước tiếp tục leo thang với những màn khẩu chiến gay gắt trong thời gian gần đây sau vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ hôm 20/6. Tehran cho rằng chiếc UAV này đã xâm phạm không phận Iran, trong khi Washington khẳng định vụ tấn công diễn ra trong không phận quốc tế.
Ngày 24/6, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Tehran nhằm đáp trả vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ tuần trước. Ông chủ Nhà Trắng cho biết, lệnh trừng phạt mới nhất sẽ nhằm vào lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và một số quan chức cấp cao khác của nước Cộng hoà Hồi giáo này.
Đáp trả, Iran khẳng định các lệnh cấm vận mới của Mỹ đã đóng cửa vĩnh viễn mọi con đường ngoại giao và gọi những hành động của Nhà Trắng là "ngu ngốc". Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht Ravanchi tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Iran cho thấy Washington không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ngày 25/6, Tổng thống Trump đe dọa sẽ xóa sổ Iran nếu quốc gia này tấn công vào bất cứ thứ gì của Mỹ, sau khi Tehran lên án các lệnh trừng phạt mới nhất của Washington và gọi những hành động của Nhà Trắng là "ngu ngốc".
"Tuyên bố xúc phạm của Iran được đưa ra ngày hôm nay chỉ cho thấy họ không hiểu gì về thực tế. Bất cứ cuộc tấn công nào của Iran vào bất cứ thứ gì của Mỹ sẽ bị đáp trả bằng lực lượng lớn và không thể chống cự. Trong một số trường hợp, không thể chống cự đồng nghĩa với xóa sổ", Tổng thống Trump cảnh báo.

Mời độc giả xem thêm video: Căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng xung quanh thỏa thuận hạt nhân P5+1 (Nguồn: VTC14)

Trước tình hình căng thẳng hiện nay, dư luận lo ngại một cuộc đối đầu quân sự Mỹ-Iran sẽ xảy ra. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia Naveed S.Sheikh, sẽ không có chiến tranh giữa hai nước này.
"Chính sách kép bên miệng hố chiến tranh Mỹ-Iran có động lực riêng. Một mặt nó giúp củng cố sự ủng hộ của Mỹ giữa các đồng minh, mặt khác những hành động khiêu khích của Iran nhằm trấn an các đồng minh của Tehran, đặc biệt là Syria và Hezbollah, rằng Tehran sẽ không bị đe dọa đến mức phải từ bỏ vai trò quan trọng trong khu vực", chuyên gia Sheikh đến từ Trường nghiên cứu xã hội, chính trị và toàn cầu thuộc Đại học Keele, Anh, bình luận.
"Nhìn nhung dù có leo thang cả về mặt ngoại giao và khẩu chiến, nhưng các bên cuối cùng đều thừa nhận rằng không có giải pháp quân sự nào cho cuộc cạnh tranh địa chính trị ở Trung Đông", chuyên gia Sheikh nói tiếp.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 10/7, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook cho biết Washington đang tìm kiếm một thỏa thuận với Iran được Quốc hội phê chuẩn nhằm thay thế cho thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi hồi năm 2018.
Thiên An (T.H)

>> xem thêm

Bình luận(0)