1. Cho tới nay, ghi chép sử liệu duy nhất có liên quan tới hoàng hậu của Tần Thủy Hoàng là trong “Sử ký” phần “Tần Thủy Hoàng bản ký”. Trong sách này có đoạn chép rằng, tháng 7 năm Thủy Hoàng thứ 37, tức năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng mắc bệnh nặng trên đường thực hiện chuyến tuần du thứ 5. Khi đoàn xe của Tần Thủy Hoàng đi tới Sa Khâu (nay thuộc Hà Bắc) thì bệnh tình của Tần Thủy Hoàng trở nên nguy kịch rồi đột ngột qua đời.
Sự việc tiếp sau đó, chính là câu chuyện “âm mưu của Sa Khâu” mà mọi người đã đều biết. Người chủ mưu của âm mưu này chính là Triệu Cao. Họ Triệu là thầy dạy của Hồ Hợi, con trai nhỏ của Tần Thủy Hoàng đồng thời giữ chức Trung Xa Phủ lệnh, chuyên lo việc xe ngựa cho Tần Thủy Hoàng. Triệu Cao kích động Hồ Hợi, lôi kéo thừa tướng Lý Tư, ba người kết thành đồng minh, ngụy tạo chiến thư, bức con trai trưởng là hoàng tử Phù Tô phải tự sát, đưa Hồ Hợi lên ngôi, thành lập chính quyền Tần Nhị Thế.
Tháng 9 năm đó, Tần Nhị Thế tổ chức lễ mai táng cho cha mình, đem Tần Thủy Hoàng chôn cất tại Lệ Sơn (nay là lăng Tần Thủy Hoàng). Khi mai táng Tần Thủy Hoàng, Tần Nhị Thế Hồ Hợi đã đứa ra mệnh lệnh về việc xử lý hậu cung của cha mình: “Những người trong hậu cung của tiên đế mà không có con thì không nên thả ra ngoài”. Căn cứ mệnh lệnh này của Hồ Hợi, tất cả những người không sinh được con cho Tần Thủy Hoàng đều bị chôn sống theo ông vua tàn bạo khét tiếng một thời. Số người chết, theo ghi chép của “Sử ký” là rất nhiều.
Từ đoạn ghi chép này, có thể rút ra mấy thông tin về hậu cung của Tần Thủy Hoàng như sau: Thứ nhất, trong hậu cung của Tần Thủy Hoàng, số lượng cung tần mỹ nữ là rất ít. Căn cứ theo quy chế của triều Hán, triều đại kế tiếp của triều Tần thì nhiều nhất trong hậu cung của Tần Thủy Hoàng phải có 10 người có người có danh phận này được chia làm hai loại: loại sinh được con và không sinh được con. Thứ ba, những người không sinh được con cho Tần Thủy Hoàng, theo lệnh của Tần Nhị Thế đều phải chôn theo Tần Thủy Hoàng. Thứ tư, những người sinh được con được miễn chết, tiếp tục sinh sống với con của họ.
2. Sử sách ghi chép rằng, Tần Thủy Hoàng có khoảng hơn 20 người con trai, đều là những người có cơ hội kế thừa ngôi báu. Đương thời, Tần Thủy Hoàng thường xuyên tuần du thiên hạ, không mấy khi ở kinh thành, các công việc đều được xử lý trên đường đi. Trong một cuộc tuần du quan trọng như vậy, việc Tần Thủy Hoàng chọn Hồ Hợi đi cùng không phải là không có lý do.
|
Ảnh minh họa. |
Tần Thủy Hoàng Từng cân nhắc việc chọn Hồ Hợi là người kế vị mình. Điều này được ghi chép rất nhiều trong sử sách. Sau khi Hồ Hợi lên ngôi hoàng đế, dưới sự giúp đỡ của Triệu Cao và thừa tướng Lý Tư, đã quyết định loại bỏ đại tướng Mông Điềm và em trai là Mông Nghị - những người rất thân cận với Phù Tô. Mông Nghị từng nhiều năm phục vụ bên cạnh Tần Thủy Hoàng, là một trong những đại thần được Tần Thủy Hoàng tín nhiệm. Trước khi Mông Nghị chết, Hồ Hợi phái người đến trách rằng: “Tiên đế định lập trẫm làm thái tử, thế mà ngươi tìm mọi cách cản trở. Nay thừa tướng vạch tội ngươi bất trung, tội đáng tru di cả họ. Trẫm không đành lòng nên phán ngươi cái chết, kể cũng là ra ơn. Ngươi tự quyết định đi”.
