"Thợ bốc mộ bất đắc dĩ"
Chúng tôi hỏi thăm đến nhà gặp ông Nếm, nhưng ông bận đi cải táng mộ cho một gia đình trên phường Quán Toan. Bà Hải vợ ông Nếm đưa cho tôi số điện thoại của ông và bảo: "Thường thường ông ấy đi bốc mộ cho người ta phải hai ngày mới về, các anh cứ gọi điện nếu ông ấy về được thì tốt". Theo hướng dẫn của bà Hải tôi nhấc máy lên gọi cho ông Nếm, đặt vấn đề muốn tìm hiểu công việc của ông. Nhưng ông nói công việc đang dở dang, chưa về luôn được. Ông hẹn chúng tôi tầm giữa trưa sẽ cố gắng thu xếp công việc để về.
Trong căn nhà nhỏ hẹp nằm gần khu nghĩa trang Cổ Ngựa (phường Đằng Lâm, TP Hải Phòng), ông Nếm niềm nở pha trà mời khách và kể về công việc của mình trong suốt gần 40 năm qua. Ông Nếm bảo, công việc bốc mộ cũng đến thật tình cờ. Bố ông Nếm mất chôn cất được hơn 3 năm, năm 1975 đến thời gian để bốc mộ, lấy hài cốt sang tiểu. Ông Nếm cùng người thân tìm người bốc mộ cả tháng mới được. Nhưng chiều hôm trước khi bốc mộ (thường bốc mộ vào đầu sáng hôm sau), người thợ đó không may bị ốm, mấy anh em ông Nếm cuống cuồng tìm người khác thay thế, nhưng trong một khoảng thời gian ngắn mọi người không thể tìm được ai.
"Thời gian ngày giờ đã định sẵn để bốc mộ cho bố tôi, nhưng chỉ vì lý do không có thợ bốc mộ mà phải dừng lại thì thật là có lỗi với người đã khuất. Chính vì thế, tôi bảo mấy anh em rằng tôi sẽ đích thân sang tiểu cho bố. Nói là làm, mọi người đào lấy quan tài lên tôi bình tĩnh nhặt từng chiếc xương trong quan tài, tỉ mẩn xếp vào tiểu", ông Nếm cho biết.
Ông Nếm bảo, lúc đầu ông cũng run lắm, ngửi thấy mùi hôi thối của xác chết miệng muốn nôn ọe, tay chân run cầm cập. Trước đây ông từng vài lần xem bốc mộ, nhưng ông rất sợ hãi, ông phải đứng xa để quan sát. Nhưng không hiểu vì sao, ông lại có thể can đảm để bốc mộ cho bố mình đến vậy. Sau lần bốc mộ bất đắc dĩ đó, nghiệp bốc mộ bám chặt vào cuộc đời ông.
|
Mưu sinh cuộc sống bằng nghề xe ôm. |
Bốc mộ không cần đồ bảo hộ
Gần 40 năm làm nghề bốc mộ, ông Nếm có mặt ở nhiều nghĩa trang, không chỉ ở Hải Phòng mà còn nhiều nơi khác. Nhiều người nhìn xác chết khi đào lên đã sợ, nhưng ông Nếm coi họ là người thân của mình và ông thấy lòng thoải mái khi được sang cát cho họ. "Ngôi mộ được đào lên, quan tài lật ra, tôi dùng tay không lấy hài cốt của người quá cố xếp vào tiểu, đến khẩu trang tôi cũng không cần đeo. Vì dùng các dụng cụ đó rất vướng, làm không nhanh. Tôi ngửi quen mùi xác chết nên thấy bình thường. Bốc mộ xong, tôi chỉ cần rửa tay nước lã là có thể vào bốc xôi ăn", ông Nếm kể.
Ông Nếm cho hay, nhiều khu nghĩa địa nước ngập sâu vào khu mộ, khi đào mộ lên nước đầy quan tài, ông dùng tay mò vào quan tài để nhặt xương. Cách đây hơn 3 năm về trước, trong một lần ông bốc mộ cho một gia đình (huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình) ông đi chân đất lội xuống hố quan tài do trời tối đã dẫm phải chiếc đinh ván quan tài. Chiếc đinh đâm vào giữa lòng bàn chân, máu ra nhiều, nhưng về nhà ông không rửa bất kỳ thuốc sát trùng nào.
Vài ngày sau, vết thương bị nhiễm trùng bung mủ, ông đau đớn quá mới sang nhờ anh bác sĩ bên nhà rạch vết thương lấy mủ và sát trùng. Người bác sĩ đó nói ông phải đến bệnh viện để chữa trị, bởi vết thương của ông rất dễ nhiễm vi trùng uốn ván. Nhưng khi đó, gia đình ông nghèo, không có tiền nhập viện. Ông Nếm về nhà để liều, thế rồi dần vết thương cũng liền da.
|
Công việc này đã gắn bó với ông Nếm gần 40 năm nay. |
Xẻ thịt người chết lấy xương
Ông Nếm đã chứng kiến nhiều gia đình đào mộ người thân lên để cải táng, nhưng xác vẫn còn nguyên. "Năm ngoái tôi bốc mộ ở nghĩa trang Đông Gián, TP Hải Phòng, có tới 4 người khi bốc lên vẫn còn nguyên xác, dù người thân đã chôn cất họ 4 năm. Họ cũng được chôn cất xuống đất, trong quan tài gỗ bình thường. Nhưng không hiểu sao thân thể họ vẫn còn nguyên vẹn", ông Nếm kể.
Theo ông Nếm những người mất, bốc mộ lên xác thịt không tiêu được thì không có loại thuốc nào có thể làm tan được, chỉ còn cách là dùng dao xẻ từng khối thịt, để lấy xương. Những trường hợp như thế, chỉ có một mình ông ngồi giữa trời đất để làm, con cháu người quá cố đều không dám nhìn. Đối với ông Nếm, đó là một trong phần việc nhỏ khi bốc mộ.
Với thâm niên gần 40 năm bốc mộ, ông Nếm cho rằng, những gia đình có người mất, thân xác không tiêu hủy được một phần liên quan đến tâm linh. Có thể là do vận phúc của gia đình đó. Vận phúc của gia đình nào không tốt, người thân mất khó tiêu hủy. Bởi có gia đình chôn cùng khoảnh đất, cùng loại quan tài, nhưng khi đào mộ lên, xác chết vẫn còn nguyên. Trong khi gia đình khác, thân xác người quá cố chỉ còn lại chút xương.
|
Ông Nếm đã cải táng cho hàng nghìn ngôi mộ. |
Làm phúc cho đời
Những tháng cuối năm là mùa vụ ông Nếm đi bốc mộ, ông nhiệt tình với công việc, bốc mộ cẩn thận nên được rất nhiều người mời làm. Có những tháng hầu như mỗi đêm ông chỉ ngủ được 1,2 tiếng đồng hồ. Bởi các gia đình đã định sẵn ngày giờ vào giữa đêm hoặc đầu sáng để bốc mộ, ông ít có thời gian nghỉ ngơi.
Ông Nếm bảo, làm công việc này để làm phúc cho đời thôi, tiền công chẳng được là bao. Thế nhưng ông chưa bao giờ đòi hỏi thù lao khi làm việc. "Gia đình nào đến nhờ tôi cũng đi bốc mộ, họ trả bao nhiêu thì mình nhận bấy nhiêu. Có gia đình nghèo quá, bốc mộ xong tôi chỉ ăn nắm xôi rồi đạp xe về. Có một lần duy nhất tôi được gia đình nhà ông Nghĩa (bên sân bay Cát Bi, TP Hải Phòng) bồi dưỡng cho 5 triệu đồng sau khi bốc mộ cho bố ông ấy", ông Nếm thật thà nói.
3 người con trai của ông Nếm thấy bố mình tâm huyết với công việc, ai nhờ cũng làm, thức khuya dậy sớm để làm, thấy ông vất vả, khuyên bảo mãi không xong, cuối cùng họ bỏ cả công việc đang làm để hỗ trợ ông bốc mộ. Ông Nếm cho biết: "Các cháu theo tôi làm từ năm 16, 17 tuổi. Giờ có gia đình riêng nhưng vẫn làm cùng tôi. Có nhiều công việc khác kiếm tiền dễ hơn, nhưng các cháu bảo, công việc bốc mộ đã ngấm vào máu. Giờ không thể rời xa nó được".
Ông Nguyễn Nếm cho hay: "Tuy nghề bốc mộ đã gắn bó với tôi gần 40 năm qua, nhưng đó không phải để kiếm sống mà để làm phúc cho đời. Nghề xe ôm, mới là công việc mưu sinh, kiếm sống hằng ngày của tôi. Mỗi ngày tôi chở được vài cuốc xe ôm, thu nhập được vài chục nghìn đồng, đủ tiền mua gạo về ăn uống trong ngày. Hiện nay gia đình tôi vẫn thuộc diện hộ nghèo của phường Đằng Lâm".
|
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU