Mẹ ơi, tại sao con bị đuổi khỏi nhà thờ?

Google News

(Kiến Thức) - Tôi như đứt từng khúc ruột khi các con còn nhỏ mà đã phải chứng kiến, bị tổn thương bởi những sự bất công trong nhà.



Hỏi: Tôi chỉ có hai cô con gái, không sinh được con trai. Điều ấy làm bố mẹ chồng tôi có phần buồn phiền, khó chịu, nhất là khi có việc nhà, việc họ hoặc ngày lễ tết. 

Lúc các cháu còn bé, mỗi lần về quê ăn Tết, bị người lớn trêu “mẹ mày đẻ toàn con gái, bố mày sẽ đi lấy vợ hai”, các con tôi đều khóc rất tội. Tôi có nói với chồng nhiều lần, nhưng anh bảo người nhà quê là thế, ác khẩu thôi chứ chả nghĩ gì đâu, kệ, trẻ con lúc lớn lên sẽ hiểu ra.

Tôi thương con, cũng tủi phận mình, nhưng nghĩ chồng cũng có cái khổ khi là trưởng tộc mà không có con nối dõi, thêm nữa, quê chồng tôi vẫn còn nặng nề quan niệm gái trai, nên đành chịu phần thiệt thòi về ba mẹ con.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhưng hai con gái tôi giờ đã lớn, đứa lớp 3, đứa lớp 6, chúng nó biết để ý và so sánh mọi chuyện. Tết năm trước, khi ở quê lên, con bé lớn đã hỏi tôi rất nhiều về những sự phân biệt ở nhà bà nội: Tại sao cúng sáng mùng 1, bà lại đuổi hai chị em nó ra khỏi nhà thờ, mà lại gọi em trai con nhà chú vào? Tại sao đêm Giao thừa, bà dắt thằng bé ra chắp tay khấn vái trước mâm thờ tổ tiên bày ngoài trời, còn chị em nó thì phải đi ngủ sớm? Tại sao mỗi khi ông bà đi đâu chúc Tết hoặc có khách đến nhà, chỉ có em được ngồi cùng mâm ông bà, còn chị em nó phải ngồi cùng các mẹ, các cô ở gian dưới? Tại sao phong bao lì xì của em thì là loại bao lớn, còn của chị em nó thì là bao nhỏ?

Tôi nhớ, năm trước, tôi đã dối con bằng cách nói lòng vòng, sau đổ cho là do năm ngoái hợp tuổi em nhà chú, nên bà phải giữ em, cưng em để cả nhà, cả họ có nhiều lộc, năm mới này đời sống tốt đẹp hơn.

Nhưng, tôi không thể dối con mình thế mãi. Năm nay con đã lớn hơn, sự hiểu biết và tinh tế của con cũng nhiều hơn. Mấy ngày trước nghe chồng tôi nói chuyện về quê, con gái lớn đã thì thào với mẹ: Năm nay đúng tuổi của con, ai cũng bảo đẹp lắm mẹ ạ, chắc năm nay bà nội sẽ cưng con mẹ nhỉ? 

Chị ơi, nỗi lòng đẻ con gái, bình thường đã xót lắm rồi. Nay, thấy các con hồn nhiên vô tư như thế, không hiểu được sâu xa cái việc mình bị phân biệt ở ngay trong gia đình mà tôi đứt từng khúc ruột. Tôi biết nói dối con là việc không hay, nhưng sao tôi có thể đành lòng nói với con rằng: Con sẽ không được bén mảng đến gian thờ, con sẽ không được đi xông nhà, con sẽ không được thế này thế nọ... chỉ vì con là gái. 

Tôi đã tính đến chuyện hay tôi xin chồng cho mấy mẹ con ở lại Hà Nội, hoặc về nhà ngoại. Ông bà ngoại không phân biệt trai gái, tôi sẽ cho con đi ngắm pháo hoa, sẽ về xông nhà ngay sau giao thừa, sáng mùng 1 tôi sẽ dắt con ra trước bàn thờ tổ tiên... nhưng khi tôi vừa mở lời qua điện thoại thì mẹ chồng tôi đã mắng tôi lười, dâu trưởng mà định trốn Tết.

Tôi đang bối rối quá, nghĩ không về thì khổ chồng, mà mang con cái về, với sự phân biệt mười mươi của bà nội, thì khổ con.

Xin hãy tư vấn giúp tôi!
(Nguyễn Thị Thương, Bắc Ninh)


Đáp: Qua những gì chị chia sẻ, ta cũng thấy ngày Tết của mình vẫn còn bao nhiêu chuyện buồn, bao ẩn ức không được giải tỏa, đặc biệt của phụ nữ và trẻ em, bởi những quan niệm, định kiến vô lý nặng nề đeo bám.

Tôi rất hiểu chị thương xót con gái mình như thế nào, các cháu không đáng bị đối xử như vậy. Dù rất nhỏ, chưa hiểu nhiều về lý lẽ ở đời, nhưng các cháu đủ nhạy cảm và tinh tế để nhận ra mình đang bị phân biệt đối xử, không được yêu mến trân trọng chỉ vì giới tính. Việc các gia đình thẳng thừng đuổi cháu gái khỏi gian thờ, không cho đi xông đất, mừng tuổi phong bao nhỏ hơn bé trai… có thể khiến các bé gái cảm thấy mình thấp kém hơn, không có giá trị, tự ti và buồn khổ.

Những tổn thương mà một bé gái phải chịu đựng từ nhỏ đến lúc trưởng thành là điều ảnh hưởng nặng nề đến lòng tự tin, bãn ngã, sự tự nhận thức về giá trị của bản thân trong suốt cuộc đời. Nếu người làm cha, làm mẹ không ý thức được điều này, đối xử với con theo định kiến xã hội, hoặc che giấu, nói dối con về những điều này.

Việc nói dối hoàn toàn không có ý nghĩa gì tích cực trong tình huống này, ngược lại khiến các cháu càng thêm hoang mang về điều mình đang gặp phải. Điều tốt nhất là nhẹ nhàng giải thích cho các con hiểu, nguồn căn của định kiến trọng nam khinh nữ của đất nước mình, những thiệt thòi mà bao thế hệ phụ nữ phải gánh chịu, về việc ông bà có thể ứng xử theo cách họ đã được nuôi dạy và lớn lên. 

Hãy cho con biết là con gái cũng như con trai, đều xứng đáng được đối xử công bằng, tôn trọng, được yêu mến, được học hành, được tự do quyết định cuộc sống của mình khi lớn lên và trưởng thành. Giúp con hiểu rõ điều con đang gặp phải, nuôi dưỡng long tự tin, bản lĩnh, hướng cho con phát triển thế mạnh mà con đam mê… chính là con đường tốt nhất để những định kiến không làm con tổn thương. Được như vậy, con gái của chúng ta sẽ được phát triển cá tính và đi theo con đường của mình mà không có rào cản nào, đấu tranh cho sự tiến bộ và bình đẳng, ngày một hiểu biết, tự do và hạnh phúc.

Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Hồng Minh

Bình luận(0)