Cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đang diễn ra tại Hong Kong, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.
Các nhà tổ chức ước tính, khoảng 1.030.000 người tham gia cuộc biểu tình ở Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc hôm 9/6. Đây được xem là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi đặc khu Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Nhiều người biểu tình lo ngại rằng dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và có thể dần xoá bỏ chính sách "một quốc gia, hai chế độ" được áp dụng đối với đặc khu này từ 22 năm trước.
|
Biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc ở Hong Kong ngày 9/6. Ảnh: Reuters. |
Được biết, Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997. Kể từ đó, đặc khu này vẫn duy trì hệ thống chính trị, xã hội và pháp lý riêng theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Theo đó, Hong Kong có hệ thống kinh tế và chính trị độc lập với Trung Quốc. Ngoại trừ các vấn đề quân sự và đối ngoại, Hong Kong duy trì quyền tư pháp, lập pháp và hành pháp độc lập. Ngoài ra, Hong Kong cũng phát triển quan hệ trực tiếp với nước ngoài và các tổ chức quốc tế trong nhiều lĩnh vực phù hợp.
Hong Kong vẫn duy trì hệ thống kinh tế tư bản và bảo đảm các quyền và tự do cho người dân trong ít nhất 50 năm kể khi được trao trả về Trung Quốc năm 1997.
Do có quyền tự trị cao, Hong Kong cũng có chính sách hải quan và xuất nhập cảnh độc lập với Trung Quốc. Đặc khu này vẫn giữ biên giới quốc tế với Trung Quốc thông qua hệ thống 5 trạm kiểm soát biên giới trên bộ, 3 điểm kiểm soát trên biển và sân bay quốc tế. Tuy nhiên, các đơn xin nhập cảnh lại do sứ quán Trung Quốc ở Hong Kong xử lý.
Theo phóng viên Benjamin Haas của The Guardian, trong suốt hơn 20 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách giáo dục, tạo cơ chế hợp tác kinh doanh hiệu quả ở Hong Kong để thúc đẩy những mối liên kết bền chặt hơn với đặc khu hành chính này.
Mời độc giả xem thêm video về cuộc biểu tình ở Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc (Nguồn: CBSN)
Dù đối với Trung Quốc đại lục, Hong Kong dường như là nơi để "thử nghiệm" một loạt cải cách tài chính, nhưng chính quyền Hong Kong vẫn sẵn sàng tiếp nhận những thử nghiệm này với hy vọng rằng chúng sẽ có lợi cho sự phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, Hong Kong đang ngày càng trở nên phân cực về mặt chính trị, giữa một bên là những người ủng hộ Bắc Kinh và một bên là phe ủng hộ dân chủ. Một số người dân Hong Kong, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, đang "đấu tranh" để đặc khu hành chính này có thể có quyền tự quyết lớn hơn.
"Nhiều người lo lắng về tương lai của Hong Kong cũng như tình hình hiện tại. Người dân Hong Kong hiện lo lắng Bắc Kinh đang dần xóa bỏ chính sách 'một quốc gia, hai chế độ' và can thiệp sâu hơn vào các vấn đề ở Hong Kong", AP dẫn lời Nathan Law, một trong những thủ lĩnh sinh viên lãnh đạo phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hong Kong hồi năm 2014, cho hay.
"Một số người miêu tả hệ thống hiện nay (ở Hong Kong) giống như 'một quốc gia, 1,5 chế độ' hơn", Law nói tiếp.