Hỏi: Con gái tôi mới 13 tuổi nhưng bị u bì buồng trứng trái xoắn 2 vòng, nang hoàng thể buồng trứng phải. Bác sĩ phải phẫu thuật cấp cứu nội soi bóc nang buồng trứng 2 bên do trẻ bị đau bụng dữ dội. Trẻ bình thường cứ 2 - 3 ngày mới đi cầu/lần. Lần này, trẻ bị trễ kinh 3 ngày và đau bụng lâm râm, sau đó thì đau quặn, không đứng thẳng người được.
Xin bác sĩ tư vấn giúp, làm sao để phân biệt được đau bụng do táo bón và đau bụng do u nang buồng trứng? Những dấu hiệu nào để biết bị u nang buồng trứng? Bé gái tuổi dậy thì bị đau bụng nên đi khám ở chuyên khoa nhi hay sản? Sau khi phẫu thuật nội soi bóc nang buồng trứng hai bên rồi thì con tôi cần được chăm sóc, kiêng cữ và tái khám như thế nào? - Nguyễn Tuyết Ngọc (quận 5, TPHCM).
|
Ảnh minh họa. |
TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM: Đau bụng do táo bón trước hết là có táo bón, tức nhiều ngày không đi tiêu được, phân chắc, cứng. Đau bụng âm ỉ, cảm giác nặng và tức vùng bụng dưới, bên trái. Đau bụng của u nang buồng trứng xoắn là đau quặn thắt vùng bụng dưới, bên phải hoặc bên trái tùy vào vị trí của u. Có thể kèm theo buồn nôn, đau tăng dần.
U nang buồng trứng thường không có triệu chứng gì rõ rệt, đa phần phát hiện tình cờ qua thăm khám định kỳ hoặc siêu âm. U buồng trứng chỉ có triệu chứng khi khối u quá to (nhìn hoặc sờ bụng dưới thấy khối u) hoặc có biến chứng như xoắn, vỡ.
Theo sự phân tuyến, trẻ dưới 15 tuổi sẽ khám bệnh ở khoa nhi. Từ 15 tuổi trở lên khám ở khoa sản. Trừ những trường hợp đặc biệt cần khám giám định (xâm hại tình dục) thì khám ở khoa sản. Sau khi bé đã được mổ nội soi bóc u buồng trứng hai bên, về nhà sinh hoạt bình thường. Bạn cần đưa cháu khám theo hẹn (thường là 1 tháng sau mổ) và việc điều trị sau đó còn tùy vào kết quả giải phẫu bệnh của khối u đã bóc lành hay ác tính.