|
Amy Jayne Everett năm 6 tuổi là một gương mặt quen thuộc với người dân Úc qua những hình ảnh quảng cáo thương hiệu mũ Akubra |
Năm 6 tuổi, Amy Jayne Everett đã xuất hiện trong một quảng cáo cho thương hiệu mũ Akubra – sản phẩm biểu tượng cho cuộc sống ở những vùng xa xôi của nước Úc.
Nhưng khi bước vào tuổi thiếu niên, Everett trở thành nạn nhân của bắt nạt trên mạng không ngừng nghỉ. Tuần trước, cô bé 14 tuổi này đã tự tử.
Cái chết của một cô bé có gương mặt quen thuộc với hàng triệu người dân Úc đã khiến cả quốc gia này bàng hoàng. Thủ tướng Malcolm Turnbull thậm chí đã phải lên tiếng yêu cầu chấm dứt nạn bắt nạt tuổi vị thành niên ở cả cuộc sống thực và trên mạng.
Bắt nạt trên mạng được cả thế giới đánh giá là một vấn đề nghiêm trọng đối với thanh thiếu niên. Các chuyên gia, phụ huynh và các nhà giáo dục đang đều cố gắng tìm giải pháp cho vấn nạn này.
Mặc dù tự tử là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới cái chết cho người ở độ tuổi từ 15 tới 44 ở Úc, nhưng vấn đề này lại không được thảo luận công khai nhiều, một phần là do truyền thông e ngại rằng đưa tin về tự tử sẽ dẫn đến nhiều vụ tự tử hơn.
Cái chết của Everett đang dần thay đổi quan niệm này, mặc dù là rất ít.
|
Everett của những năm sau đó |
Trong một dòng trạng thái đầy xúc động trên Facebook, bố của Everett – ông Tick – đã đề nghị những kẻ bắt nạt tới tham dự lễ tang của cô bé.
“Nếu có cơ hội, những người đã nghĩ rằng đó chỉ là trò đùa, cảm thấy mình có ưu thế hơn bằng việc hiếp đáp người khác, làm ơn hãy tới lễ tang để chứng kiến hậu quả mà các bạn đã gây ra” – ông Tick Everett viết.
Trong bối cảnh đó, người thân của những nạn nhân tự tử khác cũng lên tiếng, hi vọng rằng sự nhận thức vấn đề tốt hơn của cộng đồng sẽ giúp cứu sống được những sinh mạng vô tội.
“Chính phủ cần hành động nhiều hơn, đưa ra các đạo luật chống bắt nạt” – ông Quentin Pearson, người có con trai 14 tuổi tự tử vào năm 2016, đề xuất.
Sử dụng Internet để sách nhiễu người khác là bất hợp pháp ở Úc, nhưng việc bị truy tố lại tương đối hiếm. Thủ tướng Turnbull cho biết, xã hội cần hành động nhiều hơn để bảo vệ người trẻ, mặc dù ông không đưa ra bất cứ đề xuất cụ thể nào.
“Là một người cha, người ông, trái tim tôi đau nhói khi nghĩ về Dolly và gia đình cô bé” – ông viết trên Facebook. “Chúng ta phải hành động để giảm tỷ lệ bắt nạt, dù là trên mạng hay ngoài đời, và loại bỏ nó ở bất cứ nơi nào có thể”.
Một gia đình khác có con là nạn nhân cũng đề xuất một bộ luật được thực thi ở bang Nam Úc, trong đó đưa ra các điều luật phạt tù lên tới 10 năm về tội bắt nạt. Các nhà lập pháp cũng đang cân nhắc đề xuất này.
Chúng ta không rõ điều gì đã xảy ra với Everett và cách mà cô bé cướp đi mạng sống của chính mình. Khi đang trong một kỳ nghỉ với trường, cô bé từng viết: “Hãy đứng dậy, lên tiếng nếu giọng bạn run lên”. Có vẻ như đó là một dấu hiệu của sự căng thẳng mà Everett đã trải qua.
“Thông điệp mạnh mẽ này nói về nơi đáng sợ, tăm tối mà cô bé xinh đẹp của chúng tôi đã đến” – gia đình Everett chia sẻ.
Họ cũng cho biết đang lên kế hoạch thiết lập một nền tảng lấy tên con gái nhằm nâng cao nhận thức về bắt nạt, trầm cảm và tự tử ở tuổi vị thành niên.