Đài Sputnik (Nga) dẫn một thông cáo báo chí của Đại sứ Mỹ tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Jackie Wolcott cho biết Washington đã chính thức đề nghị Tehran bình thường hóa hoàn toàn các mối quan hệ giữa Mỹ và Iran. Đổi lại, Iran cần cam kết đảo ngược các bước đi gần đây trong chương trình hạt nhân và dừng mọi kế hoạch đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani.
Thông cáo trên có đoạn: “Mỹ đã thể hiện rõ lập trường rằng chúng tôi để ngỏ khả năng đàm phán mà không áp đặt điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi đề nghị Iran khả năng bình thường hòa hoàn toàn quan hệ”.
|
Ảnh: Sputnik. |
Đề cập về vấn đề này, Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi một lần nữa chỉ trích Washington rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đạt được với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng với Đức).
Ông Kamalvandi nhấn mạnh: “Rút khỏi JCPOA là sai lầm lớn của Mỹ. Quyết định đó đã châm ngòi cho mọi rắc rối. Châu Âu (các đối tác châu Âu tham gia JCPOA) có đủ thời gian để cứu vãn thỏa thuận”.
Trong khi đó, kênh truyền hình Press TV dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 10/7 cho hay Tehran vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao và đàm phán hạt nhân. Ông Mousavi nhấn mạnh Iran vẫn kiên định về JCPOA, song cùng với đó là bảo vệ các quyền của nước này. Ông nhấn mạnh, Tehran không tìm kiếm căng thẳng liên quan vấn đề hạt nhân, đồng thời cho rằng các nước châu Âu nên giải quyết "nguyên nhân sâu xa của những căng thẳng này" nếu họ thực sự muốn xoa dịu tình hình.
|
Người dân Iran đi qua tuyến phố có ảnh chân dung Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Ảnh: Getty. |
Trước đó cùng ngày, đã xuất hiện thông tin quan chức hai nước vừa nhóm họp bí mật tại Iraq. Kênh tin tức i24News dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết các quan chức của Mỹ và Iran tuần trước đã bí mật gặp mặt tại một khách sạn ở Erbil thuộc khu vực người Kurd của Iraq.
Dẫn đầu phái đoàn Iran là ông Hassan Khomenei, cháu trai cố Lãnh tụ Tối cao Ruhollah Khomenei, nhà lập quốc của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Ngoài ra, bên phía Iran còn có mặt các thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), nhất là lực lượng Basij, và Đặc phái viên Iran tại Iraq Iraj Masjedi.
Trong thời gian đàm phán, các quan chức Mỹ lưu trú tại khách sạn nói trên ở Erbil. Nguồn tin không cho biết nội dung cũng như kết quả đàm phán giữa Mỹ và Iran tại đây. Giới chức Mỹ chưa bình luận gì về thông tin nói trên.
Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi tuyên bố ông sẽ cử các phái đoàn tới cả Washington và Tehran trong một nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Trước đó, Bộ trưởng Tình báo Iran Mahmoud Alavi cho biết Tehran và Washington có thể đàm phán, song chỉ khi Mỹ dỡ bỏ các trừng phạt và việc đàm phán được Đại giáo chủ Ali Khamenei chấp thuận. Hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn lời ông Alavi nêu rõ: "Việc tiến hành đàm phán với Mỹ có thể được Iran cân nhắc chỉ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ các trừng phạt và lãnh tụ tối cao của chúng ta cho phép tiến hành các cuộc đàm phán như vậy".
*) Title do Kiến Thức biên tập lại