Những gì đang diễn ra tại Zimbabwe có mọi dấu hiệu của một cuộc đảo chính quân sự khi: một sĩ quan quân đội phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, các phương tiện vũ trang xuất hiện tại thủ đô, người dân bối rối, lo sợ.
Sau một đêm hỗn loạn đầy rẫy tiếng súng ở Zimbabwe, đại diện cho quân đội nước này tuyên bố trên truyền hình Tổng thống Robert Mugabe vẫn an toàn. Nhưng ông khẳng định đây không phải là một cuộc đảo chính quân sự, chỉ là khống chế các hành động tội phạm mà thôi.
CNN trích lời thiếu tướng S.B.Moyo: “Gửi tới tất cả người dân Zimbabwe và thế giới, chúng tôi muốn làm rõ rằng đây không phải là hành động giành lấy chính quyền của quân đội”.
|
Tổng thống Zimbabwe , Robert Mugabe. |
Tuy nhiên, theo chuyên gia Alex T. Magaisa, giảng viên ĐH Kent ở Vương quốc Anh, đây gần như chắc chắn là một cuộc đảo chính. “Mọi người có thể gọi nó bằng tên khác nhưng nó vẫn là đảo chính. Họ đang rất thận trọng với từ ngữ, họ không thể gọi là đảo chính bởi đây là điều không thể chấp nhận được trong khu vực”, ông nói.
Trong nhiều năm qua đã có hiện tượng tranh giành quyền lực trong giới quan chức Zimbabwe nhưng tình hình leo thang nhanh chóng kể từ khi Phó Tổng thống nước này bị cách chức hồi tuần trước, dẫn tới một loạt hành động mất kiểm soát như ngày hôm qua (15/11).
Dưới đây là tổng hợp của CNN về những gì đang diễn ra tại Zimbabwe:
Tình trạng của Zumbabwe từ trước đến nay
Trong nhiều năm, đảng cầm quyền của Zimbabwe đã khiến các trận chiến ngôi vị trở nên rắc rối. Truyền thông nước này đã đưa tin về sự đối địch công khai ngày càng gia tăng giữa Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa và Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe. Đây là hai nhân vật được xem là ứng viên hàng đầu thay thế vị trí Tổng thống.
Mặc dù có truyền thống lục đục nội bộ trong bí mật, song việc Tổng thống Mugabe sa thải ông Mnangagwa tuần trước ngay trước thềm cuộc bầu cử năm tới đã khiến cả đất nước Zimbabwe rúng động. Một cựu Bộ trưởng Zimbabwe cho biết, Phó Tổng thống từng là một chiến lược gia chủ chốt của ông Mugabe trong những cuộc bầu cử trước đây.
Sau hàng thập kỷ cắt đứt quan hệ với các đồng minh, ông Mugabe có lẽ đã khiến tình hình đi quá xa tại thời điểm này. “Ông Mugabe, dù có nhiều sai lầm nhưng luôn cho thấy sự khôn ngoan chính trị trong nhiều năm qua. Tuy nhiên lần này lại là một bước đi dại dột”, cựu Bộ trưởng Zimbabwe nhận định.
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi Phó Tổng thống Mnangagwa có một mối quan hệ mạnh mẽ với quân đội và việc ông bị sa thải dẫn tới lời cảnh cáo của tướng Constantino Chiwenga, chỉ huy các lực lượng vũ trang, rằng quân đội sẽ can thiệp nếu các đồng minh chính trị tiếp tục bị cho “ra rìa”.
Truyền thông nhà nước Zimbabwe đã không đưa tin về buổi họp báo của tướng Chiwenga hồi tuần trước nhưng đã phát sóng lại sự kiện này vào ngày hôm qua (15/11), một dấu hiệu cho thấy quân đội có thể đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn đài truyền hình.
Tổng thống đang ở đâu?
Cho đến nay, Tổng thống Mugabe vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức và nơi ông đang trú ngụ chưa được tiết lộ. Thiếu tướng S.B.Moyo đã lên tiếng trấn an người dân, nói rằng ông Mugabe và gia đình “vẫn an toàn và an ninh của họ được đảm bảo”.
“Chúng tôi chỉ nhắm vào những đối tượng phạm tội xung quanh Tổng thống, những kẻ gây tổn hại cho xã hội và kinh tế đất nước, để đưa chúng ra trước công lý”, ông Moyo tuyên bố.
Vai trò của Đệ nhất phu nhân?
