77 tuổi, ông Lê Thanh Xuân (Sáu Xuân) ngụ ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm (Phú Quốc, Kiên Giang) vẫn khỏe mạnh để vào rừng tìm dược liệu nấu uống. Giọng ông sang sảng và mắt sáng rực khi được ai đó đề cập đến chuyện mãnh thú giữa đại ngàn.
Sinh ra và lớn lên ở "đảo ngọc", nhiều cung đường hiểm trở ở núi Hòn Một đối với ông Xuân như những đường chỉ trên chính bàn tay của ông. Chưa ai lý giải nơi ông Xuân ở vì sao có tên là xóm Xà Lực, nhưng ông lão U80 khẳng định: "Ba tôi nói địa danh này chắc chắn có liên quan đến rắn khổng lồ".
|
Ông Xuân kể chuyện phát hiện rắn có mào trên đầu trong hang to bằng chiếc thúng. Ảnh: Việt Tường. |
Tham gia cách mạng từ năm 1961, núi rừng Hòn Một là nơi ra vào thường xuyên đối với anh du kích Sáu Xuân ngày nào. Đại ngàn mà ông Xuân với đồng đội đặt chân tới có một mạch nước cứ trào lên gần đỉnh núi. Những tháng mùa khô, ông Xuân cùng đồng đội thay nhau múc nước ngọt này mang xuống chân núi giúp bà con sống ven bìa rừng.
"Qua khỏi mạch nước gần 500 m có một hang rắn to hơn miệng thúng. Tôi với bộ đội vùng này đang đi sâu vào núi rừng bỗng giật mình khi thấy rắn hổ mang chúa to bằng bắp vế thò đầu ra khỏi miệng hang. Trên đầu rắn hổ có mào như mào gà, màu trắng chứ không phải đỏ", ông Xuân kể.
Theo lão ông, khi giáp mặt mãng xà, mọi người đều run sợ. Tuy nhiên, con rắn hiền lành rút đầu dần vào hang, không tấn công người.
"Nhiều lần sau đó chúng tôi đi ngang hang rắn "khủng" nhưng chỉ gặp mãng xà thêm một lần. Có thể, con người đã làm kinh động đến nơi trú thân của chúng, nên mãng xà đã tìm nơi khác để ở", người đàn ông tóc bạc trắng cho biết.
Hết gặp rắn khổng lồ, ông Xuân với dân làng Xà Lực gặp được con trăn nặng khoảng 200 kg vào năm 1967. Khi đó, con trăn to cỡ một người ôm, dài gần 20 m đã nuốt chửng con nai rừng.
"Nai to như con bò nhưng trăn vẫn nuốt. Nuốt đến sừng nai thì con mồi của trăn khổng lồ bị vướng lại. Nuốt vào không xong, nhả ra chẳng được nên con trăn chết gần bìa rừng", ông Xuân nhớ lại.
Ông Xuân kể, vì con trăn quá to nên không ai dám làm thịt ăn dù cuộc sống của dân làng ngày ấy còn thiếu thốn. Một tháng sau, xác trăn với con nai bị phân hủy, người đi rừng phát hiện những đốt xương rất to của của trăn khổng lồ được thú rừng tha đi khắp nơi.
"Lên rừng thì gặp trăn, rắn, xuống biển gặp đẻn khổng lồ. Năm tôi 16 tuổi, trong lần lặn bắt hải sản đã gặp đẻn nặng khoảng 10 kg. Lần đầu tiên trong đời gặp đẻn biển quá to, tôi cố lội đến ghe và trèo lên mà tưởng như đã chết rồi vì quá sợ", người đàn ông xóm Xà Lực chia sẻ.
|
Núi Hòn Một, nơi ông Xuân từng lên xuống trong những năm còn chiến tranh. Ảnh: Việt Tường. |
Gần nhà ông Xuân, bà Tư Gái (55 tuổi) được cho là phụ nữ giáp mặt cá sấu nặng 100 kg ở một con suối dẫn lên núi Hòn Một. Năm đó bà Gái 18 tuổi, theo bác ruột đi săn bắt thú rừng và các loại cá sống theo những con suối giữa đại ngàn Phú Quốc.
"Phát hiện cá sấu quá to ở rạch Ông Mười Bầu. Bác tư của tôi dùng lưới đánh cá đuối bao vây con cá dữ rồi trói chân nó lại. Sau đó, bác ấy cột dây thừng, kêu tôi cố gắng dùng sức kéo cá sấu ra mé biển Hòn Thơm. Kéo được 5 km, bác Tư đưa cá lên ghe, chở ra Hàm Ninh làm thịt bán", bà Gái nói.
Theo người đàn bà này, những năm gần đây khi đi biển hay lên rừng, bà không còn gặp những con vật khổng lồ nữa. Tuy nhiên, có hôm đang vận hành ghe cào thì người thân của bà Gái thấy nhiều con rắn to bằng bắp tay lội trên biển để di chuyển từ hòn này sang hòn khác.
"Mấy hôm trước rắn mái gầm chui vào tận nhà bếp của gia đình tôi. Sống ven bìa rừng thì khó tránh chuyện rắn bò vô nhà. Muốn tìm rắn và nghe kể chuyện rắn khổng lồ thì nên đi về hướng Rạch Tràm để tìm hiểu thêm vì bên đó nhiều rắn lắm", anh Cát - con của bà Gái nói với khách.