Cứ đến dịp tiết Thanh minh, nghĩa trang Phi Liệt (xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) lại đông đúc hẳn lên.
|
Những người làm “nghề” chăm sóc mộ phần tại nghĩa trang Phi Liệt.
|
Đều đặn, dịp tiết Thanh minh nào cũng vậy, cứ tầm khoảng 7h sáng, chị Trần Thị Thủy (54 tuổi, ở thôn Phi Liệt, xã Lại Xuân) lại bắt đầu công việc một ngày mới của mình tại nghĩa trang Phi Liệt. Cùng với mấy chị em khác, công việc của chị là lau dọn, chăm chút cho mộ phần những người đã khuất theo yêu cầu của gia chủ. Đồ nghề của chị gói gọn chỉ một chiếc khăn, xô, can đựng nước và một cái chổi. Đến từng ngôi mộ được thuê lau dọn, chị tỉ mẩn dùng khăn lau từ trên ban thờ cho đến chân mộ, chỉ khi ngôi mộ sạch bóng chị mới chuyển sang ngôi mộ mới.
Theo chị Thủy, tính sơ sơ những ngày này cả nghĩa trang cũng có gần hai chục người làm công việc như chị, chủ yếu là phụ nữ tranh thủ làm thêm. “Vào những ngày lễ, tết, đặc biệt là vào dịp Thanh Minh, có rất đông người thuê làm, nhà lại gần đây nên tôi cũng đi làm để kiếm thêm chút ít thu nhập. Công việc chính là quét dọn, cắt cỏ dại xung quanh và lau rửa những ngôi mộ cho gọn gàng, sạch sẽ…”, chị Thủy chia sẻ.
Cách khu mộ chị Thủy chăm nom chừng hơn trăm mét, chị Nguyễn Thị Liên cũng đang nhanh nhẹn lau dọn những phần mộ mà mình đã nhận. Không có nghề nghiệp ổn định, chị Liên từng đi làm phụ hồ cho cánh thợ xây nhưng cũng tranh thủ mấy ngày thanh minh làm thêm công việc này. Chị Liên cho hay, tiền công cho mỗi lần dọn dẹp như vậy được trả 20.000 đồng. Những người khéo tay còn được thuê làm những việc cầu kỳ hơn như quét vôi hay vẽ sơn lại chữ trên bia mộ thì được trả cao hơn một chút, từ 50.000-100.000 đồng. Nếu chịu khó đi từ sớm chào mời khách thì mỗi ngày cũng kiếm được đôi ba trăm nghìn. Đối với chị Liên đó là một khoản thu nhập không hề nhỏ. “Lúc đầu là dẫn đi tìm mộ. Sau đó, hỏi xem gia chủ có nhu cầu lau dọn hay không? Mỗi lần như vậy, có người được vài chục, một trăm. Làm “nghề” tâm linh là vậy. Gia chủ đưa bao nhiêu, mình biết bấy nhiêu”, chị tâm sự.
Mặc dù công việc không quá vất vả, song với những người làm “nghề phục vụ… người chết” như chị Liên, chị Thủy…, họ luôn tâm niệm đã làm thì phải luôn thành kính, cẩn thận và chu đáo chứ không được phép cẩu thả, qua loa. Như chị Vân, quê ở xã Kỳ Sơn, một người cùng làm nghề chia sẻ, nhiều người kiêng kị vì cho rằng làm ở nghĩa trang tiếp xúc rất nhiều ngôi mộ “âm khí”, thấy sờ sợ, còn chị đã làm vì tâm linh thì phải tậm tâm để không day dứt khi cầm đồng tiền của người thuê mình.
“Quan trọng nhất là mình thành kính khi làm việc thì không có gì đáng ngại.Còn chị Thủy, hơn 11h trưa vẫn đang chắt những giọt nước cuối cùng để lau rửa ngôi mộ. Cái nắng mới không gay gắt nhưng cũng đủ làm chị thấm mệt: “Làm sạch một ngôi mộ phải mất hơn nửa tiếng. Từ sáng tới giờ tôi mới làm xong 5 cái. Bây giờ, làm cố thêm cái này rồi về”, gạt chiếc khăn che mặt ướt đẫm, chị Thủy cười hiền rồi cúi xuống lau rửa mộ phần tiếp.
“Nghĩa tử là nghĩa tận”, việc chôn cất và tảo mộ người đã khuất là một truyền thống thiêng liêng của người Việt.