Trúng số mới biết lòng nhau
Những ngày đầu tháng 4/2015, Thẩm phán Ái Mỹ Nhung – công tác tại TAND Q. Cái Răng, TP Cần Thơ đang thụ lý vụ kiện liên quan đến “tình phí” đến từ hai người vốn dĩ từng là người tình của nhau nhưng đến khi có được một số tiền lớn trong tay thì tình cảm đổ vỡ, đường ai lấy đi.
“Phượng vốn quê ở Kiên Giang, sau khi chia tay đời chồng thứ nhất đã chuyển lên TP. Cần Thơ làm công nhân. Tháng ngày sống ở đây, Phượng ở cùng xóm trọ với Hòa. Người đàn ông này cũng từng trải qua một đời vợ. Như thấy hiểu nỗi khổ của nhau, cả hai nhanh chóng bén duyên, chuyển đến sống chung với nhau cùng một phòng trọ như hai vợ chồng” – chị Nhung kể.
|
Ảnh minh họa. |
Từ ngày sống chung với nhau, cả Phượng và Hòa đều coi nhau như vợ chồng mặc dù không làm giấy đăng ký kết hôn. Đặc biệt là Phượng, cô coi Hòa chính là ân nhân đã cứu sống mình ra khỏi cơn tuyệt vọng, đem lại cho mình niềm tin vào cuộc sống.
Từ ngày sống chung với Hòa, Phượng bỏ làm công nhân mà chuyển về gần nơi ở mở một cửa tiệm bán hàng tạp hóa.Còn Hòa ngày ngày đi làm, khi về tới nhà đã có Phượng chăm sóc chu đáo, cơm nước đầy đủ mà không phải phàn nàn lời nào.
Cho đến một ngày, niềm vui bất ngờ ập đến với Phượng và Hòa khi chị được người tình tặng cho 10.000 đồng để ra chợ mua tờ vé số, hy vọng may mắn sẽ mỉm cười với họ. Không ngờ, tờ vé số Phượng mua ngày hôm ấy lại trúng giải độc đắc có giải thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Tin tưởng Hòa, chị Phượng nhờ anh thay mình đứng ra làm thủ tục nhận giải. Ngày cả hai cùng đến đổi giải thưởng, chỉ có mình Hòa cầm tờ vé số vào trong lấy tiền còn Phượng đứng ngoài đợi.
Ngóng trông mãi cũng thấy dáng người tình bước ra, lúc này điều mà chị Phượng nhận được từ người tình không phải là nụ cười rạng rỡ mà lại là một lời nhiếc móc với đầy ẩn ý “tôi mà thèm đi với người xấu như cô à”.
Từ đó, mâu thuẫn liên tục diễn ra giữa hai người. Hòa thẳng thừng tuyên bố “mày coi lại mày đi, xấu thế sao tao theo”.
Biết không thể kéo dài thêm được mối quan hệ này nữa, kèm theo lỗi tức tội bị phản bội, chị Phượng đã đưa đơn kiện ra tòa đòi Hòa trả công cho những ngày chị chăm sóc anh như người vợ và đặc biệt là số tiền hơn 1 tỷ đồng từ việc trúng vé số phải được phân chia đều cho cả 2.
Người nước mắt, kẻ vui cười
Thẩm phán Ai Mỹ Nhung cho biết, trong đơn của chị Phượng có nêu rõ từ ngày về sống chung, hai người đã sắm sửa những vật dụng gì, rồi mình chăm sóc Hòa ra sao.
Từ đó, “tình phí” mà chị Nhung yêu cầu chỉ là được lấy lại những thứ mình đã sắm sửa còn tháng ngày nấu cơm, giặt quần áo… cho Hòa thì coi như là “mình đi làm từ thiện” nên không có yêu cầu gì. Ngoài ra số tiền trúng số phải được chia đều cho cả hai chứ một mình Hòa không được giữ hết.
Chị Nhung bảo: “Tự nhiên có một đống tiền rơi vào người, cứ tưởng cuộc sống sẽ bớt đi chút gánh lo âu, lòng người sẽ được thảnh thơi hơn nhưng thật sự không phải vậy. Từ ngày trúng số, chị Phương chưa có lấy một ngày cảm thấy yên bình trong lòng mặc dù bên ngoài người ta vẫn cho đó là một sự may mắn mà ai cũng mơ ước”.
Những buổi hòa giải không thành buộc TAND Q. Cái Răng phải đưa vụ việc ra xét xử để phân định trong thời gian tới. Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng về sự việc nhưng thẩm phán Ái Mỹ Nhung khẳng định:
“Chúng tôi đã thu thập đủ bằng chứng cũng như lời khai của các bên, nhân chứng. Pháp luật luôn công bằng với tất cả mọi người, ai có công như nào cũng sẽ được đền bù xứng đáng. Chúng tôi không chỉ xử lý đúng pháp luật mà chắc chắn còn phải cân nhân nhắc đến yếu tố tình cảm. Một người vong ân, bội nghĩa thì không thể được pháp luật bảo vệ”.