Những cơn sóng trái chiều ở Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Đối mặt với xung đột có khả năng bùng nổ với Trung Quốc, ASEAN tái khởi động đàm phán về COC để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.


 

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM-46) được tổ chức tại Brunei từ 30/6 đến 2/7 đã có một cách tiếp cận hoàn toàn khác với hội nghị chức năm ngoái tại Phnom Penh, nơi 10 thành viên ASEAN không nhất trí thảo luận về tranh chấp Biển Đông.

ASEAN thành công trong việc tạo ra đồng thuận về vấn đề Biển Đông

Vào thời điểm này, ASEAN đã thành công cả trong việc tạo ra một sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông lẫn lôi kéo Trung Quốc đàm phán hướng tới một Bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc. Về phần mình, Trung Quốc đã đồng ý tổ chức cuộc họp các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh vào tháng 9 tới để thảo luận về COC.

Việc Trung Quốc chấp nhận, ít nhất là về nguyên tắc, khởi động lại các cuộc đàm phán hướng tới một bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc đa phương đã khiến cho giới phân tích chiến lược cảm thấy bất ngờ.

Tại Hội nghị AMM Brunei, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố: “Trung Quốc và các nước ASEAN là láng giềng gần gũi. Chúng ta là thành viên của một gia đình lớn”. Đồng thời, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng việc Philippines tìm cách hồi sinh quan hệ quân sự với Mỹ và kêu gọi tăng cường quan hệ với Nhật Bản là một “sai lầm chiến lược”.

Sau nhiều tháng bận rộn đi lại như con thoi đến Châu Âu và Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ mong muốn của Washington muốn sớm có một giải pháp ngoại giao cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Trong cuộc gặp ASEAN-Mỹ ở Brunei, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố: “Chúng tôi rất quan tâm đến cách thức giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và đến hành động của các bên. Chúng tôi rất hy vọng sớm thấy có tiến bộ nhanh chóng về một bộ qui tắc ứng xử để giúp đảm bảo ổn định trong khu vực quan trọng này”.

Những tín hiệu lẫn lộn, trái chiều

Tuy nhiên, liệu nhà lãnh đạo dân sự của Trung Quốc có muốn hoặc có khả năng kiềm chế trong Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và các lực lượng bán quân sự? Đây là hai lực lượng chủ chốt trong các vụ đối đầu gần đây ở Biển Đông.

Sau khi giành quyền kiểm soát chấp bãi cạn Scarborough trong cuộc đối đầu với các lực lượng Philippines năm ngoái, trong những tuần gần đây, Trung Quốc mưu toan kiểm soát Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) giàu dầu khí ở ngoài khơi phía tây đảo Palawan.

Philippines đã tuyệt vọng kêu gọi sự hỗ trợ bên ngoài, (chủ yếu là từ Mỹ và Nhật Bản) để duy trì quyền kiểm soát mong manh đối với Bãi Cỏ Mây (Thomas 2) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một cửa ngõ quan trọng trên đường tới Bãi Cỏ Rong. Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã cáo buộc Trung Quốc "quân sự hóa" Biển Đông.

Những căng thẳng mới đây cho thấy sự cần thiết của việc đạt được một Bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính chất ràng buộc. Chỉ có điều, trong nội bộ ASEAN xuất hiện 2 xu hướng: một ủng hộ phương án COC “tối thiểu” và một ủng hộ phương án COC “tối đa”.

Đối với những người ủng hộ của  COC “tối thiểu”, ưu tiên hàng đầu là tham gia một loạt các cuộc đàm phán nhằm thiết lập một loạt thỏa thuận có tính ràng buộc sẽ chi phối cung cách ứng xử các bên và giải quyết tranh chấp có ít nhất 3 bên can dự.

Một COC như vậy sẽ là phần mở rộng hợp lý của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, trong đó kêu gọi giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, từ bỏ đe dọa và sử dụng vũ lực trong việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền. Nó cũng sẽ phù hợp với "Nguyên tắc 6 điểm" mà Indonesia đề xuất, trong đó nhấn mạnh việc giải quyết các tranh chấp biển đảo dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Xét từ góc độ của Trung Quốc, một COC “tối thiểu” sẽ cho phép Bắc Kinh giải quyết song phương tranh chấp chỉ liên quan đến một trong các nước láng giềng Đông Nam Á. Các nhà phân tích chiến lược cho rằng Bắc Kinh sẽ cố thúc đẩy điều này,  khi các cuộc thảo luận ASEAN-Trung Quốc được tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng Chín tới.

Mặt khác, những người ủng hộ một COC “tối đa” hướng tới một thỏa thuận toàn diện hơn, trong đó đặt vấn đề về tính hợp pháp của “đường chín đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương, ngăn chặn Trung Quốc dùng “song phương” để bắt bí các nước láng giềng.

Đối với Philippines, một COC “tối đa” sẽ là cách tốt nhất để tiến về phía trước, bởi vì quan hệ Philippines-Trung Quốc đã trở nên căng thẳng nghiêm trọng do Manila kêu gọi phục hồi quan hệ an ninh với cả Nhật Bản lẫn Mỹ.

Trong khi ASEAN đang tìm cách dung hòa những quan niệm khác nhau về COC, nguy cơ của một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông vẫn liên tục gia tăng.


Lê Chân (theo Asia Times Online)

Bình luận(0)