Mỹ rút quân khỏi Afghanistan: “Tiền mất, tật mang”

Google News

(Kiến Thức) - Rút quân khỏi Afghanistan, người Mỹ để lại một đống đổ nát và hàng trăm tỷ USD bị "đốt" trên đất nước Trung Á có truyền thống trồng cây anh túc này.


Mỹ rút quân khỏi Afghanistan: "Tiền mất, tật mang".

Theo một số báo cáo, cuộc chiến Afghanistan đã tiêu tốn của người nộp thuế Mỹ hơn 630 tỷ USD. Và việc rút khỏi “vũng lầy” Afghanistan cũng bắt người Mỹ phải chi ra những khoản tiền lớn. Các chuyên gia ước tính vào khoảng 80 tỷ USD, nhưng nhiều người nghi cho rằng con số đó vẫn là chưa đủ.

Vấn đề ở chỗ người Mỹ không biết đem thiết bị quân sự đi đâu. Đưa trở về nước thì rất tốn kém. Tặng Afghanistan với tư cách viện trợ nhân đạo là không thể chấp nhận được.

Ông Vladimir Yevseyev, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách xã hội chính trị (Nga), cho biết: “Phương án chuyển vũ khí hạng nặng cho quân đội Afghanistan không được xem xét vì nguy cơ lọt vào tay Taliban. Đã xem xét khả năng chuyển giao các vũ khí đó cho Pakistan. Rõ ràng đó sẽ là cách tốt nhất để ra khỏi tình trạng này, nếu tính đến thực tế rằng Pakistan đang sử dụng vũ khí sản xuất tại Mỹ. Nhưng trong trường hợp đó, Washington sẽ phải chờ đợi cho đến khi quan hệ với Kabul suy giảm nghiêm trọng. Vì mối quan hệ giữa Pakistan và Afghanistan vẫn còn vô cùng căng thẳng. Ngoài ra, đang giải quyết vấn đề chuyển giao vũ khí cho một số nước Trung Á. Ở đây nói về Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan. Tuy nhiên, việc chuyển giao vũ khí cho các quốc gia này lại vướng mắc vấn đề bảo trì vũ khí… đòi hỏi phải có nguồn tài chính đáng kể”.

Người Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phá hủy số vũ khí, khí tài đó. Cụ thể là phải phá hủy khoảng 2.000 chiến xa. Đến cuối năm 2014, quân đội Mỹ sẽ phải chi 7 tỷ USD để thanh lý các thiết bị quân sự.

Để trang bị vũ khí và huấn luyện quân đội Afghanistan, người Mỹ đã phải chi khoảng 55 tỷ USD. Có ý kiến khác nhau về hiệu quả của các khoản chi tiêu đó. Theo New York Times, quân đội Afghanistan chỉ có khoảng 120.000 binh sĩ, chứ không phải là 300.000 binh sĩ như con số chính thức để tính lương. Những "linh hồn chết" này được đưa vào danh sách để nhận lương.

Ông Vladimir Evseev nói tiếp: “Tôi cho rằng hiệu quả chi phí đào tạo quân đội Afghanistan là không cao. Nguyên nhân là do chế độ học tập cấp tốc. Và học sinh không phải là những người đủ tin cậy. Một số người trong số họ sẵn sàng chuyển sang phía đối thủ của ông Hamid Karzai. Không những cần nói về hiệu quả công tác đào tạo, mà còn phải nói đến vấn đề quân đội Afghanistan có ủng hộ chế độ hiện hành hay không. Vấn đề này không thuộc thẩm quyền của các giảng viên Mỹ. Hiện nay quân đội Afghanistan không ổn định về mặt tinh thần. Từ quan điểm này, hiệu quả của số tiền đầu tư là khá thấp”.

Nói chung, bơm đô la Mỹ để nuôi chế độ Kabul là việc khá vô nghĩa. Chính phủ được xây dựng theo hệ thống tiêu chuẩn phương Tây đã này không bắt rễ ở Afghanistan. Chế độ này có một cấu trúc ọp ẹp, với các định chế dân chủ hiện đại dựa trên nền tảng bộ lạc nguyên thủy.

Ông Nikita Mendkovich, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Afghanistan hiện đại,  nói: “Cấu trúc xã hội Afghanistan thường dựa vào tổ chức bộ lạc, vô cùng khó khăn để thiết lập các cơ chế nhà nước thông thường. Điều đó dẫn đến tham nhũng và thiếu cán bộ có trình độ. Ở Afghanistan trình độ giáo dục chung là rất thấp. Luật lệ bộ tộc địa phương thường xuyên chống lại các cơ quan nhà nước chính thức. Trong một thời gian dài Afghanistan sẽ còn phải giải quyết những vấn đề này”.

Nói tóm lại, cuộc chiến Afghanistan là một thất bại đau đớn đối với Mỹ. Cuối cùng, người Mỹ cũng phải bỏ cuộc và mang về nước bài học “tiền mất, tật mang”.

 

Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)