Quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy DNA trong tế bào ung thư buồng trứng có khả năng chuyển từ ống dẫn trứng xuống âm đạo và mắc kẹt trên băng vệ sinh ở các kỳ
kinh nguyệt.
|
Ung thư buồng trứng thường không có dấu hiệu đặc trưng. Bệnh khó có thể phát hiện ở giai đoạn đầu.
|
Về vấn đề này, Charles Landen - phó giáo sư ngành ung thư phụ khoa, Đại học Virginia cho biết: “Khoảng 60% bệnh nhân ung thư có ống dẫn trứng còn nguyên vẹn. Điều này đặc biệt quan trọng cho phép chúng ta phát hiện tế bào ung thư qua âm đạo rồi đọng lại ở băng vệ sinh”.
Hiện tỷ lệ ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn sớm khá thấp. Phương pháp xét nghiệm DNA cho phép chẩn đoán bệnh song chi phí để thực hiện khá cao.
Về nguyên tắc, tế bào đọng lại ở băng vệ sinh được xem là yếu tố giúp phát hiện bệnh. Hiện Landen và đồng nghiệp của mình tại Đại học Johns Hopkins đang nỗ lực điều tra nhằm đánh giá hiệu quả phát hiện bệnh thông qua băng vệ sinh.
Trong số 33 bệnh nhân tham gia công trình nghiên cứu, có 8 trường hợp mắc ung thư buồng trứng dạng bướu huyết thanh – hình thức phổ biến nhất của bệnh. Người ta nhận thấy 3 bệnh nhân từng có tiền sử thắt ống dẫn trứng dẫn đến tế bào ung thư buồng trứng không thể di chuyển xuống vùng âm đạo.
5 phụ nữ còn lại được nhóm nghiên cứu phát hiện đột biến TP53 trên băng vệ sinh – một dấu hiệu cho thấy tế bào ung thư thực sự chuyển từ buồng trứng xuống vùng âm đạo.
Về phát hiện này, Landen cho biết: “Những gì chúng ta cần làm là nhận diện bệnh ngay giai đoạn đầu, thậm chí là tổn thương tiền
ung thư trước khi chúng chuyển thành ác tính. Ở lần nghiên cứu sau, chúng tôi sẽ lặp lại quá trình theo dõi với lượng bệnh nhân lớn hơn nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp”.
Theo Viện Y tế Mỹ, ước tính năm 2014 khoảng 22.000 trường hợp ung thư buồng trứng được chẩn đoán; 14.000 bệnh nhân có khả năng tử vong vì căn bệnh tại nước này. Bệnh thường được phát hiện khi đã chuyển sang giai đoạn III, IV.