Vì sao chính quyền để cát tặc sông Đồng Nai mặc sức lộng hành?

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù tình trạng cát tặc ngang nhiên lộng hành trên sông Đồng Nai gây bức xúc cho người dân nhưng chính quyền vẫn không thể xử lý triệt để. 

>>> Clip cát tặc lộng hành trên sông Đồng Nai (Thực hiện: Thiên Dũng):
Trước tình trạng hàng trăm ghe cát tặc sông Đồng Nai lộng hành khiến nhiều đất đai, ruộng vườn của của người dân bị sạt lở nhưng dường như cơ quan chức năng chưa thật sự vào cuộc quyết liệt khiến người dân bức xúc.
Để tìm hiểu về việc chống “cát tặc” không mấy hiệu quả của chính quyền nơi đây, chúng tôi đã tìm đến UBND phường Long Phước (Q.9, TP HCM). Trao đổi với PV Kiến Thức, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Chủ tịch UBND P.Long Phước, Q.9 xác nhận, đúng là có tình trạng “cát tặc” đang lộng hành trên sông Đồng Nai, nhưng chính quyền chưa tìm ra biện pháp để ngăn chặn triệt để.
 PV báo Kiến Thức trao đổi với chủ tịch UBND P. Long Phước.
Nguyên nhân thứ 2 mà nữ chủ tịch phường này đưa ra là do tác động của dòng chảy sông cũng ảnh hưởng một phần.
“Thực ra, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức tuần tra, bắt quả tang nhiều ghe hút cát lậu trên sông. Nhưng do chức năng nhiệm vụ và quyền hạn chi trong chừng mực nên công tác chống nạn hút cát trái phép này gặp nhiều khó khăn. Thứ 2 về điều kiện về các phương tiện cũng như con người để thực hiện trên sông cũng hạn chế, chúng tôi chưa có đội ngũ bơi lội giỏi để tiến hành truy bắt trên sông. Chúng tôi chủ yếu phối hợp với lực lượng CSGT đường thuỷ ở Trạm 6. Khi phát hiện, mình phải gọi cho lực lượng CSGT trên sông để hỗ trợ" - bà Thanh cho biết.
 Nhiều máy hút cát của các đối tượng "cát tặc" bị cơ quan chức năng thu giữ và tiêu huỷ.
Khi PV đặt câu hỏi về việc có hay không người dân phản ánh tình trạng về các đối tượng “cát tặc” hút trộm cát công khai mà không hề gặp bất kỳ một sự kiểm tra, xử lý nào của chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND phường Long Phước đã phủ nhận điều này: “Nói các đối tượng hút cát một cách công khai mà chính quyền không xử lý là không có căn cứ. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với lực lượng CSGT Trạm 6 phối hợp thường xuyên tuần tra trên sông, nên các đối tượng này không dám hút cát công khai mà lén lút, thường là vào buổi tối.
Chúng tôi không phủ nhận việc có tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn chúng tôi quản lý, nhưng do trong quá trình tuần tra, xử lý gặp nhiều khó khăn nên chưa giải quyết triệt để được" - bà Thanh nói.
Bên cạnh đó, nữ chủ tịch UBND phường Long Phước còn cho biết, Do địa bàn quận 9 của TP HCM và huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai có vị trí địa lý cài răng lược với nhau, lực lượng kiểm tra của hai địa phương phối hợp thiếu đồng bộ, nên công tác ngăn chặn chưa được tốt.
“Cứ đuổi ở bên này, “cát tặc” chạy qua bên kia là không thể xử lý, không làm gì được. Hiện nay do lợi nhuận thu được từ việc hút cát trái phép rất lớn, nên “cát tặc” sẵn sàng đầu tư, nuôi “vệ tinh” theo dõi rất kỹ lịch trình kiểm tra của lực lượng chức năng”. – bà Thanh nói.
Cũng nói về những khó khăn trong công tác xử lý nạn hút cát trộm trên sông Đồng Nai, trung tá Nguyễn Sinh Thu - Trạm trưởng trạm Cát Lái, Phòng CSGT đường thủy, Công an TP.HCM: “Theo nghị định số 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, thì sau khi được khai thác, khoáng sản sẽ trở thành một loại hàng hóa. Có nghĩa là cát đã bán đi sẽ được xem là hàng hóa. Vì vậy, các đối tượng hút cát trộm luôn cho một lực lượng tàu, sà lan mua bán cát theo sau. Khi cát hút lên, chúng bán ngay trên sông cho những xà lan này. Lúc đó cảnh sát môi trường không thể xử lý, vì cát đã thành hàng hóa, không thuộc thẩm quyền xử lý của cảnh sát môi trường. Còn nếu bị cảnh sát môi trường bắt quả tang ngay khi đang hút cát, chúng sẵn sàng đánh chìm ghe của mình để phi tang, vì trị giá ghe không đáng là bao. Chợ mua bán cát trên sông thật sự là vấn nạn cho chúng tôi, không biết xử lý như thế nào”.
Theo tìm hiểu của PV, thực tế trữ lượng cát trên sông Đồng Nai không còn nhiều, nhưng một số địa phương vẫn cấp phép khai thác thì cần phải xem lại. Biết rằng giấy phép khai thác chỉ giới hạn ở một phạm vi, diện ích nhỏ. Tuy nhiên, cơ quan cấp phép có nghĩ đến việc những đơn vị sau khi được cấp phép, sẽ núp dưới “lá bùa giấy phép” rồi khai thác rộng ra xung quanh, chứ không hẳn ở khu vực được cấp phép. Chuyện này diễn ra tràn lan nhưng lực lượng chức năng đành bất lực vì lực lượng quá mỏng.
Rất nhiều ghe hút cát trái phép hoạt động một cách công khai nhưng chính quyền đành bất lực.
Nếu tình trạng này không được ngăn chặn triệt để, thì bờ sông, đất đai ruộng vườn của người dân sẽ ngày càng bị sạt lở, hàng loạt hệ lụy khác kéo theo. Cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý những đối tượng hành nghề hút cát trái phép nhằm để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông gây nguy hiểm cho người dân.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và các cơ quan liên quan phải phối hợp đồng bộ các giải pháp, đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, xử lý tận gốc các bãi cát hoạt động trái phép, xử lý thật nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cao nhất kết hợp chế tài hình sự. Làm được như vậy mới có thể hạn chế, ngăn chặn được tình trạng lộng hành của “cát tặc” đang diễn ra hiện nay.
Điều 172 Bộ luật Hình sự quy định:
- Người nào vi phạm các quy định của nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng.
Thiên Dũng - Vũ Sơn

>> xem thêm

Bình luận(0)