Những vết nứt lạ lùng rộng, kéo dài hàng trăm mét tại thôn Đồng Xô, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội đã xảy ra từ 2 – 3 năm nay. Thế nhưng, đến tháng 10/2014, cơ quan chức năng mới kiểm tra sau khi có phản ánh của người dân cùng cơ quan báo chí.
Vết nứt dài hàng trăm mét
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến khu vực xuất hiện những vết nứt đất lạ lùng, kéo dài hàng trăm mét tại thôn Đồng Xô. Những vết nứt này nằm ở độ cao khoảng 40m so với dòng suối phía dưới và tràn giảm áp thuộc công trình hồ chứa nước Đồng Xô. Tất cả những vết nứt này đều chạy theo hình vòng cung với chỗ rộng nhất khoảng 25 – 30cm. Nhiều đoạn khối đã sụt xuống so với nền cũ khoảng 1m.
Anh Bùi Văn Việt, thôn Đồng Xô cho biết: “Khoảng năm 2011 – 2012 tôi đã nhìn thấy những vết nứt này. Lúc đó, tôi nghĩ là bình thường nên không báo cho cơ quan chức năng biết. Sau đó ít lâu cũng không thấy xuất hiện thêm vết nứt nữa. Nhưng thời gian gần đây, hiện tượng này lại tiếp tục và có dấu hiệu lan rộng và kéo dài đến tận bờ suối”.
Một số người dân ở xã Vân Hòa phản ánh. Cách đây vài năm, vết nứt rộng bằng 3 gang tay. Thậm chí, những gốc cây cổ thụ nằm trên rãnh nứt đi qua đã đổ sập. Đến nay, vẫn còn hai gốc cây to bằng một người ôm đổ rạp xuống phía dưới.
|
Các vết sụt nằm phía cuối tràn giảm áp đập Đồng Xô. Một số người dân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sụt lún là do đơn vị thi công đập móc đất vào chân núi làm mất điểm tựa của khối đất trên núi.
|
Ông Đỗ Thanh Hùng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì cho cho biết: “Thông tin sụt đất ở thôn Đồng Xô được chuyển đến Vườn Quốc gia Ba Vì chiều ngày 14/10. Ngay sau đó, chúng tôi đã tổ chức lực lượng kiểm tra hiện trường, tiến hành quét sơn, đóng cọc tại những địa điểm có vết nứt để theo dõi. Khu vực xảy ra sự cố nằm trong diện tích 9,5 ha đã được Chính phủ phê duyệt chuyển cho nhà đầu tư và thi công hồ Đồng Xô cách đây vài năm. Khi nào công trình hoàn thành sẽ trả diện tích đất này cho Vườn Quốc gia bảo vệ, theo dõi.
Khi triển khai xây dựng hồ Đồng Xô, đơn vị thi công chỉ dùng hết diện tích 1.500m2 trong tổng số 9,5ha này. Hiện UBND huyện và các cơ quan liên quan đã chỉ đạo cho Ban Quản lý công trình hồ Đồng Xô kiểm tra, đánh giá hiện trạng 9,5ha này, sau đó bàn giao lại cho Vườn Quốc gia Ba Vì trước ngày 31/10/2014. Như vậy, vết nứt này xảy ra trong thời gian không thuộc sự quản lý của Vườn Quốc gia mà là của Ban quản lý Dự án hồ chứa nước Đồng Xô”.
|
Một số đoạn, vết trượt sâu hơn so với nền đất cũ khoảng 1m. |
Tranh cãi về nguyên nhân gây sụt đất
Theo thông tin mà chúng tôi có được. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng địa phương cùng với Trung tâm Viễn Thám thuộc Viện Địa chất Việt Nam đã tiến hành kiểm tra, khảo sát nhằm tìm ra nguyên nhân của những vết nứt kéo dài hàng trăm mét. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi kết luận kiểm tra thì hiện vẫn đang có nhiều tranh cãi liên quan đến nguyên nhân của sự việc này.
