Một mình chiến đấu với 40 thổ phỉ
Năm nay ông Bường (90 tuổi ở bản Nôm, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nhưng ông vẫn khoẻ và minh mẫn. Biết chúng tôi từ Hà Nội vượt chặng đường xa xôi về thăm ông, ông hồ hởi mời khách uống nước. Nâng chén trà nóng, ông kể về quãng thời gian sống và chiến đấu của mình.
Ông Bường cho hay, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc năm 18 tuổi ông hăng hái lên đường đi bộ đội, đơn vị ông thuộc Trung đội 3, Sư đoàn 355. Ban đầu đơn vị đóng quân tại địa bàn huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Sau này, được điều chuyển đến nhiều vùng khác để chiến đấu. "Tháng 10/1949 tôi được lãnh đạo đơn vị điều sang bên huyện Sầm Tớ tỉnh Hủa Phăn và phía Nam Xiêng Khoảng - Lào để làm công tác dân vận quần chúng đứng về phía cách mạng. Bởi ở những vùng nông thôn hẻo lánh ở Lào lúc đó, quân Pháp cũng cho lực lượng quân đội mua chuộc nhiều người làm tay sai. Người dân nào không nghe lời, bọn chúng sẵn sàng bắt và giết hại", ông Bường nhớ lại.
Năm 1953, thực dân Pháp cho quân lính nhảy dù xuống Điên Biên Phủ và cho rằng khu vực này là bất khá chiến bại. Tại nhiều tỉnh của Lào bọn thổ phỉ được sự hậu thuẫn của quân Pháp ra sức hoành hành. Khi đó, ông Bường được chỉ huy phân công về khu vực Xiêng Khoảng tiếp tục công tác xây dựng cơ sở ở vùng sau lưng địch, vận động người dân đi theo cách mạng. Trong suốt 5 năm trời, ông Bường cùng với những người đồng đội của mình kiên trì bám trụ xây dựng cơ sở cách mạng ở miền Tây nước bạn Lào.
|
PV bên anh hùng Lò Văn Bường. |
Ông Bường kể: "Trong quá trình hoạt động, chúng tôi phải sống trong rừng thiêng nước độc, môi trường thiên nhiên khắc nghiệt. Sự thiếu thốn về nước uống, thức ăn diễn ra hằng ngày. Nhưng nhờ có sự quyết tâm của mọi người, sự yêu thương đùm bọc của dân bản mà chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, để đạt được điều đó chúng tôi phải hy sinh cả máu và nước mắt. Vào một ngày cuối năm 1953, tôi vào trong thôn bản để liên lạc với cơ sở.
Nhưng không ngờ, bọn thổ phỉ được quân Pháp hậu thuẫn nắm bắt được sự hoạt động của tôi. Vì thế, bọn chúng đã bao vây bắt tôi. Sau màn đấu súng tôi đã bị trúng một viên đạn vào mắt trái. Tôi cố chống cự, sau đó bỏ chạy và ngất đi trong rừng sâu. Khi tôi tỉnh dậy không biết là mình đang ở đâu nữa. Nhờ dân bản đưa về băng bó vết thương mà tôi thoát chết".
Chính nhờ sự mưu trí dũng cảm, ông Bường đã lập nhiều chiến công trong việc xây dựng cơ sở cách mạng sau lưng địch ở miền Tây nước bạn Lào. Năm 1956, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và được tham dự chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Hà Nội.
|
Nhờ đạt nhiều thành tích trong công việc, ông Bường (đứng đầu tiên từ bên phải sang) được bầu là đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (ảnh tư liệu). |
Đổi nhà lấy đường cho dân bản
Sau giải phóng Điện Biên Phủ, ông Bường được lãnh đạo đơn vị thiên chuyển công tác về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa. Ông đạt nhiều thành tích cao trong công việc và được bầu làm đại biểu Quốc hội trong nhiều khóa. Điều đặc biệt ở con người ông, là dù ở cương vị nào ông cũng luôn đứng về phía quyền lợi của người dân.
