Đạo – Đời, hai ngả đam mê

Google News

(Kiến Thức) - Với võ sư, họa sĩ Hắc Long, Chưởng môn phái Kungfu Thiếu Lâm Việt Nam, Đạo – Đời không chỉ là căn duyên, mà còn là niềm đam mê bất tận.

Nhắc tới kungfu Thiếu Lâm Việt Nam, giới võ thuật không chỉ nhắc tới võ sư Hắc Long như là người đặt nền móng cho kungfu tại Việt Nam. Ngoài chức phận chưởng môn, anh còn là một họa sĩ tài danh theo trường phái thể hiện. Thế nhưng, ít ai biết anh còn là một nhà tu hành với pháp danh Tự Phúc Thăng. Với anh, Đạo – Đời không chỉ là căn duyên, mà còn là niềm đam mê bất tận.
Từ cậu bé “cò hương”
Những ngày cuối năm khi nhịp sống hối hả hơn bình thường, ngồi trong võ đường thanh tịnh của võ sư Hắc Long tại TP Thái Nguyên thấy cảm giác nhẹ nhàng hơn. Võ đường không đao to búa lớn, chỉ có những bức tranh với những gam màu tươi tắn, những nét bút hướng thiện đầy nhân sinh đã đủ tạo cho bạn bè bốn phương cùng những võ sinh một cảm giác an lành.
 Một trong 4 tác phẩm “sê – ri tranh chim” hướng thiện của Hắc Long. 
Không chỉ vậy, người lạ còn cảm giác là lạ khi đâu đó trong ngôi nhà nhỏ của Hắc Long còn đầy rẫy những chum vại cổ. Cái lớn, cái nhỏ đan xen xếp chồng lên nhau đúng theo tâm thế của một họa sĩ theo trường phái thể hiện, nhưng đồng thời cũng “lộ” ra ở Hắc Long những kỷ niệm tuổi thơ.
Rất thâm trầm, anh kể về thời thơ ấu của mình. Rằng, hồi nhỏ chỉ là một cậu bé “cò hương” với cơ thể gầy gò ốm yếu. Dù rất yêu võ thuật, dòng dõi cha ông lại là võ quan triều Nguyễn nhưng không ai đặt hi vọng vào Hắc Long. Một xác tín khắc cốt ghi xương và cũng là mặc cảm khi ai đó nói rằng, thằng bé này (Hắc Long) lớn lên cũng chỉ theo đuôi con trâu chứ không thể làm lên trò trống gì.
14 tuổi, Hắc Long khăn khói vào Nam làm thuê với công việc trông coi đồi chè. Tưởng tương lai của “cò hương” Hắc Long mãi gắn với nghiệp làm thuê, nhưng không ngờ vào một ngày, võ sư Lý Chấn Hưng dù đã mai danh ẩn tích nhưng khi phát hiện ra Hắc Long, ông đã lập tức thu nhận làm đệ tử.
Đến chưởng môn kungfu
Sau một thời gian dài gần như mất tích, Hắc Long tu luyện tại võ đường của võ sư Lý Chấn Hưng tại Sài Gòn. Khi đạt tới đỉnh cao của võ học chân truyền, Hắc Long trở về quê cũ ở Bắc Giang theo học mỹ thuật tại Trường Văn hoá nghệ thuật Hà Bắc. Năm 1990, Hắc Long làm họa sĩ cho Đoàn kịch nói Bắc Thái. Ngày vẽ, tối lại dạy võ trong các chùa chiền. Rồi ý định mở võ đường le lói trong anh nhưng thật không dễ dàng.
Hai võ sĩ của võ đường Hắc Long đang biểu diễn kungfu.  
Hắc Long tâm sự, một thời gian dài anh phải “dạy chui” vì môn Kungfu Thiếu Lâm lúc ấy quá mới mẻ. Ngành thể thao sở tại lúc bấy giờ không biết đó là môn võ gì, trong khi các hoạt động như nằm trên đinh, cắm thanh sắt nhọn vào cổ… quá nguy hiểm nên họ kiên quyết không cấp phép.
Nhưng rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, nhờ “dạy chui” mà danh tiếng Hắc Long ngày một vang dội. Nghe tin Hắc Long mở võ đường, thì hàng chục cao thủ từ khắp các nơi đến thách đấu. Hắc Long bảo: “Vẫn biết việc thách đấu khi mình mở võ đường là bình thường nhưng thời ấy, thực là không đấu không được”.
