Cắt toàn bộ đại tràng
Tại Khoa Ngoại Bụng, Bệnh viện 103, bệnh nhân Trần Văn Trung (Thái Nguyên) vừa trải qua cuộc phẫu thuật nhưng vẫn tươi cười vì vừa bước qua cơn thập tử nhất sinh. Bệnh nhân Trung cho hay, hơn 1 năm trước anh thấy đi ngoài lẫn máu tươi, mặc dù thường đi lỏng, bụng hay quặn đau. Sau một thời gian, anh gầy sút nhiều, mất 7 - 8kg/tháng và thiếu máu trầm trọng khiến da xanh nhợt. Anh tới thăm khám các bệnh viện được chẩn đoán bị đa polyp đại tràng.
Quyết xuống Bệnh viện 103 thăm khám một lần, anh được kết luận polyp ung thư hóa gây tắc đại tràng. Do anh sức khoẻ yếu nên không cắt được đại tràng mà được Bệnh viện 103 nối tắt hồi tràng và đại tràng ngang để có thể ăn uống tăng thể trọng, sức khoẻ. Thời gian này anh được truyền hóa chất để ngăn ngừa khối u.
Sau đó, anh trở về quê và đi khám nhiều bệnh viện nhưng không ai dám cắt đại tràng trong tình trạng này cho anh. Không chịu được cảnh đau đớn, đối mặt với cái chết, nên vừa qua, bệnh nhân lại quay lại Bệnh viện 103 để tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ đại tràng trong tình trạng có nhiều khối u lớn, đã được nối tắt hồi tràng và đại tràng ngang.
|
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân Trung. |
Chỉ để một phần trực tràng
TS Đặng Việt Dũng, Trưởng khoa Ngoại bụng, Bệnh viện 103, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Trung chia sẻ, đây không phải là polyp lành tính, mà thể trạng bệnh nhân lại yếu, đã qua một phẫu thuật trước đó, cho nên sẽ khó khăn hơn trong vấn đề phẫu thuật lần này. Bệnh nhân đã được nuôi dưỡng tốt để có khả năng làm cuộc phẫu thuật. Chúng tôi đã tiến hành truyền máu, cắt hoàn toàn đại tràng, chỉ để 1 phần trực tràng 5cm không có polyp và nối máy cho bệnh nhân. Sau hơn 1 tuần nằm viện, bệnh nhân có thể ra viện trong tình trạng sức khoẻ tốt.
Polyp đại tràng rất hay gặp, đặc biệt đối với nam giới. Đa phần là lành tính, nhưng một số thành ung thư, điều trị khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Theo TS Đặng Việt Dũng, sự hình thành polyp đại tràng là kết quả sự tăng sinh bất thường của tế bào. Người bệnh cần nhận biết bệnh ngay từ những dấu hiệu như đi ngoài ra máu tươi, hoặc phân có thẫm màu đen (do lẫn máu), đi phân lỏng và cần phân biệt đi ngoài ra máu với các triệu chứng của bệnh trĩ.
Nếu bị polyp lành tính thì chỉ cần cắt bỏ các polyp, nếu thành ung thư đại tràng cần cắt bỏ toàn bộ đại tràng, thậm chí cả trực tràng. Để phòng bệnh nên ăn đủ lượng canxi, ăn nhiều rau hoa quả, hạn chế mỡ và rượu, bia, chất kích thích khác. Những người có nguy cơ cao hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng nên làm xét nghiệm gen và đi khám sàng lọc định kỳ.