Trong tiết học kể chuyện, sau khi cô giáo cho học sinh xem bức tranh được vẽ cánh đồng mênh mông, có nhiều muông thú đã ra đề bài cho học sinh: "Em hãy sáng tạo một câu chuyện dựa vào hình ảnh trên".
Lê Phúc Hưng (trường Tiểu học Tây Sơn) thuộc lớp Văn cảm nhận của TS Vũ Thu Hương đã tưởng tượng câu chuyện sinh động về thế giới loài vật.
|
Học sinh Lê Phúc Hưng. |
Bài văn của Phúc Hưng gây ấn tượng ngay từ tiêu đề do chính em đặt theo cách hiểu của mình mang tên “Miếng thịt định mệnh”. TS Vũ Thu Hương (khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Cách sử dụng từ "định mệnh" của con rất đặc biệt. Các cha mẹ sẽ nghĩ là một tác phẩm nhí nhố của trẻ. Nhưng để sáng tạo ra được bài viết này, đám trẻ cũng phải mất nhiều công sức tưởng tượng”.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết: “Mục tiêu của lớp học Văn cảm nhận là không sử dụng văn mẫu, phát huy sự sáng tạo cá nhân. Khi cô giáo yêu cầu học sinh tự tưởng tượng những điều xảy ra trong bức tranh đó, mỗi em sẽ nghĩ ra một câu chuyện khác nhau”.
|
Bài văn kể chuyện của học sinh. |
Bài văn của Phúc Hưng như sau:
“Ở một làng nọ có rất nhiều muông thú. Ở góc làng là hai ngồi nhà bằng cây và rơm. Ngôi nhà đầu tiên là của một bạn Gà, ngôi nhà thứ hai là của một bạn Vịt.
Một hôm cả 2 bạn cùng ra chợ Xe Hơi và ra hàng thịt lợn nhưng chỉ có một miếng cuối cùng. Bác Voi bán hàng bảo phải chia đôi, thế nhưng cả bạn Vịt và bạn Gà đều không đồng ý. Bác Voi thấy thế liền bảo:
- Thôi, hai cháu đừng cãi nhau nữa. Chia đôi là được mà.
Thế nhưng hai bạn vẫn cãi nhau và giành lấy miếng thịt. Bác Voi sợ quá liền bỏ việc để chuồn về nhà. Hai bạn vẫn giằng nhau và miếng thịt bị rơi xuống bãi phân bò ngay đó. Hai bạn liền đánh nhau và bác tổng thống Rừng là bác Sư Tử ra bảo:
- Có chuyện gì thế?
Bác Sư Tử dứt lời thì bạn Gà quay sang bảo:
- Thật là hư đốn, hư, hư tất cả!
Và cuối cùng cả hai bạn cùng vào tù để cải tạo. Đó là tác hại của việc cãi tổng thống Rừng".