Báo Tây: Ẩm thực Việt “lan tỏa” trên đất Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Magasin, Le Viet Cafe, Phố Nối Việt.. là những nhà hàng do người Việt Nam mở tại New Orleans nhằm quảng bá ẩm thực quê nhà trên đất Mỹ. 

Nhiều nhà hàng Việt ở đây phục vụ các món ăn như bánh mì, phở truyền thống và phở ăn liền từ cuối những năm 1970. Khi đó, những người Việt Nam đầu tiên đặt trên lên đất Mỹ, họ đã mang đến những món ăn truyền thống của quê nhà và các công thức nấu ăn gia đình. Họ bắt đầu sự nghiệp kinh doanh nhà hàng ở các thị trấn. Người Việt Nam mở các cửa hàng tại các nơi có đông người Việt sinh sống như ở phía Đông New Orleans và Bờ Tây.

Trong những năm qua, các nhà hàng như Đông Phương, phở Tàu Bay, Tân Định, Kim Sơn và nhiều cửa hàng khác đã phát triển nhanh chóng và rộng khắp. Thậm chí, những cửa hàng này còn thành lập câu lạc bộ dành cho những thực khách thích ẩm thực Việt từ đó tạo thành làn sóng văn hóa lớn hơn ở thành phố Crescent. Khi bạn đến các nhà hàng của người Việt bất kỳ ngày nào, tất cả bàn ghế ở đó cũng chật kín thực khách bản địa.

Ẩm thực Việt Nam dần dần vượt ra ngoài biên giới New Orleans và có sự lan tỏa mạnh mẽ trên khắp nước Mỹ. Thực đơn của những nhà hàng này thường có 9 loại gỏi cuốn làm từ thịt lợn, tôm nướng, đậu hủ chiên, xúc xích, trứng … khiến thực khách không thể kìm lòng trước những món ăn hấp dẫn đó.  


"Mọi thứ ở ngay trước mắt bạn. Thực khách sẽ thưởng thức món ăn bằng thị giác trước tiên rồi mới đến vị giác", Kim Nguyễn 33 tuổi đồng sở hữu nhà hàng Magasin cho biết.

Những món ăn ở nhà hàng Magasin là sự kết hợp giữa công thức nấu ăn truyền thống với phong cách thiết kế nhà hàng hiện đại đã tạo nên không khí hấp dẫn cho thực khách đến thưởng thức những món ăn của Việt Nam. 

Nguyễn cùng với Lưu Trần đồng sở hữu nhà hàng này chia sẻ rằng, Magasin là một phần trong làn sóng mới của chuỗi nhà hàng Việt Nam được mở ở New Orleans nhằm phục vụ cộng đồng người Việt sống xa tổ quốc cũng như quảng bá ẩm thực Việt Nam. Trong đó, phở và chả giò là món ăn được nhiều thực khách gọi nhất khi tới nhà hàng của họ.

Magasin là một trong 5 nhà hàng mới của Việt Nam mở ra trong vòng 6 tháng qua tại New Orleans. Nhà hàng Tamarind sử dụng các đầu bếp người Pháp Dominique Macquet và đầu bếp người Việt Nam Quan Tran tạo nên phong cách ẩm thực tuyệt vời. Năm nhà hàng mới đó tạo thành một khu vực rộng lớn từ Uptown, Downtown, phố Magazine, St Charles Avenue.
 Người dân Mỹ rất thích các món ăn Việt nên ngày càng có nhiều nhà hàng của người Việt Nam mở tại đây.

"Khi bạn nhìn thấy Mario Batali trên chương trình “Iron Chef” làm món nem cuộn trên truyền hình thì thấy đó là điều đáng tự hào”, Andrea Nguyễn, tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết về việc nấu ăn của các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, bà viết một số bài gần đây về xu hướng của các nhà hàng hải sản Việt Nam bùng nổ trên đất Mỹ. 

"Người dân Mỹ hào hứng theo dõi cuộc thi đầu bếp hàng đầu. Họ nấu món phở và trở thành tâm điểm chú ý của người dân và phương tiện truyền thông. Cụ thể, hàng loạt cuốn sách và blog viết bằng tiếng Anh được xuất bản nói về những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng của Việt Nam có lợi cho sức khỏe như thế nào. Đó là một trong những cách quảng bá ẩm thực Việt Nam phổ biến ở Mỹ và chúng được lồng ghép khéo léo trong trong các chương trình của các phương tiện thông tin đại chúng", Andrea chia sẻ.

Một trong những món ăn địa phương của người Việt nổi tiếng tại đất Mỹ đó là bánh mì. Đó là món ăn đường phố của người dân Việt Nam. Bánh mì thường kẹp với thịt, cà rốt, dưa chuột, bơ... 

Trước khi mở quán Cafe Lilly ở quận Lower Garden, Trinh "Lilly" Vương, 42 tuổi từng là thợ vẽ móng tay luôn được những khách hàng của cô hỏi về ẩm thực Việt Nam.
 
"Những khách hàng đến cửa hàng vẽ móng tay của tôi đều hỏi tôi có bao giờ vlàm những món ăn của Việt Nam làm cho cư dân ở Bờ Tây hay không. Họ rất quan tâm đến ẩm thực Việt Nam và muốn thưởng thức chúng", cô Trinh chia sẻ. Cafe Lilly phục vụ những món ăn truyền thống của Việt Nam cũng như một số món ăn của người dân bản địa.

Một trong những nhà hàng của người Việt Nam tạo được dấu ấn trong lòng thực khách Mỹ đó là Phố Nối Việt. Trước khi mở nhà hàng này, Kim và Vinh Vũ thử bán những món ăn Việt Nam từ năm 2010 khi cô giúp bạn nấu ăn tại Ông hoàng Phở tại Lost Love Lounge.

Từ những kinh nghiệm làm việc tại đó, Kim và chồng chung tay vào công việc kinh doanh nhà hàng Phố Nối Việt. Ngoài công việc tại đây, Vinh còn là nhà phục chế đồ cổ và Kim làm thông dịch viên Việt Nam cho các tổ chức từ thiện Công giáo.

Nhiều công thức nấu ăn của Phố Nối Việt được truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình của hai vợ chồng. Nhà hàng của Kim nổi tiếng với món bánh mì xíu mại do chị gái của Kim làm.

TIN BÀI LIÊN QUAN
Nhật Anh (theo Nola)

Bình luận(0)