Israel và Iran vừa mang đến bất ngờ tháng 10 cho cuộc bầu cử này.
Căng thẳng Iran – Israel đốt nóng Trung Đông
Trong năm qua, chính quyền Tổng thống Biden đã phải vật lộn để ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực ở Trung Đông vì lo ngại rằng nó có thể kéo Mỹ vào hoặc gây ra sự tàn phá cho nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, lần thứ hai trong năm nay, Iran bắn tên lửa vào Israel và Mỹ đã giúp Israel bắn hạ tên lửa. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cam kết sẽ có "những hậu quả nghiêm trọng" đối với Iran và nói rằng Mỹ sẽ "làm việc với Israel" để đảm bảo rằng điều này là sự thật. Điều đó nghe có vẻ đáng ngại giống như một mối đe dọa về hành động quân sự chung của Mỹ và Israel nhằm chống lại Iran.
Vào tháng 4/2024, Israel đã bị thuyết phục khi hạn chế hành động trả đũa ở mức mà Iran có thể ngầm chấp nhận và các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng đã dừng lại. Lần này, ít có khả năng các màn đáp trả giữa Iran và Israel có thể bị ngăn chặn để không leo thang nghiêm trọng hơn.
Israel vừa mở mặt trận thứ hai trong cuộc xung đột với các đối thủ trong khu vực, với chiến dịch tấn công trên bộ vào Lebanon, tiếp nối những đòn giáng mạnh vào lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn. Chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu có lẽ sẽ muốn giáng đòn mạnh mẽ vào Iran, hy vọng gây ra thiệt hại lâu dài cho nước Cộng hòa Hồi giáo này và thậm chí là với cả chương trình hạt nhân của họ.
Iran chắc chắn hiểu được những rủi ro có thể đối mặt trước cuộc phản công của Israel và một số người ở Tehran lo ngại rằng họ rơi vào bẫy một lần nữa khi bắn tên lửa vào Israel. Tuy nhiên, việc không phản ứng trước các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Hezbollah - sự kiện diễn ra sau vụ ám sát Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh hồi tháng 7, cũng có vẻ là một rủi ro nghiêm trọng với Iran.
Logic nghiệt ngã của chiến tranh và răn đe cho thấy một cường quốc không thể bảo vệ bạn bè hoặc đáp trả các cuộc tấn công vào thủ đô của mình sẽ bị xem là yếu đuối. Và sự yếu đuối đó có khả năng dẫn đến các cuộc tấn công tiếp theo, đồng thời cũng khiến họ mất uy tín và ảnh hưởng.
Đằng sau những tuyên bố cứng rắn, Nhà Trắng có thể vẫn thúc giục Israel điều chỉnh phản ứng của mình và không đáp trả quá mạnh khiến Iran cảm thấy buộc phải đặt cược thêm một lần nữa. Sau khi rút khỏi Afghanistan, chính quyền Tổng thống Biden không muốn bị lôi vào một cuộc xung đột khác ở Trung Đông.
Với lực lượng Israel đang chiến đấu ở Gaza và Lebanon, chính phủ Thủ tướng Netanyahu có lý do riêng để không leo thang xung đột trực tiếp với Iran ngay lúc này. Nhưng nếu vẫn muốn thực hiện hành động cứng rắn hơn, Israel đã cho thấy họ hoàn toàn có thể phớt lờ lời kêu gọi kiềm chế leo thang của chính quyền ông Biden. Nhà Trắng có lẽ hy vọng bằng cách hợp tác với Israel, họ có thể gây ảnh hưởng nhiều hơn đến sức mạnh và bản chất phản ứng của nước này.
Mỹ đã hối thúc Israel trong nhiều tháng không được tấn công Hezbollah. Sau khi Israel phát động chiến dịch vào tháng trước, chính quyền Tổng thống Biden cùng với Anh, Pháp và các nước khác thúc giục ngừng bắn ngay lập tức ở Lebanon nhưng một lần nữa, họ lại bị phớt lờ.
Điều bất ngờ tháng 10
Việc chính quyền Thủ tướng Netanyahu sẵn sàng phớt lờ mong muốn của đồng minh thân cận nhất, đồng thời cũng là bên đảm bảo an ninh, bắt nguồn từ một nghịch lý trong chính sách của Mỹ. Chính quyền ông Biden có thể và thực sự hối thúc Israel thể hiện sự kiềm chế ở Gaza và Lebanon. Nhưng họ cũng sẽ luôn bảo vệ Tel Aviv khỏi hậu quả leo thang, viện dẫn cam kết bao trùm là bảo vệ Israel khỏi Iran và các đối thủ khác trong khu vực.
Do đó, chính phủ Israel hiểu rõ, việc thách thức chính quyền Tổng thống Biden gần như không có rủi ro. Thật vậy, giới quan sát cho rằng Tel Aviv thậm chí có thể có một số lợi ích nếu lôi kéo Mỹ vào việc triển khai sức mạnh quân sự của mình để chống lại Iran.
Khả năng Mỹ từ chối ủng hộ Israel trong một cuộc khủng hoảng luôn là rất nhỏ và càng giảm thiểu hơn nữa do thực tế là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra. Bà Kamala Harris đã nêu ra việc áp dụng đường lối cứng rắn hơn với ông Netanyahu về vấn đề Gaza. Tuy nhiên, bà cũng muốn tỏ ra mình hoàn toàn ủng hộ Israel vào thời điểm nguy hiểm. Phó Tổng thống Mỹ không thể mạo hiểm tỏ ra mềm mỏng với Iran - quốc gia mà Mỹ có lịch sử thù địch lâu dài, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng con tin năm 1979 - 1981.
Tuy nhiên, tình hình căng thẳng hiện tại có thể là tin xấu với bà Harris. Ông Donald Trump thường tuyên bố rằng, thế giới đã hòa bình trong nhiệm kỳ tổng thống của ông và "điểm yếu" của chính quyền Tổng thống Biden đã dẫn đến chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông. Sự leo thang mới nhất này có vẻ trở nên hoàn toàn phù hợp với câu chuyện của ông.
Mỗi khi có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thì lại có suy đoán về một "bất ngờ tháng 10" có thể xảy ra, làm đảo ngược cuộc đua khi chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu. Israel và Iran vừa mang đến bất ngờ tháng 10 cho cuộc bầu cử này và ông Trump có thể là người hưởng lợi.