Sahar, Maha, Hala và Jawaher Al Saud là con gái của đức vua Abdullah bin Abdulaziz, quốc vương Ả Rập Saudi. Ông cũng là một tỷ phú khét tiếng khi sở hữu khối tài sản ước tính 15 tỷ USD.
|
Lần lượt từ trái sang: Các công chúa Sahar, Jawaher, Hala (sau lưng nhà vua) và Maha và vua cha Abdullah. |
Sinh ra trong một gia đình quyền quý như vậy, khi còn trẻ, 4 cô công chúa thường đi trượt tuyết tại những khu nghỉ dưỡng sang trọng ở châu Âu, mua sắm triền miên, tận hưởng lối sống xa hoa của bậc đế vương.
Thế nhưng cuộc sống của họ không hào nhoáng như vẻ bề ngoài. 4 cô gái trở thành tù nhân của chính cha mình. Họ bị giam lỏng trong những chiếc lều tao nhã chứa đầy trái cây và đồ ăn được dựng lên giữa khu vực cung điện trị giá 740 triệu USD.
Công chúa cả Sahar, 46 tuổi, từng có cuộc điện đàm hiếm hoi và lén lút với tờ NYPost cho biết: "Chúng tôi đã bị cắt đứt, cô lập với bên ngoài. Giờ chúng tôi là con tin, không ai có thể gặp chúng tôi và ngược lại. Chính cha và các con trai ông ấy, những người anh em cùng cha khác mẹ của chúng tôi là thủ phạm trong thảm kịch này".
|
Maha, Hala, bà Alanoud Al Fayez, Sahar và Jawaher vào khoảng những năm 1980. |
Bị trừng phạt vì sinh con gái
Bà Al Fayez, hậu duệ của một gia đình người Jordan giàu có, nhớ lại lần đầu tiên mình gặp đức vua Abdullah, đó là vào năm 1972. Khi ấy bà 15 tuổi còn đức vua đã 48 tuổi. Al Fayez được thông báo Abdullah sẽ là chồng mình. "Tôi đã được gả cho ông ấy. Đây là một cuộc hôn nhân sắp đặt", Al Fayez nói.
Sau khi về làm dâu hoàng thất, mặc dù cuộc sống giàu sang, có kẻ hầu người hạ nhưng cuộc sống của bà nhanh chóng trở nên đơn điệu. "Sau khi bị ép kết hôn, Abdullah thi thoảng sẽ tới phòng tôi trong vài giờ như một vị khách. Sau đó ông ta đến với mấy bà vợ khác, vậy nên bạn thậm chí còn chẳng có mâu thuẫn, không quan trọng", bà al Fayez tiết lộ.
Trong vòng 4 năm sau lễ cưới, bà Al Fayez sinh hạ 4 cô con gái. Điều này là không thể chấp nhận được. Trong mắt nhà vua, bà không có khả năng sinh con trai và bị xem là vô dụng.
Đức vua Abdullah, có khoảng 30 vợ và hơn 40 con, cuối cùng đã ly dị Al Fayez vào khoảng những năm 1980. Nhưng bà không hề phát hiện ra điều này, mãi đến 2 năm sau mới biết được sự thật thông qua người khác. Ở Ả Rập Saudi, chồng có thể ly dị mà vợ không hay biết.
"Thực sự thì ông ta đã ly dị tôi nhiều lần, đã lạm dụng tôi, đánh đập tôi, sai lính đánh tôi", Al Fayez nói.
"Giọt nước làm tràn ly, nếu các bạn muốn gọi như vậy, chính là khi các con gái tôi bị ốm, họ không để tôi chăm sóc hay giám sát quá trình điều trị. Điều đó thôi thúc tôi phải thoát khỏi nơi đây, đến phương Tây và nói cho thế giới biết về sự lạm dụng phụ nữ ở Ả Rập Saudi".
Tại quốc gia Trung Đông này, phụ nữ không có tiếng nói trong việc nuôi dạy con cái. Họ không được đến trường, đi du lịch, mở tài khoản ngân hàng, tiến hành kinh doanh hoặc điều trị y tế, đặc biệt là phẫu thuật vùng kín mà chưa được sự cho phép của nam giới.
Ở nơi công cộng, ngoại trừ mắt và tay phải, tất cả các bộ phận trên cơ thể phải được che kín, nếu vi phạm dù là nhỏ nhất cũng có thể bị tử hình.
Với sự giúp đỡ của một người lính canh của khu biệt giam, bà Al Fayez đã thoát ra ngoài và đến được sân bay Jeddah trong đêm tối. Sau đó, bà được một nhóm nữ quyền giúp trốn sang London.
Đó là một quyết định đau đớn. Al Fayez nói rằng mình sẽ mang theo các con bỏ trốn nhưng Abdullah đã tịch thu hộ chiếu của các cô gái và tách họ khỏi mẹ.
Al Fayez cho rằng nhà vua rồi cũng sẽ thả các con ra để tránh khỏi những cáo buộc công khai của bà. Hoặc chí ít, cuộc sống của 4 cô gái sẽ tốt hơn mẹ, bà nghĩ ông sẽ không ngược đãi con mình.
"Rời bỏ con là một điều vô cùng khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ chúng phải chịu điều này. Mà hơn hết, chúng cũng là con gái của ông ta".
Bị giam cầm trong chính ngôi nhà của mình
Bà Al Fayez đã sai. Vào năm 2002, chưa đầy 1 năm sau khi bà trốn thoát, Abdullah bắt đầu hành hạ các con gái của mình. Họ liên lạc qua điện thoại với mẹ và nói rằng ông dùng thức ăn, nước uống để khiến họ ngoan ngoãn khi bị giam cầm.
