Chìm canô ở Cần Giờ: Giám đốc Việt-Séc "lập lờ" khó hiểu?

Google News

(Kiến Thức) - Trước thông tin Giám đốc Công ty CP Việt - Séc “đổ thừa” tài công tự ý lấy canô H29-BP đang sửa chữa để đi và gây tai nạn, người thân của tài công này đã bức xúc phản đối.

Đổ thừa người chết?
Sau khi xảy ra vụ thảm nạn kinh hoàng chìm canô trên biển Cần Giờ (TP.HCM) làm 9 người chết và 21 người bị thương, trong lúc các cơ quan chức năng đang phối hợp điều tra làm rõ nhằm khắc phục hậu quả cũng như truy cứu trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan.
Thi thể tài công Phạm Duy Phúc được lực lượng tìm kiếm vớt được đưa vào đất liền ngày 4/8.
Ngày 7/8, xuất hiện một tình tiết quan trọng khi ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty CP Việt-Séc (đơn vị liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn) tường trình với cơ quan chức năng rằng, tài công Phạm Duy Phúc đã nhầm lẫn khi lấy canô H29-BP đang sửa chữa tại công ty để đi Tiền Giang chở công nhân Công ty SX ống nước dầu khí Việt Nam. 
Bà Trần Thị Phương Nở (ngụ TP.Vũng Tàu, vợ tài công Phúc) bức xúc nói trong nước mắt: "Không hiểu lương tâm của những người ở Công ty Việt-Séc ở đâu mà đổ thừa hết tội lỗi cho người đã khuất”.
Theo bà Nở thì “như có sự linh thiêng của chồng” khi chiếc túi xách chồng bà đem theo lúc gặp nạn đã được lực lượng cứu hộ tìm được giao lại cho gia đình. Trong đó, một tờ quyết định nằm trong ví của ông Phúc dù đã ướt nhưng còn khá nguyên vẹn.
Tờ quyết định được gia đình tìm thấy trong bóp của ông Phúc khi lực lượng cứu nạn giao lại cho gia đình.
“Tờ quyết định còn ghi rành rành việc Ban giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina bổ nhiệm chồng tôi làm Đội trưởng đoàn chạy thử tàu và được quyền sử dụng tàu H29-BP đang sửa chữa tại Việt-Séc kể từ ngày 2/8”, bà Nở vừa cho PV Kiến Thức xem tờ quyết định vừa nghẹn ngào than khóc.
Tuy nhiên trước phản ứng của gia đình ông Phúc, Giám đốc Việt-Séc Vũ Văn Đảo lại khẳng định: “Quyết định trên do Vũng Tàu Marina ký điều động thì Vũng Tàu Marina phải nói rõ vấn đề này, chúng tôi (Công ty Việt-Séc) không hề có thỏa thuận về việc đó”.
Ông Đảo còn cho rằng Ban giám đốc Vũng Tàu Marina không hiểu biết nên mới ra quyết định để ông Phúc được quyền sử dụng canô H29-BP trong khi phương tiện này Việt-Séc đang sửa chữa cho Bộ đội Biên phòng thì Vũng Tàu Marina có quyền gì điều động?
Để làm rõ vụ việc, rất nhiều phóng viên đã cố liên hệ với ông Đinh Văn Quyết (Giám đốc Vũng Tàu Marina) nhưng vị này đã từ chối trả lời.
Lập lờ báo tin rồi “van xin cứu giúp”?
Những mâu thuẫn nói trên thời gian tới sẽ được các ngành chức năng điều tra làm sáng tỏ. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay khi xảy ra tai nạn, theo những người liên quan, ông Đảo đã báo tin vụ việc hết sức lập lờ gây khó khăn cho công tác cứu hộ nạn nhân.
Chiếc canô H29-BP của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang được sửa chữa tại Việt-Séc nhưng không rõ vì sao Việt-Séc lại để nhân viên Vũng Tàu Marina sử dụng để chở khách và gặp nạn.
Thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Khoảng 19h30 ngày 2/8, ông Đảo điện báo cho ông Quỳnh (lúc này ông Quỳnh đang nghỉ phép về quê ở Nghệ An) và chỉ báo tin canô hết nhiên liệu khi đang đi trên biển Cần Giờ. Ông Quỳnh đã báo lại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và điều tàu BP 13-04-02 đem theo nhiên liệu đi ứng cứu, cùng đi còn có ông Tạ Thanh Sơn, cấp dưới của ông Đảo. Tuy nhiên hơn một giờ sau, ông Đảo lại gọi cho ông Quỳnh nói canô đã bị chìm, đồng thời ông Đảo thừa nhận canô của Bộ đội Biên phòng đang sửa chữa mà cho sử dụng gây tai nạn là sai và van xin ông Quỳnh cứu giúp. Ông Quỳnh đã yêu cầu ông Đảo báo cáo lại sự việc cho cơ quan chức năng. Ngay sau đó ông Quỳnh đã điện cho tàu BP 13-04002 đang trên đường cứu hộ khẩn cấp tiến hành phương án cứu nạn.
Canô chìm trên biển Cần Giờ làm 9 người thiệt mạng.
Đại tá Trương Văn Tài, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định: Công ty CP Việt-Séc "liều mạng" khi chưa am hiểu địa hình đường biển cũng như bảo đảm phương án an toàn; đồng thời phương tiện canô H29-BP chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật; đang trong thời gian sửa chữa và phương tiện này chỉ được phép chạy trên sông, vùng cửa biển trong thời tiết êm thuận nhưng Việt-Séc lại dám cho tài công đưa ra chạy chở gần gấp 3 số người theo quy định trong thời tiết nguy hiểm.
Liên quan đến vấn đề được cho là cứu nạn chậm khiến người nhà nạn nhân tụ tập trước Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải KV3 (Vung Tau MRCC) phản đối dữ dội, ông Lương Trường Phi, Phó giám đốc Vung Tau MRCC cho biết: Rất thông cảm với người nhà các nạn nhân gặp nạn và lãnh đạo MRCC đã mời họ vào để giải thích tường tận về quy trình tiếp nhận tin báo và quá trình thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn.
Ông Lương Trường Phi, Phó giám đốc Vung Tau MRCC đang trao đổi với báo chí.
Theo ông Phi thì 21h ngày 2/8 (ngày xảy ra thảm nạn) trung tâm mới nhận được điện thoại báo tin từ ông Nguyễn Ngọc Tuấn (đại diện Vũng Tàu Marina) báo tin tàu chở khách hết nhiên liệu ở biển Cần Giờ. Vung Tau MRCC đã điều tàu cứu hộ đến khu vực gặp nạn và trung tâm đã chỉ đạo nhân viên gọi đến các đơn vị liên quan (TP.HCM và Vũng Tàu) để đề nghị triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời Đài phát thanh Duyên Hải cũng đã thông báo cho các phương tiện đang lưu thông qua khu vực thông tin vụ việc để hỗ trợ cứu nạn.
Riêng việc ông Tuấn phải viết đơn yêu cầu là nhằm để trung tâm lưu lại bút tích, chứ ngay khi nhận tin báo, trung tâm đã triển khai phương án ứng cứu.
Theo ông Phi thì do tin báo của ông Tuấn thiếu trung thực, không rõ ràng (báo canô ít người, có đầy đủ áo phao, vị trí canô gặp nạn…) nên công tác xác minh xác định vị trí gặp nạn vô cùng khó khăn và gây mất thời gian. Khi đến nơi canô gặp nạn tàu của trung tâm không vào được vị nước nông mắc cạn nên phải đưa tàu chuyên dụng vào cứu người. Lúc này Đồn Biên phòng Long Hòa, Cần Giờ cũng vừa có mặt tham gia ứng cứu.
Vũ Sơn

Bình luận(0)