Vỡ trận xét tuyển đại học: PGS Văn Như Cương phân tích thất bại

Google News

PGS Văn Như Cương cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra hướng dẫn đăng ký xét tuyển đại học đã thấy nhiều nhược điểm dẫn tới một kỳ thi thất bại.

- Thưa thầy, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 được hứa hẹn là một cuộc “cách mạng” trong cải cách giáo dục, giúp xã hội bớt căng thẳng trong kỳ thi đại học như các năm trước. Học sinh không còn cảnh chen chúc lên thành phố. Nhưng đến hiện nay học sinh và phụ huynh đều thấy mệt mỏi và tốn kém. Có thí sinh đã phải thuê xe cứu thương để “cấp cứu” hồ sơ thi đại học cho con với chi phí gần 5 triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng kỳ thi THPT quốc gia năm nay ly kỳ, không giống quốc gia nào trên thế giới. Quan điểm của thầy như thế nào?
-Tôi theo dõi từ đầu kỳ thi, đặc biệt là khi các em nộp hồ sơ xét tuyển đại học. Với những hướng dẫn ở nguyện vọng 1 các em được nộp hồ sơ vào 4 ngành/trường và nguyện vọng 2 là 12 ngành/3 trường… rồi cứ 3 ngày trường lại cập nhật danh sách thí sinh nộp hồ sơ và điểm chuẩn dự kiến để xem các em thấy mình có khả năng đỗ hay không. Tôi đã thấy có sự rối rắm và thất bại rồi.
Ngay từ đầu, mục đích của kỳ thi THPT Quốc gia sẽ hạn chế bớt kinh phí cho gia đình thí sinh, nhưng thực chất là tốn kém và căng thẳng hơn rất nhiều. Trong những ngày qua, số lượng lớn thí sinh phải chạy đua để rút hồ sơ, nộp hồ sơ và luôn trong tâm trạng thấp thỏm và lo sợ. Điều ấy đã khiến các em không có thời gian nghĩ đến những khoa ngành mà mình thích mà cố gắng làm sao để đỗ được đại học.
Còn phụ huynh học sinh cũng chẳng nhàn hơn. Họ phải ra tận nơi để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cho con mình và cùng con chạy đua. Ngày cuối cùng của nguyện vọng một cả phụ huynh và học sinh đều bật khóc. Ai cũng nhìn thấy. Tôi thấy rất dở ở chỗ đó. Tại sao chúng ta không cho đăng ký trực tuyến để các em bớt vất vả, mất thời gian đi lại.
Vo tran xet tuyen dai hoc: PGS Van Nhu Cuong phan tich that bai
 Thầy Cương cho rằng kỳ thi THPT quốc gia năm nay thất bại thảm hại.
- Theo thầy kỳ thi đã thất bại nhưng đây là năm đầu tiên, Bộ chưa có kinh nghiệm. Nếu ở những năm tiếp theo thực hiện đề án cải cách này, rút kinh nghiệm từ năm nay, thầy có đánh giá triển vọng về hình thức cải cách giáo dục này không?
- Nếu cứ tiếp tục thực hiện cách thức này cho các năm sau tôi khẳng định đề án cải cách nay hay bất cứ đề án nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thất bại toàn diện.
Một trong những thất bại lớn nhất là ý thứ 3 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đưa ra cải cách thay đổi lần này là giúp các trường đại học tìm được những sinh viên vào học xứng đáng. Nhưng nguyện vọng này đã thất bại hoàn toàn.
Hôm nay báo chí, dư luận đều nói thôi cố gắng cho đỗ lấy 1 trường. Dù thí sinh có 26, 27 điểm đã nộp hồ sơ vào trường họ mong muốn nhưng vì nhiều lẽ họ không dám mạo hiểm, nên rút hồ sơ ra nộp vào trường khác. Đáng lẽ họ có thể vào trường đại học Y Hà Nội nhưng thấy trường đó rất đông, họ có thể nộp hồ sơ vào các trường y khác nhưng trường nào cũng đông nốt nên đành làm cái chắc chắn là vào ngành điện lực, kế toán, ngân hàng cho xong. Như thế, học sinh không phải chọn trường, chọn ngành như mong muốn của các cháu. Theo tôi đây là thất bại lớn.
- Thí sinh không được chọn ngành mình yêu thích, trường đại học không tìm được những sinh viên xứng đáng. Những yếu tố này sẽ tạo ra điệp khúc “cử nhân thất nghiệp” như đang diễn ra hiện nay...
- Năm nay, đa số học sinh chọn trường không theo ý nguyện của mình. Một trường đại học mất 4 năm đào tạo các trường hợp sinh viên học theo học không đúng ý nguyện là khoảng thời gian cực kỳ lãng phí vì họ không thích sẽ không học, hoặc học nửa vời, không say mê nghiên cứu khoa học và khi họ ra trường họ cũng chẳng thiết tha gì với cái ngành nghề mình đã học.
Lúc ấy, điệp khúc cử nhân ra trường thất nghiệp lại cứ nhân mãi lên. Hoặc có xin được việc ra làm nghề thì cũng chỉ làm láo nháo, không tâm huyết thật sự. Theo tôi như thế là lãng phí tiền bạc, tuổi trẻ của người ta trong 4 năm đào tạo. Tôi thấy nếu cứ để tình trạng này thì 4 – 5 năm sau sẽ như thế và thời gian sau này nữa vẫn không thay đổi. Nền giáo dục Việt Nam sẽ thất bại thảm hại.
- Thí sinh và phụ huynh đều có xu hướng thích vào các trường top trên nên mới dẫn đến cảnh chen lấn đã diễn ra vài ngày qua. Thưa thầy, phải chăng chuyện bắt buộc học trường tốt, nghề tốt của phụ huynh đã đến lúc phải suy nghĩ lại?
- Thực ra, trường top là những trường có điều kiện học tập tốt, điều kiện giáo dục, các dịch vụ tốt, ngành nghề đó hợp với khả năng của con em mình, của gia đình mình. Điều đó cũng được các gia đình ưu tiên, quan tâm cũng không có gì là lạ.
Tôi ví dụ một ông bố đang làm bác sĩ lại thêm chức giám đốc ở bệnh viện nào đó chắc chắn sẽ khuyên con của ông nên đi học trường y để khi con tốt nghiệp bố có thể xin cho con vào bệnh viện.
Điều kiện của gia đình, ngành đào tạo tốt, ngành dễ xin việc, sở thích của con là xu hướng chọn trường hiện nay. Tuy nhiên, sở thích của con dù được bố mẹ quan tâm nhưng chắc chắn các em sẽ được bố mẹ khuyên nhủ nhiều.
Hiện nay ở trong các trường THPT, các em học sinh đều chưa được hướng nghiệp, các em đi theo học ngành gì chủ yếu là do cha mẹ định hướng bảo ban hoặc có thể là theo bạn bè rủ nhau, theo tâm lý đám đông nên chuyện học chen nhau nộp hồ sơ vào các trường top trên cũng là điều dễ hiểu.
- Vâng xin cảm ơn PGS!
Theo Phương Thúy/Infonet

Bình luận(0)