Mông Nghị cảm thấy oan ức nên trước khi chết biện hộ rằng: “Nay trách tội thần không hiểu ý tiên đế, nhưng mà hạ thần từ khi còn trẻ đã may mắn được tiên đế trọng dụng, trước sau chưa từng làm điều gì trái ý, có thể nói là người hiểu ý của tiên đế. Lại trách thần không hiểu năng lực của thái tử (Hồ Hợi), nhưng mà tiên đế thuần du thiên hạ, chỉ mang thái tử đu theo. Tình yêu tiên đế dành cho thái tử nhiều hơn so với các công tử khác, hạ thần rất biết điều đó. Tiên đế chọn thái tử, không phải là ngày một ngày hai mà là quá trình chọn lựa từ nhiều năm. Hạ thần nào dám khuyên cản, nào dám có mưu đồ khác! Hạ thần không phải là xảo ngôn để tránh tội, chỉ mong sứ giả có thể cân nhắc để hạ thần có thể chết được rõ ràng”.
Từ việc hạch tội của Hồ Hợi cho đến biện luận của Mông Nghị, có thể khẳng định rằng, vào những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng đã có ý định lập Hồ Hợi làm thái tử. Trong lời của Mông Nghị đã nói rõ rằng, việc Tần Thủy Hoàng phế trưởng lập thứ là có tính Toán từ nhiều năm trước, chứ không chỉ phải là ý định nhất thời. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề chúng ta đang bàn tới ở đây.
3. Bất kể là từ ghi chép lịch sử hay thực tế thì việc 1 đứa con nhỏ được yêu quý hơn đứa con trưởng, tới mức Tần Thủy Hoàng phải hủy bỏ “tập quán” lập con trưởng là người kế vị vốn đã có lâu đời chỉ có một lý do: Mẫu thân của Hồ Hợi phải là một mỹ nhân xinh đẹp và được Tần Thủy Hoàng cực kỳ sủng ái. Tuy nhiên, liên quan đến mẹ của Hồ Hợi, sử sách không có bất cứ ghi chép nào.
Trong lịch sử Trung Quốc thời cổ đại, đặc biệt là trong thể chế chính trị thời Tần Hán, Vương Hậu hoặc Hoàng hậu tương đối kín tiếng, ít can dự vào triều chính. Tuy nhiên một khi phu quân đã qua đời, con trai lên làm hoàng đế, bản thân họ lên làm hoàng thái hậu thì họ lại thâu tóm quyền lực, tích cực tham gia triều chính. Đặc biệt là khi con trai nhỏ tuổi được lên ngôi, các thái hậu thường xuyên trở thành trung tâm của triều đình. Thân thích của thái hậu cũng trở thành một tập đoàn chính trị quan trọng.
Vì vậy việc mẹ của Hồ Hợi gần như không được đề cập tới trong gian đoạn Hồ Hợi chưa lên ngôi là có thể hiểu được.Tuy nhiên, sẽ khó lý giải việc sử sách hầu như không đề cập gì đến bà sau khi Hồ Hợi đã lên ngôi. Sự thực là ngay sau khi Hồ Hợi lên ngôi, sử sách vẫn không có bất cứ ghi chép nào về mẫu thân của Tần Nhị Thế.
Ở đây, cần phải nói thêm rằng Hồ Hợi rất tin tưởng Triệu Cao. Khi các đại thần lấy danh nghĩa Lý Tư dâng thư đề nghị Hồ Hợi giết Triệu Cao. Hồ Hợi không những không nghe còn bảo vệ họ Triệu, nói: “ Trẫm mất “tiên nhân” từ khi còn nhỏ chẳng hiểu biết gì, không quen việc triều chính. Trẫm không dựa vào Triệu Cao thì biết tin vào ai đây?” . Từ “tiên nhân” ở đây có thể chỉ Tần Thủy Hoàng nhưng cũng có thể chỉ mẹ ruột của Hồ Hợi. Từ câu nói này có thể thấy mẹ ruột của Hồ Hợi có thể mất từ sớm, trước cả Tần Thủy Hoàng, cũng như trước thời điểm Hồ Hợi lên ngôi. Bởi lẽ nếu còn sống, mẹ ruột của Hồ Hợi có thể trở thành hoàng thái hậu và là một lực lượng hỗ trợ cho con trai, không tới mức là “không có ai để dựa dẫm” như Hồ Hợi nói.
Chính vì mẹ ruột đã mất từ sớm, nên Tần Thủy Hoàng mới dành tình cảm nhiều hơn cho Hồ Hợi. Và cũng chính vì thế, sau khi Hồ Hợi lên ngôi, sử sách mới không có bất cứ ghi chép nào về người phụ nữ này. Một khi hoàng thái hậu không được đề cập tới thì đương nhiên, những hậu phi khác dù có còn sống cũng không thể nào có cơ hội xuất hiện trong sử sách. Đây cũng là nguyên nhân khiến những hậu phi khác trong hậu cung của Tần Thủy Hoàng gần như biến mất hoàn toàn khỏi sử sách Trung Quốc.