Chuyện tình cặp vợ chồng danh tướng nhà Tây Sơn (1)

Google News

(Kiến Thức) - Trần Quang Diệu và thiếu nữ họ Bùi từ chỗ cảm mến tài nghệ của nhau, đã nảy nở tình yêu lúc nào không rõ.

Tại đền thờ Tây Sơn Tam kiệt có thờ 3 vị võ tướng của nhà Tây Sơn là Võ Văn Dũng và đôi vợ chồng danh tướng Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu. Điều đó cho thấy công lao của họ với sự nghiệp của nhà Tây Sơn.
Yêu vì mến tài
Bùi Thị Xuân sinh ra trong gia đình nhà giàu có ở tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn (Quy Nhơn). Lúc trẻ bà đã nổi tiếng khắp vùng là một cô gái xinh đẹp, văn chương võ nghệ hơn người. Nhiều chàng trai ngấp nghé ngỏ lời, nhưng nàng chẳng màng, mà chiêu tập các bạn gái thành lập lò võ cùng nhau luyện tập.
Một hôm nàng cưỡi ngựa đi săn, trên quãng đường rừng bỗng nghe thấy tiếng hổ gầm, tiếng cây đổ ràn rạt. Không hề sợ hãi, nàng phóng ngựa xông tới thì thấy một tráng sĩ đang đánh nhau với con mãnh hổ. Con hổ xem chừng đã mệt, nhưng chàng trai cũng bị thương nặng, máu chảy đẫm áo. Nàng nhảy phắt xuống ngựa, dùng đôi song kiếm xông vào đâm chết con hổ.
Bùi Thị Xuân đưa chàng trai về nhà chữa trị vết thương. Chàng trai xứ Quảng ấy tên là Trần Quang Diệu, đang trên đường tìm đến đầu quân với nghĩa quân Tây Sơn. Trần Quang Diệu rất giỏi võ nghệ lại có chí nên được cụ Bùi rất yêu mến. Chàng và thiếu nữ họ Bùi từ chỗ cảm mến tài nghệ của nhau, đã nảy nở tình yêu lúc nào không rõ. Sau khi vết thương lành, hai người xin phép lên đường xuống Quy Nhơn ra mắt vua Thái Đức Nguyễn Nhạc.
Nguyễn Nhạc rất vui mừng có được hai tướng tài trẻ tuổi, bèn đứng làm chủ hôn cho họ kết nghĩa vợ chồng.
Tượng thờ Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu tại Bình Định. 
Cùng đánh đông dẹp bắc
Trần Quang Diệu có sức mạnh lạ thường, xử thanh huỳnh long đao dũng mãnh. Ông cùng một tướng khác là Lê Sĩ Hoàng được người đời tôn là "Tây Sơn song đao".
Bùi Thị Xuân giỏi kiếm pháp, tài bắn cung, biết dạy voi, thường cưỡi con ngựa ngân câu phóng nhanh như chớp. Hai vợ chồng theo Nguyễn Huệ đánh đông dẹp bắc, lập được nhiều chiến công. Trong chiến dịch đánh đuổi quân Thanh Tết Kỷ Dậu (1789), cả hai đều là tướng lĩnh trong đạo trung quân do vua Quang Trung đích thân chỉ huy. Nữ tướng Bùi Thị Xuân cầm đầu đội tượng binh, đi đến đâu quân Thanh sợ hãi bỏ chạy đến đấy.
Sau chiến thắng Kỷ Dậu, Bùi Thị Xuân cùng chồng được cử đi dẹp yên các cuộc nội loạn chống đối vương triều Tây Sơn ở các địa phương. Bùi Thị Xuân được phong Đô đốc. Trần Quang Diệu được thăng Thiếu phó, một chức võ quan cao cấp của triều đình. Tiếc thay, vua Quang Trung mất sớm khi chưa đầy 40 tuổi, triều Tây Sơn đi vào suy thoái. Tuân theo di chỉ của vua, Trần Quang Diệu cùng Bùi Đắc Tuyên và Vũ Văn Dũng tôn phò Quang Toản lúc đó mới 9 tuổi lên làm vua Cảnh Thịnh.
Lúc này cả hai vợ chồng phải chia nhau đi trấn giữ các nơi hiểm yếu. Bùi Thị Xuân được cử vào ổn định tình hình ở Quảng Nam. Quảng Nam bấy giờ mất mùa, nhiều nơi dân chúng nổi loạn, quan quân địa phương không sao khống chế được. Nữ đô đốc đến nơi bèn đi thị sát khắp nơi, cho mở kho quân lương phát chẩn cho dân, đồng thời trừng trị bọn tham quan nhũng nhiễu. Bà ra lệnh không truy cứu những người dân nổi dậy. Do đó, tình hình Quảng Nam trở nên yên ổn, nhân dân đều ghi nhớ công ơn bà.
Trong khi đó, tại Quy Nhơn vua Thái Đức Nguyễn Nhạc bị quân Nguyễn bao vây nguy cấp. Trần Quang Diệu được cử vào giải nguy, đánh đuổi được quân Nguyễn. Nguyễn Nhạc mất hết quyền hành đã tự vẫn.
Tại Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh trẻ người non dạ, bị cậu ruột là Thái sư Bùi Đắc Tuyên khuynh loát, giết hại công thần thu hết quyền lực vào tay. Thái sư Bùi Đắc Tuyên xui Cảnh Thịnh cử Đại tư đồ Võ Văn Dũng ra trấn giữ Bắc Hà để triệt vây cánh ông này. Trần Văn Kỷ vạch rõ âm mưu của Bùi Thái sư cho ông biết, Võ Văn Dũng bèn bí mật đem quân quay trở lại Phú Xuân giết chết Bùi Đắc Tuyên.
Thái phó Trần Quang Diệu đang vây đánh thành Diên Khánh nghe tin không hay, vội kéo quân trở lại Phú Xuân, dàn quân ở bờ Nam sông An Cựu. Đại tư đồ Võ Văn Dũng dàn quân ở bờ Bắc. Hai bên chuẩn bị đánh lẫn nhau. Vua Cảnh Thịnh sợ hãi, khóc lóc, xin hai bên hưu chiến. Vì nghĩ đến sự phó thác xưa kia của tiên đế và đại cuộc của nhà Tây Sơn, Trần Quang Diệu bằng lòng giảng hòa.
(Còn nữa...)
Dĩ Nguyên

Bình luận(0)