Vậy là dù cao thủ ở đâu, thuộc môn phái nào đến anh cũng đều nhận lời. Nhưng anh cũng tiết lộ, các cao thủ hầu như đều dùng đến tuyệt chiêu để hạ đối thủ, nhưng Hắc Long không bao giờ tấn công mà chỉ sử dụng đòn tránh để đối thủ hiểu trình độ và sự tôn trọng của bản thân. Vì thế, hầu hết những người thách đấu với anh sau này đều trở thành những người bạn chí cốt.
Hắc Long đặt nền móng đầu tiên cho Kungfu Thiếu Lâm tại Việt Nam, với nhiều giải thưởng khi đi du đấu khắp nơi nhưng không bao giờ được anh nhắc tới. Vì với anh, giải thưởng chỉ là phù du, võ học thực chất phải được rèn luyện âm thầm đến tuyệt đỉnh.
Sau nhiều năm nghiên cứu, Hắc Long đã “chế tác” các chiêu thức mới thích hợp với hình thể người Việt. Với ưu điểm khéo léo, lấy nhu thắng cương và chú trọng đến “khí” nên nội công của những người theo phái kungfu Thiếu Lâm đều vượt trội so với các môn phái khác.
Đệ tử của Hắc Long đến nay lên tới cả nghìn người từ khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng Hắc Long không bao giờ tính đến số lượng. Điều quan trọng anh truyền cho võ sinh không chỉ là các tuyệt chiêu mà còn là võ đức. Võ đức là gốc võ học.
Hướng thiện qua những nhát dao
Nhiều người còn nhớ hình ảnh võ sư Hắc Long đầu trọc, mặc áo cà sa, ngồi tụng kinh trong các chùa chiền. Nhưng rồi lại thấy anh hoàn tục lấy vợ sinh con đẻ cái. Hắc Long bảo, sau một thời gian tu hành với niềm đam mê và cả nghiệp chướng. Anh nhận ra, tu tại gia vẫn là khó nhất. Và lập gia đình cũng là một cách tu hành khổ hạnh.
Vốn là người lãng mạn, lại am hiểu hội họa nên sau khi rời nhà chùa về lập võ đường, Hắc Long chuyển tải tình cảm và thông điệp nhân văn vào những tác phẩm hội họa. Anh có quan niệm “hướng thiện qua những nhát dao”, người ngoài không hiểu tưởng anh “múa đao chém người”.
Hắc Long giải thích, anh theo trường phái thể hiện vẽ sơn dầu trên toan. Mỗi nhát dao của anh là một lát cắt tinh tế tích tụ bởi khí công và sự thẩm thấu nghệ thuật. Vì thế, tranh của anh không đơn giản để hiểu, cũng không quá phức tạp để suy diễn vì nghệ thuật đích thực là đi đến sự giản đơn.
Nhìn những bức tranh của Hắc Long, người ngoại đạo cũng dễ dàng hiểu nghĩa nghệ thuật. Đó là những “sê – ri tranh chim” 4 bức mang tính hướng thiện rõ rệt. Sự hướng thiện của một nhà tu hành giản đơn bắt nguồn từ việc không sát sinh, bảo vệ thiên nhiên rồi dần trưởng thành đến chủ đề cao lớn hơn.
Hai lần triển lãm mỹ thuật với những thành công riêng nhưng Hắc Long chỉ khiêm tốn tự nhận đó là do bạn bè vun vén mà thành. Dẫu rằng, ai cũng biết để trở thành họa sĩ nổi danh thì cần đến sự khổ luyện công phu đến mức nào. Trong khi đó, anh lại bộn bề với những chiêu thức của võ học lẫn những võ đức khi mà ngày nay, sự lộn nhộn thương mại hoá của các võ đường đang ngày một lấn át đi những chủ đích cao đẹp của võ thuật chính thống.

Luyện võ tu thân: “Kungfu Thiếu Lâm chủ trương lấy nhu thắng cương, lấy yếu chế mạnh chứ không tấn công đối thủ. Với 72 tuyệt chiêu cùng sức mạnh của khí công, nếu ra đòn thì rất nguy hiểm cho người khác. Vì vậy, tôi răn dạy cho học trò lấy võ học để kết giao bạn bè và mục đích chính là luyện võ tu thân” - Võ sư Hắc Long. 

Trần Hoà

Bình luận(0)