Nội các Nhật vừa thông qua chính sách năng lượng cho phép chính phủ nước này khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân, một động thái không được lòng công chúng sau vụ việc xảy ra với nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima năm 2011.
Sau trận động đất Fukushima, các nhà máy điện hạt nhân đã phải chịu khoản thua lỗ lên đến 50 tỷ USD khiến 2 tập đoàn điện lực đã phải hỏi vay vốn chính phủ vào tuần đầu của tháng 4/2014. Các nhà máy điện hạt nhân phải chi khoảng 90 tỷ USD để thay thế các thanh nguyên liệu cũng như chi 16 tỷ USD để nâng cấp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới.
|
Nhiều người dân Nhật không tin rằng năng lượng hạt nhân là giải pháp an toàn.
|
Một phân tích gần đây của hãng thông tấn
Reuters cho thấy, 2/3 trong số 48 nhà máy điện hạt nhân của Nhật phải đóng cửa vì chi phí nâng cấp quá cao, sự phản đối của địa phương cũng như các nguy cơ địa chấn.
“Kế hoạch mới làm rõ việc nước Nhật sẽ giảm sự phụ thuộc và năng lượng hạt nhân theo nhiều cách khác nhau”, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Toshimitsu Motegi cho hay.
Theo ông Motegi, kế hoạch mới về việc phối hợp các nguồn năng lượng sẽ xuất hiện trong vòng 2-3 năm tới.
Kế hoạch mới của chính phủ Nhật được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi những người dân đầu tiên của Fukushima được trở về nhà của họ trong khu vực cấm.
Trước đó, Đảng Dân chủ Nhật nắm quyền trong khoảng thời gian xảy ra sóng thần và động đất năm 2011 đã hứa sẽ loại bỏ các nhà máy năng lượng hạt nhân sau tai nạn tại nhà máy hạt nhân Fukushima. Trước cuộc khủng hoảng Fukushima, năng lượng hạt nhân đáp ứng 30% nhu cầu năng lượng của Nhật.
Sau tai nạn tại Fukushima, tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Nhật đã bị đóng cửa để kiểm tra an toàn. Thảm họa hạt nhân Fukushima được đánh giá là thảm hỏa hạt nhân tồi tệ nhất sau Chernobyl xảy ra vào năm 1986.