Vua Càn Long là "giọt máu lạc loài" người Hán?

Google News

Vị vua đa tình Càn Long được cho là có nhiều con hoang trong dân gian, nhưng bản thân ông cũng bị cho là xuất thân mờ ám.

Theo chính sử, Càn Long là con trai của hoàng đế Ung Chính, và là vị vua thứ 6 của triều Mãn Thanh (Trung Quốc). Tuy nhiên, từ xưa vẫn lưu truyền giả thuyết, ông chẳng những không phải con trai Ung Chính, mà thậm chí còn chẳng có chút máu mủ nào với hoàng tộc, còn tệ hơn, là người Hán chứ không phải người Mãn. Tuy sử học chính thống không công nhận điều này nhưng cho đến nay, giả thuyết trên vẫn có sức sống lớn và không thể bị loại bỏ. Từ truyền thuyết dân gian, nó trở thành chất liệu trong nhiều bộ tiểu thuyết dã sử và phim ảnh.
Câu chuyện lưu truyền về thân thế Càn Long
Theo truyền thuyết kể trên, vào một ngày mùa thu năm 1711, dưới triều Khang Hy, phu nhân của Ung thân vương (con trai thứ 4 của Khang Hy, sau này là hoàng đế Ung Chính) hạ sinh một công chúa. Cũng đúng hôm đó, vợ của Trần Thế Quán, thường gọi là Trần Các Lão, một viên quan người Hán có quan hệ thân thiết với Ung thân vương, cũng sinh con trai.
Ung thân vương biết vậy, bèn sai đưa thiếp sang nhà họ Trần, yêu cầu mang đứa trẻ sang vương phủ cho mình xem mặt. Mặc dù đưa một đứa trẻ mới sinh ra ngoài là điều tối kỵ, nhất là với con nhà gia thế, nhưng đã là lệnh của vương gia, chẳng ai dám trái, vì thế Trần Thế Quán đành cho người bế con trai đi.
 Càn Long trên phim.
Thế nhưng, khi đứa bé được mang về trả thì nó lại biến thành… con gái. Trần Các Lão biết ngay đây chẳng phải sự nhầm lẫn vô tình. Sự từng trải trong chốn quan trường khiến ông hiểu là nên im lặng, bởi nói ra chẳng những con chẳng đòi được mà còn nguy hiểm cho cả họ. Hôm sau lại thấy bên phủ Ung vương công bố tin mừng vương phi hạ sinh vương tử, mọi người nô nức ăn mừng, họ Trần càng hiểu chuyện. Để Ung vương gia yên tâm mà để cho gia đình mình yên ổn, ít lâu sau Trần Các Lão cáo lão về quê ở Hải Ninh, Chiết Giang, tự an ủi rằng tuy mất con nhưng con mình vẫn được sống sung sướng ở vương phủ với địa vị đích tử, biết đâu có tương lai xán lạn.
Đứa con đánh tráo của nhà họ Trần ấy, Ung thân vương đặt tên là Hoằng Lịch, về sau trở thành hoàng đế Càn Long. Những người tin vào giả thiết này cho rằng, có quá nhiều “bằng chứng” cho thấy Càn Long là con cháu nhà họ Trần ở Chiết Giang, rằng ông vua này khi lớn lên cũng biết thân thế thực sự của mình nên có ý muốn gặp lại cha mẹ. Đó là lý do khiến Càn Long rất nhiều lần thân hành tuần du miền nam. Ông mượn cớ công vụ để đi thăm gia đình thực, thăm quê gốc của mình, tuy lúc đó vợ chồng Trần Các Lão đã qua đời và nhà vua chỉ có thể ra thăm mộ mà thôi. Theo truyền thuyết, khi đến mộ, Càn Long sai dùng màn vàng che lại để ông được kín đáo mà làm lễ bái lạy cha mẹ, tổ tiên.
Việc Càn Long 6 lần tuần du Giang Nam thì có 4 lần đến Hải Ninh, Chiết Giang và đều ở trong nhà của Trần Các Lão được cho là bằng chứng “đắt” của sự liên hệ đặc biệt. Nhà vua còn đổi tên vườn Ngung của nhà họ Trần, nơi vua nghỉ, là vườn An Lan.
Trong phủ nhà họ Trần ở Chiết Giang có tấm hoành phi do Càn Long tự tay đề tặng, ghi chữ “Xuân Huy đường”. Hai chữ “xuân huy” (ánh sáng mùa xuân) vốn được dùng để chỉ công ơn cha mẹ. Có lý do nào vị hoàng đế lại viết tặng cho một gia tộc người Hán hai chữ ấy nếu không phải ông muốn gửi gắm ẩn tình của một người con không được nhận mẹ cha?
Việc con gái của Trần Các Lão sau này được Ung Chính thu xếp gả cho Tưởng Phổ, con trai một đại quan trong triều, cũng được cho là dấu hiệu của cuộc hoán đổi hài nhi những năm trước đó. Tưởng Phổ được Càn Long sủng ái, phong chức đại học sĩ, bởi họ Tưởng thực ra là con rể nhà vua. Tòa lầu vợ chồng Tưởng ở, dân gian gọi là lầu công chúa.
Trần Các Lão và các đời con cháu đều được làm quan to, hưởng nhiều ân sủng của triều đình. Điều này được lý giải là do Ung Chính, rồi Càn Long, thậm chí cả các vua sau này, muốn bù đắp.
