Tự tử do vỡ nợ?
Liên quan đến việc bà Nguyễn Phong Thuận (SN 1972, trú tại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình), Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Lạc Sơn được phát hiện chết trong tình trạng treo cổ ngay tại nhà vào 22h ngày 26/6, trong khi các cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc bà Thuận tự tử thì dư luận địa phương xôn xao về việc bà Thuận từng vay nợ một số tiền lớn, trong thời gian bà giữ chức Phó phòng giáo dục huyện Lạc Sơn. Thời gian gần đây, bà Thuận liên tục bị các chủ nợ tìm đến đòi nợ, thậm chí họ đã gửi đơn lên các cấp chính quyền.
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, Phó trưởng Công an huyện Lạc Sơn, ông Bùi Đức Nhật thừa nhận, công an huyện Lạc Sơn cũng đã nhận được đơn của một số người gửi đến về vấn đề vay mượn tiền của bà Nguyễn Phong Thuận. “Công an huyện Lạc Sơn đã nhận được đơn về việc chị Thuận vay mượn tiền. Do đang điều tra nên số tiền chị ấy nợ chúng tôi chưa thể cung cấp. Không ngờ lại xảy ra sự việc đáng tiếc này", ông Nhật nói.
|
Căn nhà nơi bà Thuận treo cổ tự vẫn. |
Trưởng công an xã Tân Lập, ông Bùi Văn Lưu khẳng định: “Theo thông tin công an xã Tân Lập nắm được chị Thuận có góp vốn xây dựng công ty cổ phần nên vay tiền của rất nhiều người nhưng làm ăn thua lỗ. Có người thì nói chị ấy vay 10 tỷ, có người nói chị ấy nợ 20 tỷ, nhưng con số cụ thể thì chúng tôi không nắm rõ. Cách hôm chị Thuận tự tử lần thứ nhất, đã có đơn của một số người gửi lên chính quyền tố cáo chị Thuận lợi dụng chức quyền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác và mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra”.
Vị trưởng công an xã này cũng cho hay, trong quá trình sinh sống, bàThuận rất chan hòa, sống tình cảm với mọi người nên chưa để mất lòng ai. Gia đình bà có điều kiện kinh tế khá, hai vợ chồng có một con trai SN 1996. Chồng thì có công ty riêng, có ô tô, gia đình bà Thuận có hai nhà, một nhà sàn và một căn nhà 2 tầng. “Ở địa phương, gia đình chị Thuận được đánh giá là hạnh phúc. Bản thân chị ấy làm Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, kinh tế khá nên người dân rất ngưỡng mộ”, ông Lưu cho hay.
Ký quyết định thăng chức không biết nạn nhân vay mượn tiền?
Thời gian bà Nguyễn Phong Thuận mượn tiền tỷ của nhiều người cũng là lúc bà đang giữ chức vụ Phó phòng giáo dục huyện Lạc Sơn, trước khi được thăng chức lên Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện này. Việc này khiến dư luận băn khoăn cho rằng, việc ký quyết định cho bà Thuận lên làm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện này có vấn đề? Và dù đã có đơn gửi lên UBND huyện tố cáo bà Thuận “lợi dụng chức vụ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” của người khác mà bà Thuận vẫn không bị xử lý?
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, ông Bùi Văn Hành cho rằng, việc vay mượn của bà Thuận khi còn làm Phó phòng giáo dục huyện thì UBND huyện không hề hay biết bởi cả chị Thuận lẫn người cho vay đều không báo cáo, đến khi vỡ nợ thì người dân mới đưa đơn kiện.
“Ngày trước là chị Thuận là Phó phòng giáo dục, đến khi Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cũ nghỉ hưu thì bên huyện ủy mới tiến cử chị Thuận. Còn người ký quyết định chuyển công tác cho chị Thuận là bí thư huyện ủy, phía UBND huyện không có thẩm quyền”, ông Hành cho biết.
|
Trưởng công an xã Tân Lập, ông Bùi Văn Lưu. |
Là người trực tiếp ký quyết định bổ nhiệm bà Thuận vào chức Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Lạc Sơn, ông Bùi Văn Nỏm, Bí thư huyện ủy huyện Lạc Sơn cho biết, khi ký quyết định thì bà Thuận đã được số phiếu bầu cao nhất và lúc đó, việc bà Thuận vay mượn tiền thì ngay cả phía Huyện ủy cũng không biết.
Vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ…