Nhiều vấn đề "nóng" bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh G20

Google News

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau lần đầu tiên trong 7 tháng để bàn về quan hệ ngày một xấu đi giữa hai nước.

Những nỗi lo liên quan đến căng thẳng thương mại, rủi ro xung đột và giá dầu dự kiến phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới), diễn ra tại TP Osaka - Nhật Bản trong 2 ngày 28 và 29/6. Dự thảo tuyên bố chung của hội nghị cho thấy các nhà lãnh đạo G20 sẽ nêu bật việc thúc đẩy tự do thương mại và đổi mới công nghệ là 2 yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu - báo Asahi (Nhật Bản) tiết lộ hôm 26/6.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này càng được quan tâm bởi nó diễn ra trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau bên lề hội nghị để thảo luận về mối quan hệ ngày một xấu đi giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo Reuters, triển vọng đột phá từ cuộc gặp này, nếu có là không cao vì cả Washington và Bắc Kinh đều không có dấu hiệu nhượng bộ kể từ khi đàm phán thương mại bế tắc hồi tháng 5. Một quan chức giấu tên của Mỹ khẳng định Tổng thống Donald Trump xem cuộc gặp lần đầu tiên với ông Tập Cận Bình trong 7 tháng qua là cơ hội đánh giá lập trường của Bắc Kinh và ông chủ Nhà Trắng thấy "thoải mái" với bất kỳ kết quả gì từ cuộc gặp này.
Nhieu van de
 Nhân viên an ninh tại địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở TP Osaka hôm 26/6 Ảnh: REUTERS.
Giới chức Nhà Trắng từ chối bình luận về kỳ vọng của họ đối với cuộc gặp nói trên mà chỉ bày tỏ hy vọng Bắc Kinh tuân thủ những cam kết giúp mang lại sự cạnh tranh công bằng. Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định những cải cách kinh tế mà Washington yêu cầu họ thực hiện chẳng khác nào "một hành động xâm phạm chủ quyền". Giới chức Trung Quốc cũng tuyên bố rằng ảnh hưởng của thương chiến "có thể kiểm soát được" và họ không vội vàng trong vấn đề đạt được thỏa thuận.
Kết quả cuộc gặp bên lề nêu trên có thể gây tác động lớn đến kinh tế của nhiều thành viên G20 bởi thương chiến Mỹ - Trung trong thời gian qua đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như giảm tăng trưởng kinh tế thế giới. Dù vậy, một số thành viên bày tỏ lo ngại thương chiến có thể phủ bóng nỗ lực của G20 trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách khác, như rác thải đại dương và quản lý dữ liệu.
Cuộc đối đầu Mỹ - Iran cũng là một vấn đề nóng khác, nhất là khi Washington vừa bổ sung các biện pháp trừng phạt Tehran sau vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái Mỹ. Một quan chức giấu tên của Nhà Trắng khẳng định với Reuters rằng Tổng thống Donald Trump cũng sẽ có cuộc gặp bên lề với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman để tìm kiếm sự ủng hộ trong vấn đề trừng phạt Iran.
Nguy cơ xảy ra xung đột ở Trung Đông thời gian qua cũng khiến giá dầu thế giới gia tăng. Ngay sau hội nghị G20, Tổng thống Vladimir Putin và Thái tử Mohammed bin Salman sẽ dự cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong 2 ngày 1 và 2/7 để thảo luận về chính sách cung cấp dầu.
Theo nhận định của báo The Washington Post, Tổng thống Donald Trump đến Nhật Bản giữa lúc các chính sách đối ngoại quan trọng nhất của ông gây nhiều nghi ngại và nhà lãnh đạo này không còn nhiều thời gian để đạt được thành tựu đột phá nào đó nhằm hỗ trợ cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Sau hơn 2 năm cầm quyền, ông Trump đang đối mặt với bài kiểm tra quan trọng về chính sách "nước Mỹ trên hết" của mình. Đây được xem là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa Washington và các đồng minh lâu năm, liên quan đến một loạt vấn đề như thương mại, chi tiêu quốc phòng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran…
Việt Nam phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời đặc biệt và thăm Nhật Bản từ ngày 27-6 đến 1-7. Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 14 diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-6 tại TP Osaka.
Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này khẳng định chủ trương đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, góp phần tiếp tục đề cao vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương, quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017, Việt Nam đã tích cực tham dự và đóng góp có trách nhiệm tại hội nghị cũng như trong quá trình tham gia các hoạt động của G20 trong năm, tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong Năm APEC 2017.
Nhân dịp này, Thủ tướng sẽ có chuyến thăm và làm việc song phương với Nhật Bản. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, nhấn mạnh những cơ hội hợp tác giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện và thực chất hơn.
Lục San
Theo Cao Lực/Báo Người Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)