Thói quen ăn mặc của Càn Long cũng bị những người tin ông là con cháu họ Trần “soi”. Càn Long khi ở hậu cung thích mặc theo lối người Hán, và hỏi những người hầu cận là mình trông có giống người Hán không.
Các nhà sử học nói gì?
Câu chuyện kể trên được dân gian ưa chuộng và muốn tin đó là sự thật, nhưng các sử gia chính thống lại cho là nó hoang đường, rất khó xảy ra. Theo đó, dòng họ Trần đúng là làm quan to nhưng mức độ thịnh vượng đạt đến đỉnh cao ở triều Khang Hy và Ung Chính. Trần Các Lão thực tế vẫn còn sống khi Càn Long đã lên ngôi, nhưng không nhận được sự quan tâm quá đặc biệt của ông vua này, thậm chí còn có lần bị cách chức do soạn chỉ dụ cho nhà vua bị sai. Trước mặt quần thần, Càn Long còn lớn tiếng trách mắng người mà dân gian đồn đại là cha đẻ của mình: “Bất tài, phẩm chất kém, không xứng đáng với chức vụ”. Chả nhẽ người ta lại nhục mạ bố đẻ mình đến thế?
 Hoàng đế Càn Long.
Theo nhiều nhà sử học, việc họ Trần được đãi ngộ tốt là do chính sách trọng dụng nhân tài người Hán để thu phục nhân tâm, nhất là với những người vùng Giang Nam vốn trước đây có tinh thần kháng Thanh rất mạnh mẽ. Cũng vì muốn vỗ yên Giang Nam mà Càn Long nhiều lần tuần du vùng đất này (điều này không liên quan đến tình riêng vì trước đây Khang Hy cũng 6 lần đi Giang Nam). Vua đến Hải Ninh là để khảo sát việc đắp tuyến đê sông Tiền Đường, một công trình cực kỳ quan trọng.
Tại sao khi đi Hải Ninh, vua lại cứ ở nhà họ Trần? Bởi đơn giản là những nhà khác khó có nhà cửa đủ đẹp để đón tiếp một hoàng đế, ngoài nhà họ Trần mấy đời làm quan to, thế lực nhất vùng. Khu vườn Ngung của họ lại rất lớn và có phong cảnh tuyệt đẹp. Và dù 4 lần ở nhà họ Trần, Càn Long không lần nào gọi con cháu gia tộc này tới gặp mặt, nên chuyện bái lạy trước mồ, nhận tổ tiên chỉ là dân gian hư cấu ra thôi.
Còn bức hoành phi có chữ “Xuân Huy Đường” đặt tại phủ của họ Trần ở Hải Ninh thực ra không phải do Càn Long viết mà chính là ông nội Càn Long, hoàng đế Khang Hy. Vì vậy, không thể dựa vào đó để nói Càn Long là con nhà họ Trần.
Mặt khác, Ung Chính chẳng việc gì phải tráo con của nhà họ Trần – một người Hán - bởi ở thời điểm Càn Long ra đời, Ung Chính đã có 5 con trai khác, dù 3 người đã chết yểu thì vẫn còn vương tử Hoằng Thời đã 8 tuổi, và Hoằng Trú sinh trước Càn Long chỉ 3 tháng. Vả lại, lúc đó cuộc cạnh tranh giành ngôi thái tử giữa những người con trai của Khang Hy đang vô cùng gay gắt, người nọ lăm le tìm chỗ yếu của người kia để thọc dao vào. Bởi vậy một người mưu mô cẩn trọng như Ung Chính không thể làm cái việc khinh suất là tráo con để các anh em mình có thể dựa vào đó mà loại bỏ mình.
Đó là chưa kể, việc đổi con gái thành con trai là không thể xảy ra với quy chế chặt chẽ của nhà Thanh. Phủ Tôn nhân quản lý sát sao mỗi đứa trẻ trong hoàng thất, ngay lúc ra đời đã phải báo tin, rồi người của phủ Tôn nhân viết tấu xin hoàng đế đặt tên. Nếu Ung vương phi đã sinh con gái thì ngay trong hôm đó tin này đã được phủ Tôn nhân xác nhận, không có chuyện mấy ngày sau lại đổi thành con trai được.
Về cô con gái Trần Các Lão được cho là con gái Càn Long, và truyền thuyết về lầu công chúa, các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định họ không tìm thấy bằng chứng nào về sự tồn tại của cái lầu mang tên đó, ngay cả con cháu họ Tưởng cũng không nghe nói. Còn việc mặc quần áo người Hán là sở thích của nhiều vị hoàng đế Thanh triều chứ không riêng Càn Long.
Theo các sử học, câu chuyện Càn Long là con Trần Các Lão được dựng lên rồi được dân gian ưa thích chẳng qua vì nó thỏa mãn cái tâm lý muốn vớt vát sĩ diện của người Hán, vốn tự coi mình là dân tộc thượng đẳng nhưng lúc đó phải cúi đầu chịu sự cai trị của giống người Mãn man di. Việc đặt một ông vua gốc Hán lên ngai vàng Mãn, dù là tưởng tượng, cũng giúp xoa dịu đôi chút lòng tự ái dân tộc của họ.
Theo Phạm Hùng/Xzone/Tri thức thời đại

