Trịnh Nhất Tẩu tên thật là Thạch Hương Cô. Hương Cô sinh năm 1775 tại một đảo nhỏ thuộc vịnh Quảng Châu, Trung Quốc. Cho đến nay, người ta vẫn không rõ gia cảnh và lai lịch của Thạch Hương Cô.
Chỉ biết rằng, Hương Cô nổi danh là người con gái có nhan sắc và nhanh chóng trở thành một kỹ nữ nổi tiếng nhất vùng bởi dung mạo xinh đẹp, hấp dẫn của mình.
Cũng chính nhan sắc này đã đưa đẩy cuộc đời của Hương Cô đến với người chồng là tên tướng cướp khét tiếng Trịnh Nhất và sau đó trở thành nữ cướp biển nổi danh đất Trung Hoa.
Chuyện là vào những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, Trịnh Nhất là một trong những tên cướp biển “có máu mặt”. Sau một thời gian bôn ba khắp bốn phương, Trịnh Nhất đến sống tại hòn đảo nhỏ - nơi Hương Cô sinh sống. Thường xuyên qua lại chốn lầu xanh, Trịnh Nhất quen và si mê sắc đẹp của Hương Cô.
|
Chân dung cướp biển khét tiếng Trịnh Nhất Tẩu. |
Việc Hương Cô trở thành vợ của Trịnh Nhất có nhiều giai thoại khác nhau. Một số chuyện kể lại rằng, trước tấm chân tình của Trịnh Nhất, Hương Cô cũng đem lòng yêu tên tướng cướp tuy hung bạo nhưng lại rất dịu dàng và thương yêu mình nên đã quyết định trở thành vợ của Trịnh Nhất.
Lại có chuyện kể rằng, Hương Cô vì muốn thoát khỏi cuộc sống lầu xanh nên đã bằng lòng theo Trịnh Nhất sống cuộc đời lênh đênh trên sóng nước của một tên cướp biển. Trong khi đó, cũng không ít câu chuyện lại nói là Trịnh Nhất đã bắt cóc Hương Cô vì quá si mê sắc đẹp của kỹ nữ này.
Tuy nhiên, dù vì bất cứ lí do nào thì cuối cùng, cô kỹ nữ nổi danh xinh đẹp Thạch Hương Cô cũng trở thành vợ của tên cướp biển Trịnh Nhất. Hôn lễ tổ chức vào năm 1801. Cũng từ đây, cái tên Thạch Hương Cô dần đi vào quên lãng mà thay vào đó là cái tên Trịnh Nhất Tẩu.
Sau khi trở thành vợ cướp biển Trịnh Nhất, Trịnh Nhất Tẩu đã đóng góp rất nhiều công sức cho “sự nghiệp” làm cướp biển của chồng mình.
Thành tích quan trọng của Trịnh Nhất Tẩu với chồng trong những năm đầu tiên về làm vợ cướp biển là thống nhất các phe nhóm hải tặc vốn xưa nay chống đối và mâu thuẫn với nhau trở thành một tổ chức thống nhất với những quy định chặt chẽ.
Ban đầu, liên hiệp này bao gồm 7 đoàn thuyền lớn. Mỗi đoàn thuyền có từ 70 đến 300 chiếc thuyền với các tên gọi như đoàn thuyền Cờ Đỏ, Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Lục, Cờ Xanh Da Trời và Cờ Vàng.
Đoàn thuyền lớn nhất và quan trọng nhất, Đoàn Cờ Đỏ, bao gồm hơn 300 chiếc thuyền buồm và khoảng từ 20.000 đến 40.000 hải tặc. “Khối liên minh” cướp biển này của Trịnh Nhất và Trịnh Nhất Tẩu sau đó đã lên tới số lượng 400 chiếc thuyền, 70.000 tên hải tặc và trở thành lực lượng vô cùng đáng sợ cho hoạt động tàu bè lúc bấy giờ.
