Vụ việc khiến nhiều người cảm thấy phẫn nộ, xảy ra ở Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc. Camera an ninh của gia đình đã ghi lại cảnh bảo mẫu lạm dụng và hành hạ đứa bé 10 tháng tuổi hết sức nghiêm trọng.
Xuất hiện trong video là một người phụ nữ mặc áo sơ mi đen, đang ném mạnh đứa trẻ lên ghế sofa, chưa hết, bà này còn dốc ngược bé lên trước khi thả rơi tự do để bé tiếp đất bằng…đầu theo đúng nghĩa đen.
|
Hình ảnh cắt ra từ video. |
Video trên sau khi đăng lên Weibo, trang mạng xã hội của Trung Quốc đã lan tỏa rất nhanh chóng, tất cả đều tỏ ra phẫn nộ và tức giận với hành động vô nhân tính trên. Người đăng video này cho biết, ban đầu nó được một người họ hàng của cháu bé chia sẻ với một nhóm trò chuyện kín.
Cô này viết: “Bố mẹ của bé muốn báo việc này với phía cảnh sát, nhưng không chắc liệu có đủ điều kiện để khiếu nại hay không. Bà vú thậm chí còn muốn giải quyết nội bộ, chính vì thế tôi đã đăng video này cho họ”.
Cũng theo người đăng clip cho biết, bố mẹ cháu bé đã thuê một người bạn của bà của bé để lo việc chăm sóc con cái cho cặp vợ chồng trẻ khi họ đi làm. Bà vú không biết trong nhà có camera an ninh.
Hiện phía cảnh sát đang tiến hành điều tra về tính xác thực của video trên.
Nỗi khổ chẳng ai hiểu
Nhiều mẹ bỉm sữa sau khi xem xong clip cũng đã tâm sự rất nhiều về những khó khăn trong chuyện chăm sóc, nuôi dạy con cái sau sinh.
“Tốt nhất là tự chăm sóc con đi bạn. Người già thi thoảng mất kiên nhẫn, giống như mẹ tôi đây này. Bà không đánh bé nhưng sẽ thường tẳng lờ cháu. Vì thế tôi đã nghỉ việc để chăm con tới khi nó đi học mẫu giáo”, một mẹ bỉm sữa chia sẻ.
“Tôi không thể tìm được việc sau khi con lớn, kể cả kinh doanh ở nhà cũng khó, thế nhưng bố mẹ không cho phép tôi đi làm, còn chồng thì cũng chẳng muốn từ bỏ công việc lương cao của mình”, một người mẹ khác viết.
Nguy cơ bạo hành
Theo Bộ Thương mại, đã có nhiều thông tin về những trường hợp bạo hành tương tự như thế ở Trung Quốc. Năm 2016, số lượng bảo mẫu và người dọn dẹp bán thời gian ở nước này đã vượt quá 25 triệu người, tăng 9,3% so với năm trước đó.
Thế nhưng nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu, nguyên nhân một phần cũng do nhiều gia đình trẻ chuyển từ nông thôn ra thành phố để tìm việc làm, cùng với đó là những thay đổi trong thái độ của những người phụ nữ khi họ ưu tiên sự nghiệp hơn.
Theo khảo sát tháng 3/2018 của LinkedIn và L'Oreal tại Trung Quốc, gần 80% phụ nữ sinh sau năm 1995 muốn độc lập về tài chính. Đó là lí do họ không thể cân bằng được giữa việc chăm con và sự nghiệp nên mới cần đến sự giúp đỡ của người giúp việc và các bảo mẫu.
Tuy nhiên với những trường hợp bạo hành trẻ nhỏ nghiêm trọng như thế, thử hỏi liệu có người phụ nữ nào đủ can đảm giao con cho các bà vú để yên tâm làm việc?
Tháng 9 năm ngoái, một bảo mẫu ở Đại Đồng, phía bắc Sơn Tây cũng bị camera dấu kín quay lại cảnh liên tục tát và đánh một em bé 8 tháng tuổi khi bố mẹ bé đi vắng.