Cụ thể, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc đồng ý cung cấp cho Kiev khoản vay này để đổi lấy nguồn cung cấp ngũ cốc. Một nửa giá trị của khoản vay đã được chuyển tới Kiev năm ngoái. Đổi lại, theo thỏa thuận, Ukraine sẽ cung cấp ngũ cốc cho Trung Quốc trong vòng 15 năm và khối lượng xuất khẩu ngũ cốc phải đạt dưới 6 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà nhập khẩu Trung Quốc mới chỉ nhận được số ngũ cốc trị giá 153 triệu USD từ
Ukraine (tương đương 180.000 tấn ngũ cốc).
Hãng tin Nga ITAR-TASS dẫn lời một quan chức Quốc hội Ukraine giấu tên cho biết, Công ty Ngũ cốc và Lương thực nhà nước đã sử dụng một phần khoản cho vay trị giá 3 tỷ USD của Trung Quốc. Trong khi đó, số ngũ cốc mà Ukraine thiếu hụt của Trung Quốc lại được dùng để chuyển cho các quốc gia khác bao gồm Ethiopia, Iran, Kenya cũng như các nhóm đối lập ở Syria.
|
Nông dân Ukraine thu hoạch ngũ cốc.
|
Cũng theo quan chức giấu tên nêu trên, Trung Quốc đã nộp đơn kiện Ukraine tại một Tòa án Phân xử Quốc tế ở London. Song vị quan chức này không đề cập đến ngày giờ cụ thể Trung Quốc nộp đơn kiện cũng như chi tiết về vụ kiện mà chỉ khẳng định Quốc hội Ukaine sẽ tiến hành các thủ tục bảo lãnh nhà nước đối với hợp đồng trên.
Tuy nhiên, hiện Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận thông tin mà truyền thông Nga mới đưa.
Trong khi đó, Ukraine đang đối mặt với tình trạng tài chính vô cùng tồi tệ và có nguy cơ bị vỡ nợ.
Nhà lãnh đạo lâm thời mới của Ukraine, Oleksandr Turchynov thừa nhận: “Kho bạc hiện trống rỗng. Chúng tôi không đủ tiền để trang trải các khoản nợ nần. Sau 3 năm cố cầm cự nhờ các khoản vay, tình hình tài chính hiện nay vô cùng tồi tệ”.
Còn Bộ trưởng Tài chính lâm thời của chính phủ Ukraine, Yuriy Kolobov cho biết, Kiev cần tới 35 tỷ USD viện trợ nước ngoài để tránh nguy cơ vỡ nợ sau khi bị Nga đình chỉ khoản cho vay kếch xù trị giá 15 tỷ USD. Đồng thời, ông Yuriy Kolobov kêu gọi các nước
phương Tây và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhanh chóng cứu trợ tài chính cho Ukraine.