Việc chính phủ Ba Lan nhất quyết áp dụng các cải cách tư pháp khiến cộng đồng trong nước và quốc tế không hài lòng, và nghị quyết trừng phạt Ba Lan được áp dụng, nước này sẽ bị tước quyền bỏ phiếu tại Hội đồng EU.
|
Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết trừng phạt Ba Lan. |
Hôm 15/11, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết nhằm đưa ra cơ chế áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ba Lan.
Việc áp dụng Điều 7 của Hiệp ước về Liên minh châu Âu có thể tước quyền bỏ phiếu tại Hội đồng EU của Ba Lan. Điều này sẽ xảy ra trong trường hợp Hội đồng EU nhận thấy sự tồn tại của một "mối đe dọa rõ ràng" đối với các giá trị của châu Âu.
Có tất cả 438 đại biểu đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, và 152 người phản đối. Các nghị sĩ tỏ ra không hài lòng về việc Warsaw vượt qua các chuẩn mực về dân chủ và pháp quyền.
Trước đó, Tổng thống Ba Lan đã phủ quyết các đạo luật được Quốc hội thông qua về Hội đồng Tư pháp Quốc gia và Tòa án Tối cao. Vào ngày 25/9, nhà lãnh đạo Ba Lan đã đưa ra các dự thảo luật thay thế cho các đạo luật trên của Quốc hội.
Ủy ban châu Âu chỉ trích các tài liệu này. Brussels cho rằng chúng sẽ dẫn đến việc chấm dứt sớm quyền hạn thẩm phán của Tòa án Tối cao, cũng như dẫn tới việc ngành tư pháp sẽ phải tuân theo sự điều hành.
Ngoài ra, EU cũng phản đối hai đạo luật do Tổng thống Ba Lan ký kết: một là về công việc của tòa sơ thẩm và một là về Thẩm phán Quốc gia. Theo quan điểm của Ủy ban Châu Âu, các đạo luật này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự độc lập về công lý ở Ba Lan.
EU đã gửi một số thư cảnh cáo chính thức tới Ba Lan và đe dọa sẽ nộp đơn lên Tòa án EU nếu Warsaw không hành động trong vòng một tháng. Hiện tại, Brussels đang xem xét các phản ứng của chính quyền Ba Lan.
Các chương trình cải cách tư pháp ở Ba Lan không chỉ tạo ra mâu thuẫn giữa Ba Lan với Liên minh Châu Âu, mà còn gây tranh cãi, bất bình trong nước. Nhiều cuộc biểu tình liên tiếp đã diễn ra tại thủ đô Warsaw và một số thành phố của Ba Lan nhằm phản đối các dự luật cải cách hệ thống tư pháp do chính phủ đưa ra.
Đồng minh thân cận của Ba Lan tại NATO là Hoa Kỳ cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại đến tình hình tại nước này. Bộ ngoại giao Mỹ kêu gọi các bên đảm bảo cải cách tư pháp không vi phạm Hiến pháp quốc gia và các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, cũng như tôn trọng các nguyên tắc độc lập của ngành tư pháp và sự tách bạch về quyền lực.