Nhưng cuộc sống nghìn đời nay của người dân dưới đỉnh Phu Xai Lai Leng vẫn thế, cái nghèo đói và lạc hậu vẫn ám ảnh bản làng dưới lớp sương mù.
Đỉnh "mắt thần"
Phu Xai Lai Leng được đánh giá là ngọn núi cao nhất Nghệ An và vượt qua tất cả các đỉnh núi khác của hệ Trường Sơn. Theo ghi chép của các nhà địa lý, đỉnh Phu Xai Lai Leng có độ cao 2.711m so với mực nước biển. Dãy núi kéo dài từ phía Tây Bắc Nghệ An giáp ranh biên giới nước Lào kéo tới tận đỉnh Hồng Lĩnh của Hà Tĩnh.
Dãy Phu Xai Lai Leng đồ sộ như một bức trường thành hùng vĩ, đỉnh "mắt thần" thuộc địa phận xã Na Ngoi của huyện Kỳ Sơn. Ông Lầu Và Chồng, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi tự hào cho biết: "Phu Xai Lai Leng là đỉnh núi thần thiêng liêng nhất của người Thái miền Tây Nghệ An. Trong tiếng Thái, Phu Xai Lai Leng có nghĩa là "lang thang đi đâu cũng thấy". Người Thái chúng tôi dù sang Lào hay vào rừng lấy củi cũng đều nhìn thấy "mắt thần". Từ xa xưa, đỉnh Phu Xai Lai Leng là "đèn trời" để soi cho dân bản biết đường đi lối về".
Quả thật, khi chúng tôi vượt núi đến huyện Tương Dương, tức là cách dãy Phu Xai Lai Leng hơn một trăm cây số nhưng đã thấy một đỉnh núi cao chót vót ở chân trời phía Tây. Theo ông Lầu Và Chồng, phía bên kia dãy núi là huyện Mường Mộc của tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Từ xưa tới nay, cả người Lào và người Việt chưa có ai đủ sức để khám phá hết dãy núi huyền bí này.
Trong trí nhớ của ông Chồng, không biết bao nhiêu dân bản dưới đỉnh Phu Xai Lai Leng đã mất mạng vì rừng thiêng nước độc. "Ngày trước hổ báo ở dãy núi thần này nhiều vô kể, chúng gầm hú đến rợn người và rất dữ dằn khi vào tận nhà dân bắt trâu bò. Nhưng dãy núi cũng là bức trường thành bảo vệ dân làng trước sự hoành hành của bọn thổ phỉ", ông Chồng cho hay.
|
Dãy Phu Xai Lai Leng chìm trong mây trắng. |
Người đàn ông "chăn rắn"
Theo Bách khoa toàn thư mở, Phu Xai Lai Leng ở Việt Nam gọi là đỉnh Pulaileng, là một ngọn núi trên dãy Trường Sơn Bắc. Ngọn núi có đỉnh cao trên 2.700m và nằm trên biên giới giữa Việt Nam - Lào. Đây là một trong những đỉnh cao vượt trội tại Đông Nam Á. Núi có cấu tạo granit xuyên lên trầm tích cổ sinh hạ.
Đỉnh Phu Xai Lai Leng chứa đựng nhiều bí ẩn nên cuộc sống của dân bản cũng không ít những bất ngờ thú vị. Có một người đàn ông trung tuổi sống ở lưng chừng dãy núi với thứ nghề độc nhất vô nhị, nghề "chăn rắn". Hôm chúng tôi có mặt ở xã Na Ngoi, rất may mắn gặp được người đàn ông này đang "dắt" một con rắn hổ mang đi dạo.
Ở Na Ngoi, không ai biết người đó tên gì, cũng chẳng biết địa chỉ thật của ông. Ông cũng không biết tiếng Kinh, không biết tiếng Thái nên người ta cho rằng ông là người Khơ Mú sống trên đỉnh Phu Xai Lai Leng từ rất lâu rồi. Họ bảo, truyền đời nhà ông sống bằng nghề săn bắt hái lượm như người rừng. Khi nào hạ sơn, ông cũng đem theo một con rắn hổ mang.
