Phát hiện hợp chất tiêu diệt khối u não

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà khoa học vừa phát hiện một hợp chất khiến cho các tế bào có trong khối u não glioblastoma multiforme (GBM) dễ dàng bị triệt tiêu.

Phát hiện này cũng được đăng tải trên trang Cell. Nó được đúc rút dựa trên quá trình sàng lọc hơn 1.000 loại phân tử khác nhau có trong khối u và nghiên cứu ở chuột. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, nó cũng cần được tiến hành thử nghiệm trên người nhiều lần. Phát hiện mới này có thể mở ra cách thức điều trị ung thư hoàn toàn mới trong tương lai.
 Hợp chất Vacquinol - 1 tỏ ra khá hiệu quả khi thử nghiệm ở chuột.
Con số thống kê cho biết, chỉ khoảng 5% bệnh nhân mắc GBM kéo dài sự sống hơn ba năm. Còn lại, hầu hết đều tử vong sau 15 tháng phát bệnh.
Các bác sĩ cũng khẳng định căn bệnh này là vô phương cứu chữa. Kết quả đạt được là bước tiến quan trọng trong lộ trình tìm ra các loại thuốc, phương pháp điều trị mới.
Hợp chất được phát hiện trong nghiên cứu trên là “Vacquinol - 1”. Hợp chất này đã tiêu diệt các tế bào ung thư theo cách riêng mà trước đây giới khoa học chưa từng được chứng kiến.
Cụ thể, nó hoạt động bằng cách kiểm soát tế bào ung thư, ức chế không cho nhân tế bào “thoát” khỏi lớp màng. Chính điều này khiến cho các mạch túi giống như được chứa đầy nước và các chất khác. Sau cùng, tế bào tích tụ đủ năng lượng rồi “phát nổ”.
Điều ấn tượng nhất là, các tế bào khỏe mạnh xung quanh tế bào ung thư hoàn toàn ‘bình yên vô sự”. Kết quả này góp phần củng cố niềm hy vọng có thể chữa khỏi GBM.
Tuy nhiên, cơ chế này không phải lúc nào cũng diễn ra trong cơ thể sống. Chính vì vậy, giới nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên chuột. Kết quả khá khả quan khi hợp chất này dễ dàng tấn công tế bào ung thư, làm chúng ngừng phát triển và biến mất chỉ trong năm ngày mà không để lại bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Ravi Bellamkonda , một nhà thần kinh học công tác tại Viện Công nghệ Georgia (ông không tham gia tiến trình nghiên cứu trên) bày tỏ quan điểm: “Tôi thấy nó rất hấp dẫn, kết quả đạt được thực sự ấn tượng”.
Tuy nhiên, Bellamkonda cũng đặt câu hỏi về nồng độ thuốc được sử dụng đối với những trường hợp bệnh nhân khác nhau. Nghiên cứu cũng chưa đưa ra các tác dụng phụ cụ thể của phương pháp này.
Lê Nguyệt

Bình luận(0)