Treo cổ trâu chết hẳn... mổ lấy thịt

Google News

(Kiến Thức) - Cả làng từ già đến trẻ xúm kéo sợi dây thừng treo cổ trâu lơ lửng trên cây cho đến khi trâu chết hẳn mới chặt dây thả xuống, mổ lấy thịt.

Đầu năm trâu trắng, cuối năm trâu đen
Hằng năm, vào ngày mão đầu năm (sau này mồng 4 âm lịch) và ngày mão bất kỳ của tháng 9 âm lịch, người dân xã Đông Cuông và các vùng lân cận lại tập trung đến đền Đông Cuông để tổ chức lễ hội treo cổ trâu truyền thống.
Ngôi đền tọa lạc tại một khu đất bằng phẳng bên bờ sông Hồng, thờ Thánh Mẫu thượng ngàn. Từ nhiều đời nay, người dân nơi đây thường kéo đến ngôi đền này để treo cổ trâu nhưng không ai biết về lịch sử phong tục kỳ lạ này có từ thời nào.
Theo thông lệ, cứ vào ngày mão bất kỳ của đầu năm mới, người dân phải đem đến đền Đông Cuông một con trâu trắng, tiếp đó họ dùng những sợi dây thừng dài buộc cổ trâu cột vào một cành cây to. Đến khi khai hội, cả làng từ già đến trẻ xúm lại kéo sợi dây thừng treo cổ trâu lơ lửng trên cây cho đến khi trâu chết hẳn mới chặt dây thả xuống.
Đầu năm treo cổ trâu trắng. 
Theo các bậc lão làng ở Đông Cuông thì đầu năm treo cổ trâu trắng là việc bắt buộc. Không những thế, khi dâng thịt trâu lên Thánh Mẫu thì mâm cỗ phải đủ 5 khoanh thịt, ở giữa là lòng, sau đó các lớp thịt thăn, cổ, mông, da. Khoanh thịt được bày trên những chiếc lá chuối, cùng với mâm xôi hình bán nguyệt.
Đến ngày mão của tháng 9 âm lịch, người dân Đông Cuông lại tổ chức lễ hội một lần nữa. Đây là thời điểm sau vụ thu hoạch, người dân được cơm no áo ấm, họ tổ chức lễ hội để tạ ơn Thánh Mẫu đã phù trợ để mùa vụ bội thu, ruộng đồng tươi tốt. Thời gian này, người dân sẽ đem một con trâu đen đến đền Đông Cuông rồi cả làng cùng nhau treo cổ trâu như lễ hội đầu năm. Tuy nhiên, có điều khác so với cỗ cúng đầu năm đó là mâm cỗ thịt trâu ngày cuối năm không phải là hình bán nguyệt mà phải tròn trịa, đủ đầy.
Ông Nguyễn Đức Hưng, chuyên viên Phòng Văn hóa huyện Văn Yên cho biết: "Trước đây, lễ treo cổ trâu quy định chỉ có 12 trai chay (trai chưa vợ) mới được kéo cổ trâu. Những thanh niên này là thành viên ưu tú của các làng lân cận, được tuyển vào đội treo cổ trâu. Khi trâu chết thì mặt nó phải hướng vào đền, thể hiện sự may mắn, nếu không thì năm đó mùa vụ sẽ khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay phong tục trai chay treo cổ trâu không còn nữa, đêm diễn ra lễ hội, người dân từ già đến trẻ ai cũng có thể kéo dây treo cổ trâu, tạo nên không khí phấn chấn, vui vẻ".
 Cuối năm treo cổ trâu đen. 
Một cách giết mổ gia súc cổ xưa
Lý giải về việc cúng trâu trắng đầu năm, ông Lê Văn Bửu, một người dân ở xã Đông Cuông cho biết: "Đầu năm là thời gian mà người dân Đông Cuông chuẩn bị bước vào vụ mới, trong nhà chưa no đủ, chưa có cỗ vật đuề huề, vì thế, chúng tôi cúng trâu trắng. Trâu trắng tượng trưng cho sự khởi đầu, manh nha, trong trắng. 
Không những thế, mâm cỗ cúng đầu năm cũng khuyết một nửa, bởi người dân đang chuẩn bị cho vụ mới nên cỗ không đủ đầy, phải làm cỗ và cúng trâu trắng như vậy để Thánh Mẫu khai ân, phù hộ cho mùa vụ bội thu. Đến cuối năm là thời điểm sau vụ thu hoạch, người dân có nhiều lúa, ngô nên cỗ cúng cuối năm phải tròn trịa như trăng rằm, tượng trưng cho sự no đủ. Khi treo cổ trâu cuối năm thì phải dùng trâu đen chứ không được dùng trâu trắng, bởi trâu đen là biểu tượng của sự no đủ...".
Là một người có nhiều năm nghiên cứu về lễ hội đền Đông Cuông, ông Nguyễn Đức Hưng tiết lộ: "Trong quan niệm của người dân Văn Yên nói riêng và người dân tộc thiểu số ở miền Tây Bắc nói chung, trâu đen quí hơn trâu trắng. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã cho rằng, trâu trắng thường có sức khoẻ yếu hơn trâu đen, cho nên không cày, bừa được nhiều như trâu đen. Trong khi đó, thịt trâu trắng lại hoi hơn thịt trâu đen, cho nên nhiều người không thích nuôi trâu trắng. 
Tuy nhiên, trong lễ hội đầu năm ở đền Đông Cuông không thể thiếu trâu trắng bởi nó là biểu tượng cho tấm lòng thành kính của người dân dâng lên Thánh Mẫu. Vì là bữa tiệc đầu năm, dân còn thiếu thốn nên chưa thể cúng trâu đen, cỗ đầy. Còn trong lễ hội cuối năm phải cúng trâu đen là vì trâu đen thịt ngon hơn trâu trắng, là thứ ngọt ngào nhất mà người dân thu hoạch được sau một năm làm việc vất vả. Việc làm này như một sự trả ơn, vì trước đó Thánh Mẫu đã phù hộ cho nhân dân có mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển".
 Một con trâu đen được người dân kéo cổ lên gốc cây cho đến lúc chết.
Cũng theo ông Hưng thì lễ hội treo cổ trâu ở đền Đông Cuông chính là phương pháp giết mổ gia súc khác lạ của người Việt cổ. Bởi vì thịt của một số loại gia súc như trâu, bò, dê... thường rất hoi, nếu như không biết xử lý thì thịt sẽ không ngon. Chính vì thế mà người dân nghĩ ra cách treo cổ trâu để nó toát mồ hôi và thịt trâu sẽ không hoi nữa. Cách thức giết mổ tương tự này cũng diễn ra với dê và bò. 
Việc treo cổ trâu chính là kỹ thuật giết mổ thô sơ của cư dân Văn Yên trước đây. Bởi đây là cách làm cho con vật chết nhanh nhất mà lại không gây nguy hiểm với những người xung quanh. Thường thì việc giết mổ đại gia súc chỉ diễn ra mỗi năm từ 1 - 2 lần, cho nên nó thu hút được nhiều người đến xem, rồi dần dần được nghi lễ hóa trong lễ hội đền Đông Cuông.
"Mỗi năm, lễ hội treo cổ trâu ở đền Đông Cuông thu hút hàng chục ngàn du khách từ khắp nơi trên cả nước đổ về xem. Đây cũng được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Yên Bái diễn ra hằng năm".
Ông Nguyễn Đức Hưng
Quách Dương

Bình luận(0)