Chẳng thế mà người dân nơi đây tôn vinh ông như một huyền thoại sống. Khi ông về hưu với quân hàm cấp tá của mình, cùng với nhiều thành tích trong công tác ông đã được Nhà nước cấp cho căn nhà ở Hà Nội để ở. Thế nhưng, ông đã từ chối. Ông nói với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo trung ương rằng: Nguyện vọng của ông muốn về quê sinh sống cùng với gia đình và dân bản. Ông muốn dành số tài sản mà Nhà nước ưu ái cho mình để xây dựng con đường cho dân bản.
Bao đời nay, người dân nơi đây vất vả lam lũ, muốn đi ra khỏi bản phải trèo đèo lội suối. Nhiều người thất học cũng bởi sự đi lại quá khó khăn. Nghe ông nói thế, nhiều người đã phải rơi nước mắt, cảm động bởi tấm lòng cao cả của người anh hùng. Thời gian sau, ước nguyện của ông Bường đã trở thành hiện thực, con em dân bản không còn phải trèo đèo lội suối đến trường nữa, thay vào đó là một con đường nhựa kiên cố nối liền xuống huyện Thường Xuân.
Không chỉ kiên cường trong mưa bom, bão đạn, ông Bường còn là một người làm kinh tế tài ba. "Quê hương tôi vốn nổi tiếng với cây quế đặc sản, đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Vì thế, trước đây người người, nhà nhà trồng quế để phát triển kinh tế. Khi về hưu, tôi là người tiên phong trong việc khai hoang đất, phát nương rẫy để trồng cây quế. Nhờ tận tụy làm việc, có thời gian tôi trồng lên tới hàng vài ha cây quế. Thấy tôi trồng quế, mang lại giá trị kinh tế, nhiều người dân đến học hỏi cách trồng và chăm sóc. Ai hỏi tôi cũng đều hỗ trợ, hướng dẫn tận tình", ông Bường kể.
|
Vợ chồng ông Bường hạnh phúc bên căn nhà Bộ Quốc phòng trao tặng. |
Tuy là người đi đầu trong phát triển kinh tế nhờ cây quế, nhưng ông bảo, ông làm không để làm giàu cho mình mà để dân bản thấy hiệu quả và làm theo, để họ vươn lên thoát nghèo. Chẳng thế mà ngôi nhà gia đình ông đang sinh sống, không phải do ông xây cất được mà là nhà tình nghĩa của Bộ Quốc phòng trao tặng.
Ông Cầm Bá Tuấn, một người dân nơi đây cho biết: "Tưởng chừng hình ảnh người anh hùng Lò Văn Bường của chúng tôi chỉ có trong truyền thuyết hay văn chương. Nhưng đó thực sự là người anh hùng bằng xương bằng thịt. Có nhiều người ở xa về thăm ông, khi họ nhìn thấy ông cặm cụi cuốc nương rẫy, họ không nhận ra đó là người anh hùng từng chiến đấu với 40 tên thổ phỉ ở Lào năm xưa. Ông giản dị và cần mẫn đến vô cùng. Khi nhìn thấy dân bản đói ăn, ông sẵn sàng về nhà lấy gạo của gia đình mình cho họ. Ông thực sự là người anh hùng của dân bản".
Năm nay ông Bường đã bước sang tuổi 90, sức khoẻ đã giảm sút, nhất là sau khi ông bị ngã chân bị gãy, không bó bột được. Vì thế, giờ ông chỉ ngồi một chỗ, việc ăn uống sinh hoạt ông phải nhờ con cháu giúp đỡ. Nhưng lòng nhiệt huyết cống hiến sức lực cho dân bản, cho Nhà nước thì vẫn còn mãi. Ông ước mong sao, dân bản sẽ không còn đói nghèo, mọi người sống trong no ấm.
"Thật hiếm có người ai cao thượng như người anh hùng Lò Văn Bường. Cả cuộc đời ông hy sinh cho nền độc lập dân tộc và sự no ấm của dân bản. Con đường nối liền giữa xã Vạn Xuân và Xuân Lẹ được Nhà nước làm nhờ ông đề xuất. Vì thế, con đường đó giờ được dân bản gọi là con đường Lò Văn Bường. Ông còn là người đi đầu trong việc trồng cây quế phát triển kinh tế và hướng dẫn người dân làm giàu".
Ông Vi Mai Kế (nguyên Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân)