Trả lời báo chí, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ông Hà Đức Trung cho hay: “Mực nước sông Nhuệ lúc 9h sáng 9/8 ở mức báo động 2. Do mực nước sông Nhuệ dâng cao nên phải xem xét phương án xả nước qua đập Thanh Liệt vào nội thành.
Việc này được tiến hành theo quy trình: khi mực nước trong nội thành thấp, phía sông Nhuệ quá cao thì cần điều chỉnh cho hợp lý”.
Cũng theo ông Trung. đợt ngập lịch sử năm 2008, Hà Nội đã phải tiêu thoát nước cho khu vực ngoại thành bằng cách xả nước từ sông Nhuệ vào hệ thống thoát nước Hà Nội thông qua cửa cống Thanh Liệt. Ngoài ra, Thủ đô cũng đã phải "cầu cứu" Hà Nam để hút bớt nước sông Nhuệ qua trạm bơm Yên Lệnh.
|
Sáng ngày 9/8, nước vẫn ngập trên đường 70 gần sông Nhuệ. Ảnh: Trang HC |
Trước tình hình mưa bão, nước sông Nhuệ dâng cao có thể gây ngập diện rộng, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã xin ý kiến Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.Hà Nội về khả năng phải mở đập Thanh Liệt cho một lượng nước nhất định tràn vào hệ thống sông, mương ở nội thành như Tô Lịch, Kim Ngưu. Như vậy diện ngập có thể thu hẹp và kiểm soát được.
Chiều nay (9/8), Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội đã cho phép đơn vị này mở cửa đập Thanh Liệt để giảm mực nước sông Nhuệ.
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, họ sẽ tiến hành bơm nước từ từ vào sông Tô Lịch rồi bơm ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở, đảm bảo không tràn bờ vào khu dân cư tại nội đô thành phố.
Sông Nhuệ là nhánh nhỏ của sông Hồng, dài 76 km, bắt đầu từ cống Liên Mạc, huyện Từ Liêm, chảy qua Thanh Trì, quận Hà Đông, các huyện Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên (Hà Nội) và cuối cùng là Phủ Lý (Hà Nam). Nhiệm vụ chính của sông Nhuệ là tiêu thoát nước cho lúa với tiêu chí mưa 3 ngày tiêu 5 ngày. Nhưng nay do đô thị hóa phía Tây Hà Nội, lưu lượng nước tăng gấp đôi gây quá tải cho sông và úng ngập cho nội thành Hà Nội.
Lúc 2 giờ ngày 9/8, nước sông Nhuệ đã vượt mức 5m, khiến nước tràn đê qua khu vực xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, vào sâu trong thân đê hàng chục mét.
Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng chức năng gồm bộ đội địa phương, đoàn thanh niên, cùng hơn 100 cán bộ chiến sỹ tăng cường từ tiểu đoàn thiết giáp thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô nhằm nắn dòng chảy, không để nước tràn vào làng Tây Mỗ.
Hiện nay, tuyến đê tại khu vực cầu Ngà đã bị tràn kéo dài hàng trăm mét, khiến cho việc huy động phương tiện cơ giới vào khắc phục sự cố này là rất khó khăn. Được biết, cách khu vực cầu Ngà khoảng 2km, tại tuyến đê xung yếu trên địa phận xã Tây Mỗ, nước cũng đã tràn mặt đê, hiện địa phương đang huy động mọi lực lượng nhằm khắc phục sự cố này.