|
Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden: Tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình. |
Trong chuyến công du Châu Á này, Phó Tổng thống Biden sẽ thăm Ấn Độ và Singapore.
Ngày 18/7, trong bài diễn văn về chính sách đọc tại “Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ” (Center for American Progress) ở Washington, Phó Tổng thống Biden nói: “Tự do hàng hải, tự do thương mại hợp pháp, tôn trọng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế và giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ là những yếu tố đáp ứng lợi ích chung”. Ông Biden kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN sớm đạt được thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo ông, "thiết lập quy tắc rõ ràng là bước đầu tiên" để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và Mỹ cũng rất quan tâm đến tiến trình này. Ông Biden nói: “Tăng trưởng kinh tế rất cần đến hòa bình và ổn định. Vì thế cần phải có những quy luật hành xử của thế kỷ 21, chẳng những áp dụng cho kinh tế mà còn cho cả an ninh.”
Ông Biden cũng ca ngợi Ấn Độ, một quốc gia mà ông cho rằng có ảnh hưởng khắp Châu Á. Ông nói việc Tổng thống Obama gọi quan hệ Mỹ-Ấn Độ là “một quan hệ hợp tác sẽ định hình cho thế kỷ tới” là vì Ấn Độ “ngày càng hướng Đông” và là một lực lượng bảo đảm “cho an ninh và tăng trưởng tại Đông Nam Á và xa hơn nữa”.
Gọi Singapore là “một nền kinh tế phát triển tại châu Á”, Phó Tổng thống Biden nói: “Đầu tư của Mỹ tại Đông Nam Á nhiều hơn Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á như Singapore hoặc Indonesia đã trở thành những đối tác quan trọng qua mọi lĩnh vực, từ chống phổ biến vũ khí đến chống sao chép bất hợp pháp. Đó là lý do vì sao tôi đến Singapore.”
Phó Tổng thống Biden nói rằng về cơ bản, sự thành công của Châu Á gắn liền với sự thành công của Mỹ. Ông cho biết chính phủ Mỹ đang mở rộng quan hệ với các đồng minh Châu Á như tăng cường hiện diện quân sự, mặc dù làm như vậy khiến Trung Quốc quan ngại. Ông cũng nói rằng chính quyền Obama không xem quan hệ với Trung Quốc là mối quan hệ “có xung đột không thể tránh khỏi”, mà là một mối quan hệ “có cạnh tranh và hợp tác”.
Liên quan đến Triều Tiên, Phó Tổng thống Mỹ gọi chương trình hạt nhân của nước này là “mối nguy rõ rệt và thực sự” cho sự ổn định của Châu Á, nhưng Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên, miễn là nước này muốn đàm phán “thực sự.”