Người dân địa phương cho hay, người "chăn rắn" có thể nói chuyện với rắn như một người bạn. Mỗi lần xuống núi, ông đều mua các loại nhu yếu phẩm cần thiết đưa lên núi. Sau dăm bữa nửa tháng, người ta lại thấy ông lang thang trên đường với con rắn hổ mang.
Theo ông Lầu Và Chồng, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi: "Người bản địa sống chung với núi rừng nên cũng hình thành những thợ săn thiện nghệ. Người chuyên săn hổ, có người săn rắn, lại có những người nói chuyện được với muông thú trong rừng. Tập tục sinh sống của bà con ở đây vẫn rất cổ xưa và chủ yếu sống dựa vào núi rừng".
|
Người "chăn rắn" đầy bí ẩn. |
Những cái nhất đáng buồn
Đỉnh Phu Xai Lai Leng hùng vĩ kia quanh năm được bao phủ một lớp sương mù dày đặc, những ngôi nhà gỗ nhỏ tin hin cũ mốc bên lề đường đất lầy lội càng làm cho một vùng viễn sơn nghèo trở nên tiêu điều hơn. Theo ông Lầu Và Chồng, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, cả xã có 825 hộ dân với ba dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú sinh sống.
Xã có 19 bản thì tất thảy đều là bản nghèo, nhưng kiệt quệ nhất phải kể đến bản Huổi Thung của người Khơ Mú. Cái nghèo, cái đói và sự lạc hậu hoành hành ở những bản làng biên giới khiến chính quyền phải đau đầu. Đỉnh Phu Xai Lai Leng kia có 12 bản ngự dưới chân núi thì tất cả đều nghèo giống nhau.
Một thống kê mà ít người biết tới đó là Kỳ Sơn là huyện nghèo nhất của tỉnh Nghệ An và thuộc tốp một trong những huyện nghèo nhất của nước ta. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã Na Ngoi chiếm 80% và là một trong những xã nghèo nhất của huyện Kỳ Sơn. Cứ theo tính toán của ông Lầu Và Chồng thì Na Ngoi thuộc nhóm địa phương nghèo nhất cả nước.
|
Đường vào Na Ngoi. |
Một khi cái đói, cái nghèo còn ngự trị thì tất nhiên cuộc sống người dân vô cùng kham khổ. Nhiều em nhỏ không được đến trường, không biết cái chữ. Cũng có nhiều lý do khiến các em thất học, do nhà xa, do nhận thức của cha mẹ và thậm chí còn do quan niệm sống với rừng của người địa phương. Nhưng tựu chung tất cả đều do cái nghèo mà ra, họ lo cái ăn qua ngày còn khó huống chi đến chuyện học hành.
Ông Lầu Và Chồng bảo: "Chính quyền địa phương năm lần bảy lượt đến từng hộ dân vận động kế hoạch hoá gia đình, cho con em đến trường học lấy cái chữ nhưng được một thời gian thì đâu lại vào đó, chẳng chuyển biến được gì. Cũng phải thông cảm cho địa phương, đường đi lối lại quá khó khăn, dân trí quá thấp, tập tục thì lạc hậu nên cái nghèo chắc còn ở lại cái xã này dài dài".
"Dãy Phu Xai Lai Leng chạy dài 20 cây số trên địa bàn xã Na Ngoi. Từ xưa, người dân có tập tục bám lấy chân núi mà sống bằng săn bắt hái lượm nên cuộc sống luôn phụ thuộc vào thiên nhiên. Tuy nghèo, nhưng người dân ở đây sống rất trường thọ, ít bệnh tật và đoàn kết".
Ông Lầu Và Chồng (Chủ tịch UBND xã Na Ngoi)