Theo anh Bùi Văn Việt, người dân sống cách vết nứt khoảng 500m thì nguyên nhân là do cách đây vài năm, đơn vị thi công công trình hồ chứa nước Đồng Xô trong quá trình thi công đã móc hàm ếch vào chân núi để lấy đất. Điều này làm phá vỡ điểm tựa của các lớp đất đá trên núi và dẫn đến hiện tượng sụt, nứt. Cách đây vài năm, hiện tượng sụt đất đã diễn ra, bằng chứng là một vụ lở đất với quy mô nhỏ xảy ra ngay gần tràn giảm áp phía chân hồ Đồng Xô. Hiện dấu vết vụ lở đất này vẫn còn. Có thể những vết nứt này chỉ là sự kế tiếp của quá trình sụt lún đất do bị đào bới cách đây vài năm.
“Nếu diện tích đất rộng lớn này sụt xuống sẽ đe dọa trực tiếp đến công trình hồ Đồng Xô. Bởi vết nứt xảy ra nằm nay phía tràn giảm áp của hồ, làm mất điểm tựa thân hồ, cộng với áp lực nước từ hồ có thể khiến hồ vỡ bất cứ lúc nào. Đến lúc đó, diện tích hoa màu và tài sản của người dân khu vực hạ nguồn cũng sẽ bị đe dọa”, anh Việt lo ngại.
|
Nhiều vết nứt có khoảng cách 25 - 30cm. |
Cùng chung ý kiến với anh Việt, một số người dân xã Vân Hòa cho rằng. Nguyên nhân gây sụt, nứt đất chính là do đơn vị thi công hồ Đồng Xô. Bởi trước khi xây dựng hồ thì không thấy có hiện tượng sụt đất xảy ra tại các địa điểm quanh hồ. Khi bắt đầu thi công công trình mới xuất hiện hiện tượng lạ lùng này. Đặc biệt, diện tích các vết nứt xảy ra trên núi song song với tràn giảm áp, nơi mà đơn vị thi công đã móc vào chân núi để lấy đất xây dựng. Như vậy, có thể thấy nhiều khả năng vết nứt là do hệ quả của việc thi công hồ Đồng Xô để lại.
Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Hùng lại cho rằng. Địa điểm xảy ra sụt, nứt có cấu tạo địa chất là lớp đất bề mặt mỏng nằm trên nền đá gốc. Khi trời mưa dầm sẽ làm cho lớp đất bề mặt có liên kết lỏng lẻo hơn và dẫn đến sụt, nứt. Hiện tượng này cũng đã từng xảy ra trước đây chứ không riêng gì điểm nứt gần hồ Đồng Xô. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự đoán, còn nguyên nhân chính thức phải chờ đến kết luận của Trung tâm Viễn Thám.
Ông Hùng cũng loại bỏ nguy cơ vết nứt gây sạt lở có thể đe dọa công trình hồ Đồng Xô. Bởi vết nứt, sụt này nằm cách thân đập khoảng vài chục mét, nằm ở độ cao cách tràn giảm áp 40m. Cho nên khả năng gây hại nếu có chỉ là ảnh hưởng đến khu vực tràn này chứ không ảnh hưởng đến thân hồ.
“Hiện vết nứt nằm khá xa khu vực dân cư và khu vực sản xuất của người dân, nên khả năng về đe dọa tính mạng, tài sản của người dân là không cao. Ngay sau khi nhận được thông tin sụt đất, chúng tôi đã cắm cọc cảnh báo và theo dõi tại hàng chục điểm nứt cũ và mới. Sau khi có kết luận chính thức từ Trung tâm Viễn thám, Vườn Quốc gia Ba Vì sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm tìm ra phương án khắc phục sự cố”.
Ông Đỗ Thanh Hùng (Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì)