Khoảng 30% bề mặt của “Hành tinh Xanh” là đất. Trên diện tích đó, hơn 7 tỉ con người chia nhau sinh sống và làm việc. Ngoại trừ những nơi có điều kiện quá khắc nghiệt, không có dân bản địa sinh sống cũng như được một hệ thống các hiệp ước liệt vào hàng “công cộng” như Nam cực, hễ nơi nào có đất, nơi đó có cuộc tranh chấp lãnh thổ. Họ đo đạc, kẻ chỉ, cắm mốc, đóng hàng rào để phân định lằn ranh. “Trâu chậm” thậm chí còn không có “nước đục” để uống.
|
Vùng đất Bir Tawil khô cằn. |
Vậy mà lọt thỏm giữa hai quốc gia Ai Cập và Sudan, có một mảnh đất rộng khoảng 2.000km2 lại không hề được quốc gia nào đón nhận. Mảnh đất bị “ghẻ lạnh” có hình thang này được gán cho cái tên: Tam giác Bir Tawil. Bir Tawil không may mắc kẹt vào tình thế “món hàng bị chối đẩy” khi không thể trở thành một phần của Sudan hay Ai Cập. Mặc dù tỏ vẻ không muốn sở hữu Bir Tawil nhưng trên thực tế, không quốc gia nào bằng lòng để cho bên kia chiếm Bir Tawil mà không phải trả giá.
|
Bản đồ vị trí của Bir Tawil. |
Bốn phía của Bir Tawil là đất liền, phía bắc giáp Ai Cập, phía nam giáp Sudan. Đất đai ở đây không thuận lợi để phát triển nông nghiệp vì chủ yếu là cát và đá núi khô cằn. Cùng với kiểu khí hậu khô hanh và địa hình đồi núi, lại không có cư dân sinh sống, Bir Tawil càng trở nên kém “màu mỡ”. Hơn một thế kỉ trước, một bộ lạc du mục từng xuất hiện tại đây. Họ dựng lều để chăn nuôi gia súc. Nhưng 100 năm cũng đã túc tắc trôi qua và xóa sạch dấu vết của con người.
“Bir Tawil” theo tiếng Ảrập có nghĩa là “giếng nước sâu”. Người ta đặt tên như vậy bởi từng có một giếng nước ở đây. Nhưng thậm chí cả thứ mang lại cái tên cho vùng đất này cũng đã lùi vào dĩ vãng. Không còn ai biết phải đi đâu để tìm ra dấu vết của giếng nước ngày xưa. Tuy nhiên, giá trị sử dụng quá thấp không phải là lí do Bir Tawil lại bị cả Ai Cập lẫn Sudan “ghẻ lạnh”.
Há miệng sợ mắc quai
Nằm ở phía đông bắc của Bir Tawil là một mảnh đất khác có tên Hala’ib. Không như Bir Tawil, tam giác Hala’ib lớn hơn khoảng 10 lần. Đất đai Hala’ib lại màu mỡ nên rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Hơn thế nữa, Hala’ib tiếp giáp với Biển Đỏ, con đường dẫn ra thế giới. Với những lí do đó, cả Ai Cập và Sudan, không ai bảo ai, cùng muốn phần lãnh thổ này thuộc về mình. Họ không muốn “ăn trước” Bir Tawil là bởi nếu làm vậy, “miếng bánh” được chia từ Hala’ib sẽ bị nhỏ đi.
Nguồn cơn câu chuyện bắt nguồn từ một hiệp định ký năm 1899 khi người Anh đặt ách đô hộ lên cả Ai Cập và Sudan. Năm 1899, một đường biên giới ở phía bắc Sudan đã được người Anh đo đạc và vẽ tại kinh độ 22. Đó là một đường thẳng tịnh tiến về phía đông, hướng ra Biển Đỏ. Theo đường biên giới này, Ai Cập sẽ kiểm soát vùng tam giác Hala’ib trong khi Bir Tawil thuộc về Sudan. Tuy nhiên, cách vẽ đường biên giới như vậy của Anh gặp một vấn đề nhỏ.
Một nhóm người sinh sống trong vùng tam giác Hala’ib có quan hệ gần gũi hơn với Sudan cả về mặt địa lý lẫn văn hóa, chứ không như lớp vỏ công dân Ai Cập của họ. Để sửa chữa sai sót này, năm 1902, Vương quốc Anh quyết định vẽ lại đường địa giới hành chính bằng những đoạn khúc khuỷu. Vùng tam giác Hala’ib được đưa về với người Sudan và Bir Tawil được trao vào tay Ai Cập. Người Anh có lẽ không ngờ được cách xử lí có vẻ hợp tình hợp lý của họ lại là nguồn gốc tạo ra mảnh đất của “không ai cả” sau này.
Sau khi giành được độc lập, Ai Cập công nhận đường biên giới xác lập năm 1899 trong khi Sudan chỉ công nhận đường biên giới xác lập năm 1902. Vì vậy Ai Cập không muốn nhận Bir Tawil, trong khi Sudan cũng chối đây đẩy mảnh đất này. Cả hai đều muốn “thả con săn sắt để bắt con cá rô”, đó là lí do vì sao Bir Tawil trở thành nơi duy nhất trên Trái Đất, ngoài Nam cực, không được bất kì quốc gia nào tuyên bố chủ quyền.
Mặc dù hiện tại Bir Tawil vẫn tạm thời nằm dưới sự kiểm soát của Ai Cập song trên các bản đồ hành chính của đất nước sở hữu các kim tự tháp này không hề xuất hiện mảnh đất hình thang mang tên Tam giác Bir Tawil.