"Tôi được chồng tiếp sức mạnh"
Những người dân sống cạnh nhà chị Vang cứ trầm trồ rằng: "Gia đình nhà họ thật hạnh phúc, gần chục năm rồi mà chưa thấy họ nặng lời với nhau. Vợ chồng hễ đi làm thì không sao nhưng về nhà một cái là quấn quýt như hồi mới tán nhau".
Khi vào nhà chị Vang chúng tôi mới cảm nhận được hết những lời khen ngợi mà làng xóm dành cho đôi vợ chồng "ba mắt" qua những cử chỉ, ánh nhìn đầy tràn đầy yêu thương.
Nghe tiếng bước chân lạ, chị Vang lọc tọc chạy ra cổng chào hỏi rồi đón khách vào nhà mời nước, anh Triệu Chí Tiền thấy vợ vội vã đi ra liền nhắc: "Đi từ từ thôi kẻo ngã". Chị Vang lấy khuỷu tay huých nhẹ vào mạng sườn anh thanh minh: "Kệ! Đi mãi quen rồi". Anh Tiền vội phân trần với chúng tôi: "Nhà tôi bị mù từ ngày còn bé nên hễ đưa bước chân đi là tôi lại thấy lo lo".
Chúng tôi vào nhà, chị Vang lại thoăn thoắt đi sang phía cửa sổ lấy hộp chè khô sang bàn rồi cầm phích nước nóng pha chè mời khách. Anh bạn đồng nghiệp hỏi: "Làm cách nào mà chị có thể lấy hộp chè mà không cần phải dò dẫm như nhiều người khác?". Chị bảo: "Tôi quen từng cái kim sợi chỉ, ngóc ngách trong nhà cho tới từng hàng cây bờ dậu, cả đường đi trong xã, huyện".
Nhấp ngụm trà nóng, chị Vang kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Chị mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi lên sáu, bảy tuổi. Sau đám tang cha, mẹ, đôi mắt của chị mờ đi nhanh chóng rồi mù hẳn. Chị sang ở với ông bà nội, sau đó ông, bà đưa chị xuống Hà Nội định cư và tìm thầy thuốc chữa bệnh. Sau hơn 10 năm chạy chữa nhưng vẫn không khỏi chị lại chuyển về quê hương Định Hóa sinh sống. Rồi sau trong làng có người thanh niên trẻ tên Triệu Chí Tiền đem lòng yêu thương chị và ngỏ ý muốn kết duyên vợ chồng.
Tuy nhiên, chuyện yêu đương giữa hai người bị gia đình nhà trai ngăn cấm chỉ vì lí do chị Vang bị mù lòa sẽ không chăm sóc được gia đình. Thế nhưng, tình yêu mãnh liệt của anh chị đã vượt qua tất cả. Sau nhiều lần căng thẳng cuối cùng bố mẹ anh cũng đồng ý đem trầu cau đi hỏi vợ cho con trai.
Chị Vang phân trần: "Hồi còn trẻ tôi rất tự ti vì bản thân, nhưng anh Tiền đã làm động lực giúp tôi vươn lên. Lúc bố mẹ anh ấy bảo tôi sẽ không làm tròn thiên chức người vợ vì mù khiến lòng tôi tan nát, tôi thầm hứa là sẽ cố gắng hết sức mình để lo cho chồng, con. Từ đó, cứ mỗi khi dò dẫm đi chợ, đi hái rau, cuốc ruộng vườn... tôi lại nghĩ đến trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, nghĩ đến anh Tiền nên lại có thêm động lực để phấn đấu".
|
Vợ chồng chị Vang sống hạnh phúc bên nhau. |
Mù vẫn làm kinh tế
Chị Vang kể lại: Năm 2005, trước khi anh Tiền đi bộ đội, anh với chị đã có với nhau một đứa con, một mình chị ở nhà phải lo trăm công nghìn việc vừa chăm sóc con cái lại vừa chăm sóc ruộng vườn... Những việc này đối với người bình thường đã khó, đằng này chị lại bị mù cả hai mắt.
Để có tiền, gạo thóc nuôi con, chị Vang đã nghĩ ra cách nấu rượu bán cho các cửa hàng trong huyện Định Hóa, mỗi ngày chị nấu vài nồi rượu rồi gánh ra chợ huyện cách nhà khoảng 6km bán. Ban đầu việc đi lại chưa quen nên rất khó khăn, khi quen dần chị đi thoăn thoắt như người thường, một tay giữ đòn gánh còn một tay lấy gậy dò đường...
Khi việc nấu rượu thành thục, chị Vang lại tiếp tục nuôi lợn để tận dụng bỗng rượu dư thừa, không ngờ công việc này lại đem lại lợi nhuận rất cao, sau mỗi lứa lợn chị lại có trong tay 4 - 5 triệu đồng...
Chị Vang tiết lộ: "Tôi rất thính nhạy với sự việc xung quanh, khi rượu sôi thì nghe tiếng lục bục ở trong nồi... khi đi chợ thì nghe tiếng bước chân trước mặt là biết có người hay không".
Chia tay gia đình nhỏ của họ, tôi thấy mừng vì tình yêu thương đã giúp anh chị vượt lên khó khăn, xây dựng được gia đình ổn định về kinh tế và hạnh phúc nhường này.
ĐANG ĐỌC NHIỀU