Từ năm 1801 đến năm 1806, trong khoảng thời gian 6 năm chung sống, Trịnh Nhất Tẩu đã hỗ trợ cho chồng mình, cùng nhau xây dựng lên một “đế chế” hải tặc hùng mạnh, thao túng toàn bộ vùng biển phía Nam Trung Quốc cho đến lãnh hải của đất nước Malaysia.
|
Tranh vẽ nữ cướp biển Trịnh Nhất Tẩu. |
Do lực lượng thuyền chiến và số lượng quân hải tặc quá đông nên Trịnh Nhất Tẩu đã cùng với chồng đặt ra những quy định hết sức nghiêm ngặt nhằm có thể kiểm soát được lực lượng này. Để duy trì trật tự, mỗi chiếc thuyền cướp biển sẽ phải được đăng ký với một hạm đội nhất định.
Không có chiếc thuyền nào là ngoại lệ cho việc đăng kí. Không những thế, bất cứ chiếc thuyền nào bị bắt vì ngụy tạo thủ tục đăng ký sẽ bị trừng phạt một cách nghiêm khắc. Bản thân các tàu hải tặc và quân hải tặc tuyệt đối không được đánh nhau để tranh giành những chiến lợi phẩm đã thu được.
Các chiến lợi phẩm này sẽ được thu về cho thủ lĩnh và tiến hành phân chia theo công trạng. Các tàu hải tặc cũng không được phép hoạt động tự do, riêng rẽ khi đã tham gia vào liên minh mà không có sự đồng ý thống nhất.
Điều này nhằm để Trịnh Nhất Tẩu và chồng có thể kiểm soát, ngăn chặn, hạn chế tối đa những mâu thuẫn nội bộ. Khi “sự nghiệp” cướp biển đang phát triển một cách hùng mạnh thì bất ngờ vào năm 1807, Trịnh Nhất qua đời, Trịnh Nhất Tẩu trở thành góa phụ.
Với 6 năm kinh nghiệm gắn bó bên người chồng cướp biển, trở thành “quân sư” cho các chính sách và hoạt động của đoàn quân cướp biển hùng mạnh nên Trịnh Nhất Tẩu đã nhanh chóng thâu tóm quyền lực về tay mình.
Để hỗ trợ cho bản thân trong việc lãnh đạo đoàn quân cướp biển quá lớn này, Trịnh Nhất Tẩu trao chức thuyền trưởng hạm đội cho Phó tổng tư lệnh Trương Bảo. Vậy là từ đó, Trịnh Nhất Tẩu chính thức trở thành thủ lĩnh của đội quân cướp biển với số lượng đông đảo bậc nhất đất Trung Hoa lúc bấy giờ.
Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo phối hợp với nhau khá ăn ý trong việc lãnh đạo và kiếm tiền từ đội quân cướp biển của mình. Trong khi Trương Bảo thống lĩnh đội quân cướp thì bà Trịnh tập trung vào việc kinh doanh, thiết lập chiến lược quân sự.
Có dáng vẻ bề ngoài nhỏ bé, xinh xắn song Trịnh Nhất Tẩu thực sự là người đàn bà thép, đầy tham vọng với tư duy hết sức mạch lạc. Có không ít giai thoại kể lại rằng, trong nhiều trận chiến, thay vì cầm kiếm, Trịnh Nhất Tẩu chỉ cầm quạt, song khí thế toát ra từ người phụ nữ này thì không thua kém bất cứ một đấng nam nhi nào.
Sau một thời gian hoạt động và phát triển quá nhanh, trên các chiến thuyền của Trịnh Nhất Tẩu ngày càng có thêm nhiều những kẻ lưu manh với tham vọng lật đổ nữ chỉ huy Trịnh Nhất Tẩu.
Không ít những tên cướp biển kì cựu cho rằng, một người đàn bà như Trịnh Nhất Tẩu không có đủ bản lĩnh và không xứng đáng để có thể lãnh đạo đội quân cướp biển nay đã lên tới 1.500 chiến thuyền và 80.000 quân.
Lực lượng quân cướp biển lúc này còn được đánh giá là có thể lớn mạnh hơn gấp nhiều lần lực lượng hải quân của nhiều quốc gia lúc bây giờ. Vậy nên, một số tướng lĩnh hải tặc đã tỏ ra bất tuân thủ Trịnh Nhất Tẩu, không coi bà là chủ soái và muốn tách ra hoạt động riêng.
Trước những thái độ không tuân phục như vậy, Trịnh Nhất Tẩu đồng ý để cho các tướng lĩnh tách ra riêng. Tuy nhiên, lực lượng mà Trịnh Nhất Tẩu cho các tướng lĩnh ra riêng chỉ là 4 thuộc hạ.
