“Tiền lì xì của con, mẹ không được chiếm đoạt!“

Google News

(Kiến Thức) - "Tiền lì xì là mọi người mừng tuổi con, chúng con sẽ tự chi tiêu, mẹ không được lấy làm của riêng như thế!" - hai bé nhà tôi hùng hồn tuyên bố.


Hỏi: Câu chuyện này, tưởng rất trẻ con vu vơ nhưng lại khá nhạy cảm nên tôi cũng ngại hỏi han, chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp. Nhưng ở nhà tôi, nó đang là một đề tài tranh luận khá gay gắt giữa hai vợ chồng và bọn trẻ.

Những dịp Tết trước, tiền lì xì của con, trong Tết tôi cho chúng giữ. Hết Tết, tôi gom lại, mua cho mỗi đứa 1 món đồ chúng thích, phần dư tôi giữ, tiêu như tiền bình thường. Tôi nghĩ tiền dù người ta mừng tuổi các con nhưng cũng là vì bố mẹ đã phải mừng lại con em họ, hơn nữa, các con đều chưa đến tuổi quản lý và tiêu tiền tự do.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ấy nhưng năm nay, bọn trẻ nhà tôi đã thoả thuận từ trước Tết, là sau Tết sẽ tự giữ tiền mừng tuổi. Chúng nó bảo đấy là tài sản chúng được cho, chúng sẽ quản lý và chi tiêu cho những việc chúng muốn, và tất nhiên chúng sẽ hỏi ý kiến tôi trước khi tiêu.

Chồng tôi thì bênh con. Anh bảo tôi nên để con giữ, có thể mua lợn cho chúng đút hoặc mua một cái ví cho chúng cất vào, khi nào thích gì các con sẽ hỏi, nếu bố mẹ thấy hợp lý, đồng ý thì các con được quyền chi dùng số tiền lì xì vào việc các con muốn. Anh đã “nhân tiện” phê phán tôi vì bao nhiêu năm quá, toàn “chiếm đoạt” tài sản riêng của các con.

Tôi thì thấy làm thế là hư con. Con trẻ chưa biết tính hai mặt của đồng tiền. Các con chỉ nghĩ có tiền khi thích gì thì có thể mua mà không biết nó có thể dẫn các con đến những con đường xấu. 

Tôi chẳng tham gì vài triệu của con, nuôi con cả đời tôi còn chẳng đong đếm. Tôi có thể mua lợn hoặc vàng để tích luỹ giúp con, nhưng để chúng tự ý giữ gìn và chi tiêu, thì tôi thực sự lo lắng.

Con lớn của tôi năm  nay 9 tuổi, đứa bé 7 tuổi. Nếu chúng tầm 14-15 thì có thể tôi sẽ thử cho chúng quản lý và chi tiêu một phần, nhưng ở tuổi thực của con tôi, thì là quá nhỏ, phải không ạ?

Thực ra, nếu tôi căng lên thì các con sẽ sợ, chồng tôi cũng sẽ phải nhường tôi thôi, vì suy cho cùng tôi vẫn là tay hòm chìa khoá trong nhà. Nhưng tôi muốn cả chồng và con hiểu mục đích, mong muốn của tôi là chỉ vì lo cho con cái, và việc chồng tôi muốn nuông con ấy là không phù hợp trong xã hội vốn đang nhiều cám dỗ này cơ.

Xin chuyên gia tư vấn hãy bày cho tôi một cách ứng xử thật hiệu quả với vấn đề này ạ?
(Trần Thanh Hằng, Thụy Khê, Hà Nội)

 Ảnh minh họa. Nguồn:  akamommagazine

Đáp: Thật hay và thú vị khi các bé 7,9 tuổi đã ý thức về tài sản riêng của mình, chủ động đề nghị bố mẹ được chi tiền theo ý muốn, trên cơ sở hỏi ý kiến của bố mẹ. Điều này hoàn toàn không có nghĩa rằng để bé tiêu tự do, mà là học cách chi tiêu dưới sự hướng dẫn và quản lý của bố mẹ.

Trong thời buổi hiện nay, đợi đến lúc con 14-15 tuổi để dạy con về tiền là quá muộn. Lúc đó, sẽ rất khó để con hiểu giá trị của đồng tiền, chi tiêu đúng và hợp lý dựa trên nhu cầu của mình, đồng thời phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Hậu quả của việc này là rất nhiều các em tuổi này thích chạy đua theo mốt này mốt nọ, đua nhau ăn mặc sành điệu, đắt tiền trong khi bố mẹ thu nhập bình thường, các em chưa tự kiếm ra tiền.

Đây là một khởi đầu tốt để giúp con quản lý chi tiêu. Chị và chồng có thể cùng trao đổi về những khoản chi cần thiết cho con trong một năm, chẳng hạn như sách vở, đồ dùng học tập đầu năm học, áo quần các mùa, đồ chơi, tiền tiêu vặt hàng tháng… 

Từ danh sách này, anh chị hãy cân đối số tiền bao nhiêu là hợp lý, trao đổi với các con, chẳng hạn, đầu năm học con có 1 triệu để mua sách vở, hai mẹ con sẽ cùng đi, cùng hoạch tính xem sẽ mua những gì, cùng một loại vở nên mua loại nào cho phù hợp. Với khoản tiêu vặt hàng tháng, anh chị có thể bàn với con xem mỗi ngày tiền ăn sáng bao nhiêu, tiền mua quà sinh nhật bạn và các khoản khác như thế nào… Có thể giao cho con một số tiền nho nhỏ mỗi tuần để các bé tự quản lý.


Bình luận(0)