Thế rồi, cuộc chiến tiễu phỉ dọc biên giới mang số hiệu KT02 đã quét sạch bóng dáng toán cướp nơi biên thuỳ.
Bố Tu kể chuyện
Xã Nậm Càn là một trong những xã biên giới xa xôi nhất của huyện Kỳ Sơn giáp tỉnh Bo-ri-kham-xay của nước bạn Lào, địa hình xã biên giới Nậm Càn vô cùng phức tạp với dãy núi cao nhất Nghệ An là Pu Lai Leng như một bức tường thành đồ sộ, bên này là Việt Nam, bên kia là Lào. Dãy núi này cũng là địa bàn hoạt động của bọn phỉ ở biên giới, cho nên để tiễu phỉ thành công thì phải có nhưng người am tường địa hình và leo đồi, trèo núi thật giỏi.
Bố Tu chính là một trong số đó, thời những năm 2000 khi bọn phỉ manh động tràn vào Nậm Càn thì Bố Tu đang là chủ tịch xã. Mọi hoạt động của toán cướp tàn độc này đều không qua nổi mắt Bố Tu. Ông cho hay: "Bọn phỉ vượt qua dãy Pu Lai Leng vào Nậm Càn để làm những việc phi nghĩa".
|
Ngã ba Nậm Càn - nơi bọn phỉ từng hoành hành. |
Bố Tu cũng cho hay, ở Nậm Càn có khoảng trên dưới 40 người có quan hệ với bọn phỉ. Đó chủ yếu là những người đi vào rừng tìm trầm, qua quen biết rồi hợp tác cung cấp lương thực cho nhau. Vì thế, bọn phỉ ngang nhiên ra vào vùng biên giới mà không sợ bị bắt.
Bọn phỉ hình thành những đường dây trao đổi mua bán hàng hoá với người Việt Nam. Khi tìm được trầm, bọn phỉ sẽ xuyên biên giới vào Nậm Càn để tìm người tiêu thụ. Ở Nậm Càn cũng có một nhóm thanh niên dân tộc Mông thân thiết với nhóm phỉ, chúng có súng đạn và sẵn sáng đánh trả nếu bị chính quyền địa phương vây bắt.
Chính Bố Tu cũng không ít lần tham gia vây bắt lũ phỉ. Ông nghẹn giọng khi nhớ về người đồng chí của mình là Và Tồng Khư, Đội trưởng dân quân xã Nậm Càn trong khi tiễu phỉ ở biên giới đã hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 30. Khư là một trong những chiến sĩ trẻ người Mông rất thân thiết với bà con miền biên viễn. Vì thế, cái chết của Khư đã dấy lên sự uất hận của người dân địa phương, kể cả những người có quan hệ với bọn phỉ. Một chiến dịch bí mật được tiến hành nhằm tiêu diệt bóng dáng toán cướp vùng biên.
|
Một số tướng phỉ bị bắt khi xâm nhập biên giới. |
Tiễu phỉ trong đêm tối
Đồn Biên phòng 547 đóng tại xã Nậm Càn được người dân rất tin tưởng, đồn cũng quy tụ nhiều tay súng và "cây võ thuật" tài ba. Nhiều năm liền các chiến sĩ của đồn đã truy kích bắt được tướng phỉ. Vì vậy, đồn 547 còn được người bản địa gọi là "Binh đoàn tiễu phỉ".
Chiến dịch tiễu phỉ mang số hiệu KT02 được thành lập vào giữa năm 2004 thì khoảng đầu tháng 9/2004 trung tá Đào Văn Tường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 547 đóng tại xã Nậm Càn đã điện gấp về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An khi trinh sát phát hiện bọn phỉ từ vùng rừng huyện Mường Noọc (Lào) sẽ tổ chức một nhóm gồm 12 tên để xâm phạm qua biên giới Việt Nam để móc nối đường dây vận chuyển lương thực, thực phẩm.
