Hơn 20 năm qua, nhiều người dân sống ở Đô Quân, Quý Châu (Trung Quốc) vẫn chứng kiến một người phụ nữ cần mẫn làm việc lặng lẽ bên quầy sửa giày. Nhìn bên ngoài, nó cũng như biết bao gian hàng bình dị khác. Tuy nhiên, không mấy ai biết được đằng sau dáng vẻ khắc khổ của chủ gian hàng là một cuộc đời đầy những nỗi buồn.
Bà muốn gắn bó với quầy sửa chữa giày này với niềm mong mỏi lớn nhất là 2 đứa con bị mất tích sẽ sớm trở về. Hi vọng đó dù mong manh nhưng bà chưa bao giờ hết hi vọng. Sự xa cách 20 năm, không một lần được gặp lại khiến cho lòng vợ chồng bà luôn day dứt.
Được biết, bà Luo Xingzhen có 2 người con, một trai và một gái. Tuy nhiên, vào năm 1996, cả 2 con của bà đột nhiên biến mất khi đang đứng ở một ngã tư đông đúc ở Đô Quân, Quý Châu. Từ đó đến nay, sau biết bao nỗ lực tìm kiếm, 2 con của Luo vẫn chưa trở về.
Theo bà Luo, 2 con của bà bị bắt cóc khi một đứa lên 7 tuổi và đứa còn lại 5 tuổi. Suốt hàng chục năm trời, bà vẫn cặm cụi làm việc ở gian hàng sửa giày để mong một phép màu sẽ đến. Tuy nhiên, đến nay, điều kỳ diệu chưa xảy ra. Nhiều năm trời bà chỉ ước được gặp lại các con, ôm chầm lấy chúng rồi thủ thỉ tâm tình. Có ai trải qua nỗi đau này mới thấu hiểu hết được nỗi lòng người mẹ phải nuốt nước mắt vào trong mà cố gắng sống.
|
Bà Luo nuôi hi vọng các con sẽ trở về sau hàng chục năm bị bắt cóc. |
Nói về lý do ngồi ở gian hàng này suốt hàng chục năm, bà Luo cho hay bản thân sợ rằng một ngày nào đó các con có thể tìm về, không thấy mẹ ở đó sẽ không thể gặp lại nhau. Được biết, hơn 20 năm đã trôi qua, nhưng người chồng của bà vẫn lặng lẽ đi hỏi khắp mọi nơi về thông tin của các con. Dẫu biết công việc này như mò kim đáy bể nhưng vợ chồng bà vẫn cố gắng.
Năm nay đã ở tuổi cần được nghỉ ngơi, bà Luo và chồng vẫn làm việc chăm chỉ. Họ dự định sẽ ngồi thêm ở quầy hàng này thêm 10 năm nữa với hi vọng sẽ có điều bất ngờ xảy ra.
Thậm chí, trên quầy hàng của bà còn có thông tin tìm kiếm các con bị bắt cóc. Ngoài ra, bà còn cẩn thận dán ảnh 2 đứa trẻ chụp vào thời điểm cách đây hơn 20 năm để mong ai đó quan tâm có thể có manh mối, thông tin giúp đỡ.
Khi Tết Nguyên đán đang tới gần, lòng bà Luo và chồng vẫn chưa thể vui, bởi con chưa trở về sau chừng đó năm ngóng đợi. Tết này cũng như nhiều năm khác, vợ chồng bà vẫn thay nhau ở tại quầy hàng phòng lúc các con trở về.
Bà Luo bảo bản thân làm nghề sửa giày nhiều năm. Bởi vì, bà hi vọng các con có thể còn giữ được chút ký ức về những chiếc giày. Đó là cách để chúng nhớ cha mẹ và nơi đã từng sống trước khi bị bắt cóc.
Khi biết được câu chuyện của bà Luo, nhiều người bị lạc cha mẹ từ nhỏ đã đến để thử ADN nhưng kết quả cho thấy không có mối quan hệ huyết thống. Mỗi khi có ai đó đến, hi vọng lại thắp lên với gia đình bà Luo nhưng mọi thứ nhanh chóng vụt tan.
Gương mặt già nua, dáng người vất vả cùng một nỗi lòng chất chứa khiến nhiều người không khỏi xót xa khi nhìn vào bà Luo. Hi vọng, không lâu nữa, vợ chồng bà sẽ tìm được con để cả nhà đoàn tụ, tận hưởng cảm giác ấm áp những năm cuối đời. Dẫu biết mọi thứ sẽ rất khó khăn nhưng bất cứ ai cũng có quyền hi vọng dù mong manh nhất.