Bình luận(3)

Minh Hiền

Trần Lan

Tôi đồng ý với ý kiến của chính sử. Mọi việc đơn giản nhất là Ung Chính việc gì phải tráo con trong khi ông ta đã có 2 đứa con trai rồi. Với lại tính chất sự việc có gì là nghiêm trọng để Ung Chính làm cái việc nguy hiểm, mất mạng như chơi. Khang Hy đâu yêu cầu Ung Chính phải toàn sinh con trai. Thêm nữa lúc đó đang đấu đá giành quyền kế vị. Dù Ung Chính có sinh con gái thì có vấn đề gì, ông ta còn trẻ dư sức đẻ vài chục đứa con trai nữa. Mấy chuyện dân gian vớ vẩn. Một triều đại lớn và chặt chẽ như nhà Thanh sẽ không có cơ hội tráo con dễ dàng nếu ko có sự cho phép của đương kim Hoàng Đế Khang Hy. Do vậy việc Càn Long là người hán là không căn cứ.

Minh Hiền

Hoàn

Mình quả thực rất nể vua Càn Long, lãnh đạo triều đình mọi chuyện xử đâu ra đấy. Công tư phân minh

Minh Hiền

Nhân

Tóm lại Càn Long không phải "giọt máu lạc loài" nhé mọi người...