Sự kiên quyết, mạnh bạo trong các quyết định của Trịnh Nhất Tẩu đã khiến sau đó, các tướng lĩnh hải tặc đều ở lại dưới trướng của bà.
Để củng cố và phát triển đội quân cướp biển của mình, Trinh Nhất Tẩu cũng đặt ra thêm nhiều quy tắc mới nhằm bổ sung và hoàn thiện “quân luật”. Trịnh Nhất Tẩu quy định rằng bất cứ thành viên nào ăn cắp chiến lợi phẩm, dù lớn hay nhỏ đều bị chém đầu. Thành viên đào ngũ mà bắt được thì bị cắt tai.
Đặc biệt, Trịnh Nhất Tẩu có những quy định hết sức “kì quái” với các tù nhân là nữ giới. Khi đánh chiếm thuyền, nếu bắt được các tù nhân là nữ giới, nếu người nào xấu xí thì lập tức phải phóng thích, trả về đất liền.
Còn với những tù nhân xinh đẹp thì sẽ được mang ra đấu giá trước toàn thể đội quân cướp biển. Ai trả tiền cao nhất sẽ được lấy nữ tù nhân xinh đẹp đó và được làm lễ cưới.
Tuy nhiên, nếu như tên cướp biển này sau khi đã lấy được nữ tù nhân mà có ý định lừa dối hay đối xử tệ bạc với vợ mình thì lập tức sẽ phải chịu những hình phạt thích đáng.
Với những quy định nghiêm ngặt và rất có đầu óc tính toán, đội quân cướp biển của Trịnh Nhất Tẩu đã trở thành lực lượng đầy “thanh thế”. Khi lực lượng mạnh, không chỉ phát triển trên biển, Trịnh Nhất Tẩu còn có tham vọng tiến sâu cả vào đất liền.
Trịnh Nhất Tẩu thiết lập một mạng lưới gián điệp rộng khắp trên đất liền nhằm nắm bắt một cách nhanh nhất những thông tin về các chuyến thuyền ra khơi cũng như hoạt động của chính quyền.
Cùng với đó, Trịnh Nhất Tẩu còn liên kết với các địa chủ, chúa đất để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho đội quân cướp biển của mình.
Bởi các hoạt động cướp bóc, giết hại, thao túng toàn bộ vùng biển lớn mà Trịnh Nhất Tẩu đã bị triều đình nhà Thanh tổ chức vây bắt nhiều lần với sự giúp sức của quân tiếp viện Bồ Đào Nha và Anh.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trận đánh, Trịnh Nhất Tẩu đều thắng lợi bởi sự tính toán khôn ngoan trong các bước đi của mình.
Phải đến năm 1810, khi một tướng lĩnh người Nhật mà bà vô cùng tin tưởng mang quân đầu hàng triều đình cùng với lời dụ hòa để đổi lấy tự do của quân đội nhà Thanh được đưa ra, Trịnh Nhất Tẩu mới quyết định “gác kiếm”.
Nhưng chính trong “canh bạc” cuối cùng này, Trịnh Nhất Tẩu vẫn thể hiện được bản lĩnh ngoại giao của mình khi thương thuyết thành công, đảm bảo cuộc sống và tính mạng cho phần lớn đội quân cướp biển của mình.
Trong số hơn 80.000 tên cướp biển, chỉ có 126 người bị xử tội chết, 400 người chịu các tội khác nhẹ hơn. Về phía Trịnh Nhất Tẩu, sau khi đầu hàng triều đình, Trịnh Nhất Tẩu trở về sinh sống tại đất liền.
Lúc này, thuyền trưởng hạm đội Trương Bảo, người đã sát cánh cùng với Trịnh Nhất Tẩu trong nhiều năm cũng quyết định gắn cuộc đời mình với nữ tướng cướp khét tiếng này.
Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo mở một sòng bạc kiêm nhà chứa để sinh sống. Hai người có với nhau một đứa con trai. Đến năm 1844, Trịnh Nhất Tẩu mất, hưởng thọ 69 tuổi, kết thúc cuộc đời của nữ cướp biển khét tiếng đất Trung Hoa.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU