Kỳ lạ chia vàng bạc, đồng đen cho… người chết

Google News

Để thể hiện lòng thương tiếc, đau xót, người sống liền chia cho người chết những tài sản quý như đồng đen, vàng bạc...

(Kienthuc.net.vn) - Khi trong nhà có người qua đời, để thể hiện lòng thương tiếc, đau xót, người sống liền chia cho người chết những tài sản quý như đồng đen, vàng bạc, ghè cổ… chôn xuống mộ.

Người Bana, Jarai cùng một số các dân tộc khác đang sinh sống ở Tây Nguyên quan niệm, khi qua đời, trở về với thế giới bên kia, người chết lại bắt đầu một cuộc sống mới, tiếp tục lao động, sản xuất, sinh sống như ở cõi trần. 

Anh Đinh Truyn, xã Kông Lơng Khơng, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai đang giới thiệu về nhà mồ cho phóng viên
Anh Đinh Truyn, xã Kông Lơng Khơng, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai đang giới thiệu về nhà mồ cho phóng viên

Với niềm tin đó, những gia đình có người chết đã chôn theo nhiều vật dụng từ các loại nông cụ đơn giản như liềm để cắt cỏ, cắt lúa; rìu và xà gạt để chặt cây, phát rừng làm rẫy; xà bách để làm cỏ hoặc khoả đất lấp hạt... đến những báu vật mà phần lớn chúng ta mới chỉ được nghe đồn đại chứ chưa bao giờ thấy như đồng đen, chén vàng, chén bạc, đồ trang sức bằng vàng, bạc, vật dụng bằng đồng đổi màu, gốm xứ cổ... Thậm chí, có những ngôi mộ của gia đình giàu có chôn cất các tài sản quý và nhiều đến nỗi ngày nay nếu quy ra tiền có thể lên đến hàng tỉ đồng.

Tùy vào hoàn cảnh mỗi gia đình giàu có hay nghèo khó mà đồ tùy táng cho người chết có sự khác nhau cả về chất và lượng. Nếu gia đình thuộc dạng giàu sang, quyền lực, có chức sắc trong buôn làng, vật dụng chôn theo cho người chết sẽ không thiếu được những đồ trang sức bằng vàng, đồ dùng bằng đồng, gốm xứ cổ, thậm chí là đồng đen, đá quý.

Mô tả ảnh.
Một khu nhà mồ của người Bana

Già làng H’Mưng, làng Mơ H’Ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai, cho biết: Với người Bana chết không có nghĩa là hết mà lại tiếp tục một cuộc sống mới ở thế giới bên kia. Chính vì vậy, gia đình nào cũng chôn theo rất nhiều của cải quý hiếm cho người chết để thể hiện lòng thương tiếc, và nhất là để khi về thế giới bên kia người chết sẽ được sống đầy đủ, sung sướng.

Quan tài dùng cho người chết trước đây thường là những loại gỗ đặc biệt quý hiếm như gỗ huỳnh đàn (gỗ sưa), giáng hương, cẩm lai... được khai thác ở những dãy núi cao chót vót phía đông dãy Trường Sơn. Họ để nguyên cả một khối gỗ lớn, có đường kính từ 1m - 1,5m, đục rỗng ruột rồi đưa người chết vào. Nhiều ngôi mộ trải qua hàng trăm năm, xương người đã mục nát nhưng áo quan đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Người chết sau khi được tắm gội sạch sẽ, trước giờ khâm liệm những thành viên trong gia đình có người chết sẽ thống nhất cho người chết những vật gì. Thông thường, vật cho người chết là những đồ dùng và trang sức có giá trị nhất trong khối tài sản của gia đình. Đó là những bát, chén bằng đồng, xoong, nồi đồng, vàng bạc, thậm chí là cả đồng đen cho đến những ghè rượu cổ trị giá bằng cả con trâu. 

Mô tả ảnh.
Những vật dụng được chia cho người chết

Những đồ quý là vật trang sức thường được đeo trực tiếp cho người chết nếu đó là phụ nữ. Nam giới thường chôn theo nhiều ghè rượu, đồ gốm cổ, dụng cụ lao động, săn bắn. Trên đầu quan tài, người ta thường đặt chén, bát, đồ đồng, dưới chân là những ghè gốm xứ cổ. Những vật không phải là đồ cổ, quý báu thường được để trên mặt đất hoặc gác trên nóc nhà mồ.

Đây là những tài sản đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ mà ngay chính những người lớn tuổi nhất trong gia đình cũng không hề hay biết xuất xứ của những đồ vật này. Khi chúng tôi tìm hỏi những bậc cao niên nhất trong làng Mơ H’Ra, họ chỉ biết lắc đầu trả lời “chịu thôi, cái đó từ xưa mà!... Không biết có từ khi nào nhưng buôn làng chúng tôi rất quý”.

Chính những vật dụng quý báu được chôn theo này ngày nay đã trở thành món hàng béo bở cho những kẻ xấu. Chúng đào tung mồ mả để trộm cổ vật và những đồ dùng có giá trị, thậm chí chỉ sau một đêm đi đào trộm mồ, nhiều kẻ đã thành tỉ phú nếu trúng quan tài là gỗ huỳnh đàn, đồ vật chôn theo bằng đồng đen, vàng, bạc hay các loại đồ cổ khác.

Mô tả ảnh.
Anh Đinh Truyn buồn bã khi nhiều vật dụng có giá trị tại nhà mồ của gia đình mình bị mất trộm.

Với người Jarai, Bana ở tỉnh Gia Lai, nhịp sống đương đại hôm nay đã tràn về khắp các buôn làng, nhiều giá trị văn hóa cũng đã được thay đổi cho kịp tiếp cận với nền văn minh mới. Thế nhưng, tục chia tài sản cho người chết trải qua hàng nghìn năm vẫn linh thiêng như thời khởi thủy và chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng đa thần của các dân tộc này.

Khắc Lịch

BÀI ĐỌC NHIỀU:

Hãi hùng đào tung quan tài... trộm đồ người chết Hãi hùng đào tung quan tài... trộm đồ người chết

Khốn khổ ở cạnh lão hàng xóm thích “khoe hàng“ Khốn khổ ở cạnh lão hàng xóm thích “khoe hàng“ Người Việt nuôi “chim sách đỏ” dễ hơn gà Người Việt nuôi “chim sách đỏ” dễ hơn gà

 

[links()] 

 

Bình luận(0)