Trong tuyên bố chung do Anh, Pháp, Đức và Mỹ đưa ra, các nước châu Âu hoan nghênh ý định quay lại đàm phán ngoại giao với Iran của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
|
Một cơ sở làm giàu uranium tại Iran. Nguồn: Reuters |
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc thảo luận của Ngoại trưởng ba nước Anh, Pháp, Đức diễn ra tại Paris và qua trường truyền video với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Tại cuộc thảo luận, ngoại trưởng bốn nước khẳng định mục tiêu chung của họ là đưa Iran trở lại tuân thủ đầy đủ các cam kết trong Thỏa thuận Hạt nhân năm 2015, được biết đến dưới tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).
Trong cuộc thảo luận, Ngoại trưởng Antony Blinken nhắc lại rằng, như Tổng thống Biden đã nói, nếu Iran trở lại tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết của mình theo Thỏa thuận Hạt nhân năm 2015, Mỹ cũng sẽ làm như vậy và sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận với Iran về mục tiêu đó.
|
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Nguồn: Reuters. |
Anh, Pháp và Đức, gọi tắt là E3, và Mỹ kêu gọi Iran không thực hiện thêm bất kỳ bước nào liên quan đến việc đình chỉ Nghị định thư bổ sung và bất kỳ giới hạn nào đối với hoạt động xác minh của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Iran.
Các bộ trưởng cho rằng Iran không nên sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời bày tỏ quan ngại chung về các hành động gần đây của Iran nhằm sản xuất cả uranium đã làm giàu tới 20% và kim loại uranium. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết:
“Rõ ràng chúng tôi lo ngại trước nguy cơ Iran tiếp tục không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Đó là lý do tại sao tôi đã không chỉ có mặt tại đây cùng với các đồng nghiệp Pháp và Đức, mà chúng tôi còn thảo luận trực tuyến với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, qua đó vạch ra chặng đường phía trước, tìm kiếm cách thức tái can dự về mặt ngoại giao để kiềm chế Iran, đồng thời đưa Iran trở lại tuân thủ các nghĩa vụ hạt nhân của mình."
Iran bắt đầu vi phạm các điều khoản từ năm 2019 để phản ứng với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân dưới thời Tổng thống Donald Trump và hiện lâm vào tình trạng bế tắc với chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc bên nào nên hành động trước để cứu thỏa thuận.
Iran đã đặt thời hạn vào tuần tới để Tổng thống Biden bắt đầu đảo ngược các lệnh trừng phạt do chính quyền tiền nhiệm áp đặt, hoặc Tehran sẽ ngăn cản các cuộc thanh sát trong thời gian ngắn mà IAEA được phép tiến hành theo Nghị định thư bổ sung.