Vợ của Tổng thống Zimbabwe, bà Grace Mugabe, là nhân vật chính trong cuộc khủng hoảng chính trị này. Trong quá khứ, Đệ nhất phu nhân 52 tuổi vốn nổi tiếng với những khoản chi tiêu mua sắm hoang phí, thậm chí bà còn có biệt danh là “Gucci Grace”. Nhưng trong những năm gần đây, bà lớn tiếng tuyên bố rằng chồng mình đã chọn bà làm người kế nhiệm ông.
|
Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe là nhân vật chính trong cuộc khủng hoảng chính trị này. |
Đệ nhất phu nhân trở thành người lãnh đạo ủy ban phụ nữ trong đảng cầm quyền từ một vài năm trước, một điều chứng tỏ bà sẽ là người kiến nhiệm chồng. Các nhà phân tích cho biết, việc sa thải Phó Tổng thống sẽ giúp bà Mugabe đến gần hơn với “ngai vàng”.
Người vợ thứ hai của Tổng thống Mugabe nổi lên là một người phụ nữ sắc xảo, phô trương, một chính trị gia có ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ Zimbabwe. Tuy nhiên, bà cũng gây sự chú ý vì những một số quyết định sai lầm của mình.
Tại sao Phó Tổng thống bị sa thải?
Trong tuyên bố của chính phủ, ông Mugabe cáo buộc Phó Tổng thống tội danh “không trung thành, thiếu tôn trọng, lừa dối và không đáng tin cậy”.
Ông Mnangagwa, có biệt danh là “cá sấu” bởi sự nghiệp chính trị lâu dài của mình, là người ở bên cạnh Tổng thống ngay từ đầu, làm việc với tư cách trợ lý của ông trong quá trình đấu tranh giải phóng đất nước và sau này trở thành Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan tình báo trong nội các của tổng thống.
|
Phó Tổng thống Zimbabwe. |
Cho đến nay cũng chưa rõ nơi ở của Phó Tổng thống. Song ông Mnangagwa tuyên bố ông sẽ không rút lui trong êm đẹp. Ông đang kêu gọi những người ủng hộ giúp mình xây dựng một liên minh để chống lại bà Grace Mugabe trong cuộc bầu cử sắp tới.
Những điều chưa biết về Tổng thống Zimbabwe
Ông Robert Mugabe là Tổng thống nắm quyền lâu nhất ở Zimbabwe kể từ khi lãnh đạo đất nước giành độc lập từ Anh vào năm 1980. Vị Tổng thống 93 tuổi ở đất nước miền nam Châu Phi này thường bị người dân sợ hãi hơn là yêu thương. Những năm cầm quyền của ông bị lu mờ vì những lo ngại về lạm dụng nhân quyền, gian lận bầu cử và tham nhũng.
Ông Mugabe - một cựu giáo viên phổ thông - là nhân vật hàng đầu trong cuộc chiến giành độc lập khi Zimbabwe được gọi là Rhodesia. Ông bị tống giam 10 năm vì có bài "phát biểu lật đổ" vào năm 1964, nhưng sau đó tiếp tục tham gia vào phong trào giành độc lập khi được thả.
Từ nước láng giềng Mozambique, ông Mugabe đã lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích trước khi trở về Rhodesia vào năm 1979 và trở thành thủ tướng của quốc gia mới giành độc lập và đổi tên thành Zimbabwe 1 năm sau đó.
Ban đầu, ông Mugabe được ca ngợi vì đã đem đến cuộc sống mới cho đất nước, bằng cách mở rộng các dịch vụ xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng, xây mới trường học và bệnh viện. Tuy nhiên, ông cũng thẳng tay đàn áp những đối thủ chính trị, khiến 20.000 người thiệt mạng.
Ông Mugabe hủy bỏ chức thủ tướng vào năm 1987 khi ông bắt đầu đảm nhiệm cương vị tổng thống, và kể từ đó ông chiến thắng trong hàng loạt các cuộc bầu cử gây tranh cãi.
Năm 2008, ông thất bại trong bầu cử trước ông Morgan Tsvangirai, gây ra một cuộc bạo loạn chính trị mà các nhóm nhân quyền nói rằng hơn 200 người thiệt mạng.
Vợ ông, mà trước đây là bồ nhí, bà Grace Mugabe được xem là ứng viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo tiếp theo của đảng cầm quyền Zanu-PF. Hai người kết hôn năm 1996, nhưng bà Mugabe tỏ ra kín tiếng trong nhiều năm, trước khi tham gia chính trường từ năm 2014.
Thói quen chi tiêu xa hoa của bà Mugabe bị chỉ trích gắt gao, trong bối cảnh nghèo đói và thất nghiệp lan tràn ở Zimbabwe. Đất nước này hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, nước, nhiên liệu, các ngân hàng đối mặt với tình trạng bị rút tiền mặt ồ ạt.