Tuy nhiên, bọn phỉ đột nhiên thay đổi kế hoạch sớm hơn dự kiến. Vào đêm 8/9, các trinh sát báo tin về đồn, các chiến sĩ với sự phân công chia làm hai cánh nhằm "kẹp chặt" nhóm phỉ. Đồn trưởng Đào Văn Tường cũng một số chiến sĩ phục binh tại chân cao điểm 1057 giáp ranh giữa núi Cồ và suối Nậm Càn. Cánh quân thứ hai phục ở bìa rừng phía bản Lưu Phong do đại uý Bùi Đại, Đồn phó chỉ huy.
|
Tang vật thu giữ của bọn phỉ. |
Đêm biên thuỳ tối đen như mực, gió thổi ù ù qua những ngọn cây bên sườn núi. Trời đổ mưa, vắt nhảy tanh tách qua những đọn cỏ. Các trinh sát vẫn kiên nhẫn nằm phục trong những lùm gai rừng mặc cho cơ thể đang tứa máu. Phía dưới sườn núi, 3 bóng đen lầm lũi bò sát đến bản Nậm Càn, 7 tên phỉ còn lại vào bản Lưu Phong theo chiến thuật "mũi nhọn - đuôi dài".
Đúng 0 giờ đêm 11/9 ba tên từ bản Nậm Càn gùi gạo qua suối thì bị các trinh sát bao vây. Cả ba tên lao xuống vực sâu hòng thoát thân, các chiến sĩ lao theo vật lộn nửa tiếng mới "khoá tay" được hai tên. Một trong hai tên bị bắt là Lầu Nhia Lồng - một thủ lĩnh khét tiếng của toán phỉ trong rừng Mường Noọc (Lào).
Nhóm trinh sát phục ở bản Lưu Phong cũng bắt được một số tên phỉ cộm cán. Trong khi giằng co, những tên phỉ liều chết bắn súng loạn xạ rồi lại đâm dao tứ tung. Những tên thoát thân chạy về phía Lào thì bị cả hai "gọng kìm" của Đồn Biên phòng 547 truy kích bắt được toàn bộ.
|
Các chiến sĩ biên phòng Đồn 547 tuần tra mốc biên giới. |
Yên bình trở lại vùng biên
Sau chiến dịch KT02, Nậm Càn sạch trắng bóng phỉ. Người dân địa phương thuộc 7 bản của Nậm Càn lại được xuống chợ mua bán mà không sợ bị cướp, không sợ có tiếng súng nổ. Giờ đây, ở ngã ba Nậm Càn đã có một vài quán xá mới mở, dù còn thưa thớt nhưng với xã vùng biên như Nậm Càn thì điều ấy thực sự là một niềm vui.
Ông Lầu Tồng Pó, Chủ tịch UBND xã Nậm Càn cho hay: "Hiện, cả xã có 340 hộ với 2 nghìn nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Mông. Đời sống còn quá nhiều khó khăn nhưng vùng biên giới đã yên bình nên ai cũng vui và yên tâm sản xuất".
Đồn Biên phòng 547 - binh đoàn tiễu phỉ vẫn còn đó, các chiến sĩ vẫn hằng ngày tuần tra biên giới rất nghiêm ngặt. Trung tá Phạm Hữu Hà, Đồn trưởng cho hay: "Tuy bọn phỉ đã bị bắt và bị tiêu diệt nhưng chúng tôi luôn cảnh giác. Bởi vì, phía bên kia biên giới vẫn còn những toán phỉ ẩn núp trong các bản làng".
- "Trong cuộc chiến tiễu phỉ, đồn biên phòng của chúng tôi đã mất một đồng chí là anh Nguyễn Cảnh Dần sinh năm 1974 quê huyện Thanh Chương. Hiện tại, phía bên kia tại cụm Mường Ngạt tình trạng trồng thuốc phiện vẫn xảy ra, chúng sử dụng súng và hoạt động rất tinh vi nên các chiến sĩ trong đồn luôn phải cảnh giác để nắm bắt tình hình".
Trung tá Phạm Hữu Hà (Đồn trưởng Đồn Biên phòng 547)
- "Xã Nậm Càn ngày trước còn được mệnh danh là thủ phủ của phỉ. Phỉ rất nhiều, chúng rất tàn độc nên ai cũng phải sợ. Chúng ngang nhiên xâm phạm biên giới vào Nậm Càn gây ra nhiều vụ án. Giờ đây, người dân Nậm Càn luôn truyền cho nhau những câu chuyện về sự hi sinh của các chiến sĩ bộ đội biên phòng trước hiểm nguy vùng biên giới". Ông Lầu Tồng Pó (Chủ tịch UBND xã Nậm Càn)