"Bọn trẻ đã cảm thấy bị áp bức từ trước khi tôi rời đi, nhưng khi tôi trốn thoát, ông ta thề sẽ giết chết chúng từ từ. Có lúc ông ta đã cố đưa tôi trở lại. Ông ta nói mình sẽ ly hôn và thả các con ra, nhưng đó không phải sự thật, tôi không thể tin điều đó", bà Al Fayez nói.
Vào khoảng năm 2005, đó là lần đầu tiên bà bắt đầu lo sợ cho sự an toàn của các con. "Khi ấy tôi nghĩ bây giờ ông ta sẽ làm bất cứ điều gì, thậm chí là trừng phạt bọn trẻ cho tới chết. Đó chính xác là những gì ông ta đang làm".
Đức vua đã nhốt Sahar và công chúa út Jawaher trong một khu vực của cung điện. Còn Mahar và Hala thì bị giam trong một căn phòng nhỏ, tồi tàn khác.
|
Công chúa Jawaher (trái) và Sahar bị quản thúc trong cung điện. |
Ngay cả khi họ ốm đau các bác sĩ cũng không được đến thăm khám. "Những căn phòng giam cầm đều rất nóng, cả 4 đứa gục ngã vì sức nóng của sa mạc". Họ bị mất nước, buồn nôn và say nắng.
Công chúa cả Sahar nói rằng nhà vua đang bỏ đói họ đến chết. Họ bị ngắt điện, nước trong một thời gian dài, phải ăn đồ hộp để chống đói. Những căn phòng biệt giam thì ẩm thấp, chuột gián hoành hành khắp nơi.
"Chúng tôi đang dần kiệt quệ và phải cố hết sức để sống sót", Sahar nói. Chiếc "lồng son" giam cầm họ chỉ được cái mã bên ngoài bởi thực sự họ sống giữa một đống đổ nát. Nó không phải "cung điện" như người ngoài nhìn vào.
Một quan chức tại đại sứ quán của Saudi ở London nói với tờ NYPost rằng phụ nữ có thể tự do đi lại nhưng 4 cô gái là người hoàng gia nên họ phải đi cùng các nhân viên bảo an. Bà Al Fayez nói đó là một lời dối trá. "Nơi ấy từng là một ngôi nhà. Nhưng giờ nó là một cái lồng... Nhà vua muốn bọn trẻ chết và phải chết trước thế giới. Nhưng ông ta sẽ phủ nhật bất cứ điều gì từng xảy ra".
Cả 4 cô gái thường xuyên bị tra tấn. "Bọn họ, những gã đàn ông, những người anh em cùng cha khác mẹ của chúng tôi, dùng gậy gộc đánh đập chúng tôi. Họ hét lên rằng chúng tôi sẽ chết tại nơi này", Sahar cho biết.
Hôn nhân không phải lối thoát
Mỗi cô gái đều nói với mẹ mình rằng họ mơ ước được kết hôn với một hoàng tử. Nhưng họ không có cơ hội được gặp người đàn ông của đời mình. Với một người cha lãnh đạm, đến giờ họ vẫn còn độc thân. "Ông ấy không để ai hỏi cưới chúng, dọa giết bất cứ ai có ý định đó", bà Al Fayez nói.
Bà Al Fayez cảm nhận được nỗi đau của các con nhưng vẫn luôn tự nhủ mỗi đứa con của mình đều thật mạnh mẽ và đặc biệt.
"Sahar rất thông minh và luôn khiến chúng tôi bật cười. Con bé là con cả và là một nghệ sĩ, một người theo tư tưởng tự do. Maha thì nhạy cảm, có thiên hướng về kinh doanh và chính trị. Hala rất nhân từ và sáng dạ, con bé học chuyên ngành tâm lý và tốt nghiệp đứng đầu lớp. Nó cũng thích chơi piano và sáng tác nhạc. Jawaher, đứa út thì có phần tính cách rất giống Maha, rất yêu nhạc, muốn lấy bằng về âm nhạc".
Ngay từ khi còn nhỏ, bà Al Fayez đã dạy các con phải mạnh mẽ, đứng lên trước người cha quyền lực của họ và bây giờ, điều đó đang có tác dụng.
Điều đáng nói ở đây là Abdullah có nhiều con gái với các bà vợ khác. Nhưng ông đối xử với họ cực kỳ tốt. Ví dụ, công chúa Adilla đã kết hôn với một doanh nhân Ả Rập giàu có. Cô thường xuyên nói tốt về cha mình. Hoặc công chúa Aliya đã được cha chỉ định vào vị trí lãnh đạo cho chương trình dịch vụ xã hội Jeddah. Công chúa Maryam thì đang làm bác sĩ tại châu Âu. Con gái út của nhà vua, Sahab thì kết hôn với vua Bahraini, Hamad bin Isa Al Khalifa vào năm 2011.
Vậy tại sao 4 cô con gái của Al Fayez lại bị đối xử khác biệt như vậy? "Ông ta căm thù sự thẳng thắn của bọn trẻ. Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất chính là tôi không sinh được con trai cho ông ta. Bọn trẻ cũng giống như tôi, khiến ông ta phiền chán", bà Al Fayez nói.
Al Fayez nhận được rất ít sự giúp đỡ trong công cuộc giải cứu con gái. Bà đã từng thuê các luật sư người Anh và Mỹ nhưng vua Abdullah từ chối thẩm vấn. Công chúa Sahar và Jawaher cũng từng công bố một video cầu xin sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Nhưng kể từ sau cái chết của vua Abdullah vào tháng 1.2015, tin tức của 4 cô công chúa không còn xuất hiện nữa.