Cùng với đó, Israel cũng nhắm vào các chiến binh được Iran hậu thuẫn ở Syria, Yemen, Iraq...
Sáng sớm 1/10, Israel không kích nhắm vào Mounir Maqdah, chỉ huy Lữ đoàn Tử vì đạo Al-Aqs, phong trào Fatah Palestine, chi nhánh tại Lebanon. Ngoài việc tiêu diệt một số chỉ huy Hezbollah, các cuộc không kích của Israel đã sát hại khoảng 1.000 thường dân và buộc một triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến dọc biên giới với Lebanon và đặt mục tiêu đưa những người Israel phải di dời trong gần một năm qua trở về nhà.
Không chỉ giới hạn ở Lebanon, Israel cảnh báo Iran rằng không nơi nào ở Trung Đông nằm ngoài tầm ngắm của Israael. Một cuộc không kích của Israel vào thủ đô Damascus, Syria ngày hôm qua đã khiến 3 thường dân thiệt mạng và 9 người khác bị thương. Trước đó, Israel cũng tấn công vào cảng Hodeidah (Yemen), nhằm vào mục tiêu của Houthi, gây ra hàng chục thương vong và phá hủy hệ thống phát điện của cảng, cùng cơ sở hạ tầng khác tại cảng.
Về phía Hezbollah, Phó thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem, tuyên bố họ đã sẵn sàng cho một cuộc giao tranh trên bộ", tiếp tục bắn tên lửa sâu tới 150 km vào lãnh thổ Israel.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi ngừng bắn nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn chưa thuyết phục được Israel kiềm chế các cuộc tấn công vào Hezbollah hay lực lượng Hamas ở Gaza. Ngoại trưởng Anh David Lammy một lần nữa kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
“Chúng tôi không thương tiếc cái chết của thủ lĩnh thuộc 1 tổ chức khủng bố nhưng chúng tôi thương tiếc những thường dân đã mất mạng trong cuộc đổ máu trong vài ngày qua. Và đó là lý do tại sao chúng tôi với tư cách là G7 và là các thành viên Hội đồng Bảo an thúc giục và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Với đề xuất thời hạn 21 ngày, chúng ta có thể đạt được một giải pháp chính trị để người Israel có thể trở về nhà của họ ở miền bắc Israel, để người dân Lebanon có thể trở về nhà của họ ở miền nam Lebanon, để chúng ta có thể chứng kiến việc thực hiện Nghị quyết 1701 và để các quốc gia liên quan có thể chung sống hòa bình bên nhau”, ông Lammy nói.
Đồng quan điểm, Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc cần buông vũ khí và tiếng nói ngoại giao cần được cất lên và được tất cả mọi người lắng nghe. Việc Hezbollah bắn tên lửa và các loại đạn khác vào lãnh thổ Israel kể từ ngày 8 tháng 10, cũng phải dừng lại. Chủ quyền của cả Israel và Lebanon phải được đảm bảo. Và bất kỳ sự can thiệp quân sự nào nữa sẽ làm trầm trọng thêm tình hình và phải tránh điều đó”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nên khuyến nghị sử dụng vũ lực, phù hợp với nghị quyết đã thông qua năm 1950, nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không ngăn chặn được các cuộc tấn công của Israel vào Gaza và Lebanon. Nghị quyết nêu rõ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể can thiệp nếu bất đồng giữa 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ), không thể duy trì được hòa bình quốc tế. Tổng thống Erdogan cũng kêu gọi các nước Hồi giáo thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao và chính trị chống lại Israel để gây sức ép buộc nước này phải chấp nhận lệnh ngừng bắn.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố Iran sẽ không để bỏ qua bất kỳ "hành động gây hấn” nào của Israel mà không bị trả đũa. Tuyên bố mới nhất của Iran cho thấy xung đột leo thang giữa Israel và các chiến binh được Iran hậu thuẫn có thể đe dọa lôi kéo cả Mỹ và Iran vào cuộc. Dù Israel tuyên bố chiến dịch ở Lebanon có giới hạn và không có ý định chiếm đóng lâu dài ở Lebanon như chiến sự năm 1982 nhưng giới phân tích cho rằng, bước leo thang nguy hiểm hiện nay sẽ đẩy hàng triệu người dân Lebanon lâm vào tình cảnh khó khăn hơn, bị đe dọa cả về tính mạng và sinh kế.