Câu chuyện
vợ chồng hát rong trên sân khấu Sao Mai Điểm hẹn phát sóng trong chương trình Điều ước thứ 7 số 43 ngày 10/1/2015 trên VTV3 đã lấy đi nhiều nước mắt thương xót, cảm phục của khản giả. Song mới đây,
chương trình này bị tố đưa thông tin sai sự thật, thậm chí nhiều người còn cho rằng câu chuyện bị dàn dựng khiến dư luận khá bức xúc, thất vọng.
Theo như chia sẻ của chương trình thì cô gái Nguyễn Như Đào (quê Nghệ An) đã mất thị lực ngay từ khi mới sinh ra. Từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, Đào chỉ có âm nhạc làm bạn. Giọng hát em đã lay động trái tim nhiều người, trong đó có NSND Tường Vi. Rồi Đào được mời ra Hà Nội tham gia Trung tâm Nghệ thuật Tình thương, được lưu diễn khắp Bắc - Nam, mang tiếng hát ấm áp đến với mọi người.
Trong một lần đi giao lưu âm nhạc, Đào tình cờ quen Nguyễn Nhật Thanh (quê Thanh Hóa), lúc bấy giờ anh là sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cũng từ đây, tình yêu đơm hoa kết trái, hai con người - hai số phận hoàn toàn khác biệt đã tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn.
|
Hai nhân vật Thanh và Đào trong chương trình Điều ước thứ 7 số 43 trên sóng VTV3. |
Mặc dù gia đình Thanh rất phản đối nhưng cả hai vẫn quyết định dọn về ở chung với một đám cưới tự tổ chức tại Nghệ An vào năm 2013. Sau ngày cưới, cặp đôi sinh được một bé gái và đặt tên là Sao Mai với hy vọng rằng, sau này lớn lên cô bé sẽ có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu Sao Mai Điểm hẹn.
Ngay sau khi biết được những mong muốn ấy, ê-kíp sản xuất Điều ước thứ 7 đã cùng ê-kíp của Sao Mai Điểm hẹn âm thầm lên kế hoạch thực hiện một chương trình đặc biệt dành tặng cặp vợ chồng Thanh – Đào khiến hàng triệu người xem truyền hình vô cùng xúc động.
Tuy nhiên ngay sau khi câu chuyện này được phát sóng thì một tờ báo mạng đã vào cuộc điều tra và phát hiện ra rằng Thanh đã có vợ và 2 con nhỏ hiện đang sinh sống xã Quảng Đại (Quảng Xương, Thanh Hóa). Vì gia đình có hoàn cảnh khá khó khăn, đến năm học lớp 10, Thanh nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Ngoài đời, Thanh và Đào không phải là một cặp vợ chồng, không có giấy đăng ký kết hôn.
Liên quan đến sự việc này, đạo diễn chương trình là ông Lại Bắc Hải Đăng cũng thú nhận chương trình đã đưa những thông tin sai sự thật và gửi lời xin lỗi đến khán giả vào chiều 16/1.
Như vậy, việc ê-kíp sản xuất chương trình Điều ước thứ 7 đã không kiểm chứng cẩn thận nhân thân 2 nhân vật Thanh và Đào, sau đó VTV3 vẫn cho phát sóng một chương trình có nội dung sai sự thật như trên đã vi phạm điều gì, sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, việc báo chí hay truyền hình đăng tải, phát sóng một chương trình có nội dung sai sự thật là vi phạm Điểm a, Khoản 2 và Điểm a, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Hai điểm này chỉ khác nhau là ở Điểm a, Khoản 2 dành cho hành vi đưa thông tin sai sự thật nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, còn Điểm a, Khoản 3 dành cho hành vi gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo nhận định của Luật sư Quân, trong trường hợp VTV3 phát sóng chương trình Điều ước thứ 7 về câu chuyện đôi vợ chồng hát rong nhưng nội dung câu chuyện sai sự thật, Thanh và Đào không phải là vợ chồng, Thanh đã có vợ và 2 con ở quê, chưa từng học đại học… thì đây là hành vi gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi theo như báo chí đưa tin thì người vợ thật của anh Thanh ở quê khi xem chương trình này đã rất sốc và đau đớn, từng có ý định tự tử, nhưng vì 2 con mà chị phải gắng gượng. Hơn nữa, khi sự thật câu chuyện được phơi bày, phần lớn khán giả đã mất lòng tin vào chương trình và có thể kéo theo hệ lụy mất lòng tin vào những câu chuyện khác trên báo, đài. Những người đã từng khóc khi xem chương trình, từng ủng hộ cặp vợ chồng Thanh – Đào có lẽ sẽ không khỏi tiếc nuối với cảm giác mình bị lừa dối…
Luật sư Quân cho biết, với hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng này, nhà đài đã vi phạm Điểm a, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Theo đó, mức phạt đối với hành vi này là từ 5 triệu đồng tới 10 triệu đồng.
"Ngoài việc bị phạt tiền, VTV còn phải thực hiện cải chính những thông tin sai sự thật trong chương trình trên và gửi lời xin lỗi đến khán giả theo đúng quy định của pháp luật", ông Quân nói thêm.
Chương trình “Điều ước thứ 7" là format truyền hình mới, được Ban Thể thao - Giải trí - Thông tin kinh tế Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất , phát sóng vào lúc 13h thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV3 từ ngày 29/3/2014, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 18 của kênh VTV3.
Đây là thể loại chương trình truyền hình thực tế, mỗi chương trình sẽ có sự xuất hiện của một nhân vật chính với một câu chuyện, ký ức hay những ước mơ tương lai có sức lay động tới trái tim người xem. Chương trình là hành trình giúp các nhân vật này thực hiện được ước mơ của mình. Cách thể hiện của chương trình là sự kết hợp giữa phỏng vấn nhân vật, người thân, nhân chứng, phóng sự bên lề kết hợp với dạng diễn lại câu chuyện đang diễn ra...
Tổng đạo diễn của chương trình là ông Lại Bắc Hải Đăng. Đạo diễn Hải Thanh đảm nhận vai trò đạo diễn hình ảnh. Tổ chức sản xuất là BTV Ngọc Minh. MC Diệp Chi nằm trong ban biên tập của chương trình. Theo tiết lộ của đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng, ý tưởng ban đầu của chương trình này xuất phát từ một sinh viên đang là cộng tác viên của kênh VTV3.
Khoản 3, Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản:
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng;
b) Miêu tả tỷ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh;
c) Đăng, phát tin, bài, ảnh kích dâm, khỏa thân, hở thân thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam;
d) Đăng, phát thông tin truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan;
đ) Đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới chưa được kết luận trên ấn phẩm không phải tạp chí nghiên cứu chuyên ngành;
e) Đăng, phát thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ chứng minh những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
g) Khai thác để đăng, phát các văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng không nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng;
h) Sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia.