Thời gian vừa qua, Báo điện tử Kiến Thức liên tục nhận được phản ánh về dự án xây dựng cầu Hòa Viên (Chương Mỹ, Hà Nội) có chiều dài chưa đầy 200m mà thi công gần 7 năm vẫn chưa xong, khiến người dân vô cùng bức. Người dân muốn qua sông buộc phải đi nhờ trên cầu tạm do đơn vị thi công từ dựng lên để phục vụ thi công công trình.
Điều đáng nói là, tại đầu cầu tạm thuộc địa phận xã Viên An, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) lại bất ngờ xuất hiện một barie chặn ở đầu cầu. Bất cứ xe tải hay xe ô tô nào muốn qua cầu bắt buộc phải nộp lệ phí với giá dao động từ 20 - 50.000 đồng/xe/lượt, mà mỗi ngày có đến hàng trăm xe qua đây.
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao cây cầu chỉ dài chưa đầy 200m mà thi công đến gần 7 năm vẫn chưa xong? Đơn vị hay cá nhân nào đứng ra lập chốt để thu phí các lái xe? Việc thu phí đã trình và được cơ quan chức năng phê duyệt hay chưa? Phải chăng chính quyền địa phương cố tình chậm trễ?
Để làm rõ những băn khoăn trên, PV báo Kiến Thức đã đến khảo sát cây cầu và tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
|
Cầu Hòa Viên có chiều dài chưa đầy 200m mà thi công gần 7 năm vẫn chưa xong. |
7 năm không xong nổi 200m cầu
Qua tìm hiểu được biết, dự án xây dựng cầu Hòa Viên bắc qua sông Đáy, nối xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) với xã Viên An (huyện Ứng Hòa) có chiều dài gần 190m, rộng khoảng 8m, với tổng mức đầu tư ban đầu gần 35 tỷ đồng, chính thức được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt năm 2006.
Tháng 7/2008, dự án được điều chỉnh một số hạng mục, nâng tổng mức đầu tư lên 47,5 tỷ đồng. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, dự án được giao cho Ban quản lý dự án (BQLDA) giao thông 2, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là liên danh Công ty cổ phần số 6 Thăng Long và Công ty cổ phần Tập đoàn Toàn Phát. Trong đó, Công ty cổ phần số 6 Thăng Long đã xong phần việc của mình, thời điểm hiện tại do Công ty cổ phần Tập đoàn Toàn Phát làm đơn vị thi công.
Dự án xây dựng cầu Hòa Viên chính thức khởi công từ tháng 8/2009. Theo tiến độ đề ra, dự án được tiến hành trong thời gian 18 tháng, nhưng trên thực tế, sau gần 7 năm triển khai, đến nay đơn vị thi công mới lắp đặt xong 3 nhịp dầm, 4 trụ và 1 mố cầu, tương đương 60% khối lượng công việc.
Theo ghi nhận của PV vào ngày 26/4, dự án dựng cầu Hòa Viên vẫn "án binh bất động". Thay vì một cây cầu hiện đại mà bà con mong đợi là một câu cầu tạm và công trường ngổn ngang vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị phục vụ thi công. Phía đầu cầu Hòa Viên thuộc xã Viên An, huyện Ứng Hòa, một mố cầu đã được lắp đặt, bên dưới cỏ mọc um tùm. Giữa lòng sông chỏng chơ một đoạn cầu được xây dựng. Trong khi đó, mố cầu phía huyện Chương Mỹ vẫn chưa thể "tiếp đất". Bên cạnh cây cầu Hòa Viên còn dang dở là một cầu tạm do đơn vị thi công xây dựng để phục vụ cho thi công công trình.
|
Trên thành cầu các mảng bê tông vỡ vụn để trơ ra khung sắt. |
Trong khi đó, phần sắt thép ở dầm cầu đã bị hoen rỉ; trên thành cầu các mảng bê tông vỡ vụn để trơ ra khung sắt bên trong khiến nhiều người lo lắng về chất lượng của công trình, nhất trong quá trình thi công tiếp theo liệu vấn đề này có được xử lý triệt để hay giống như nhiều công trình khác, đi vào sử dụng thì đã nứt toác, đổ sập.
Chia sẻ với PV, ông Hồ Huy Nam (70 tuổi, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội) nói: “Buồn lắm cháu ạ. Không biết trên làm thế nào mà cây cầu có gần 200m, thi công đến nay đã 7 năm vẫn chưa xong. Người dân thì mong ngóng ngày đêm. Trong khi đó, quá trình thi công cầu còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ dân quanh đây. Việc thi công khiến nhiều nhà bị lún, nứt trong đó có nhà bác tiềm ẩn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào… Chỉ mong sao cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện để bà con mừng.”
Trong lúc dự án xây dựng cầu Hòa Viên còn dang dở, người dân hai bên bờ sông Đáy ngày ngày phải đi qua cây cầu tạm mà xã đã xin đơn vị thi công cho đi nhờ.
Ngang nhiên lập chốt thu phí trái quy định
Bên cạnh những bức xúc của nhân dân về quá trình triển khai “dự án chậm như rùa”, quá trình thi công gây lún, nứt nhà dân,… thì ý kiến được nhiều người đề cập nhất là việc người dân lưu thông qua cầu tạm bằng các phương tiện như: taxi, ô tô, xe tải các loại phải đóng một khoản phí trái quy định của Nhà nước.
Theo quan sát của PV, tại khu vực cầu tạm có cắm biển ghi rõ “Cầu phục vụ công trình đang thi công, không phận sự miễn vào” thế nhưng, taxi, ô tô, xe tải các loại vẫn đi qua và phải trả một mức phí từ 20 đến 50 nghìn đồng mà không hề có bất cứ một tờ biên lai nào. Theo ghi nhận của PV tại hiện trường từ 10h30 đến 11h30 trưa 26/4, có khoảng 20 xe ô tô các loại đi qua. Tất cả các xe ô tô qua cầu trong 1h đồng hồ này đều phải nộp phí cho nhóm người đứng mở barie tại đây.
|
Xe ô tô phải trả phí trước khi qua cầu. |
Theo anh D.V.M (xã Viên An, huyện Ứng Hòa), thời điểm PV ghi nhận chỉ là buổi trưa vắng không phải giờ cao điểm nên lượng ô tô qua lại còn ít. Nếu làm thử tính một bài toán đơn giản như sau: một ngày lấy 10h xe ô tô chạy qua cầu nhân với 20 xe/h (như PV ghi nhận được) bằng 200 xe/ngày. Tiếp tục nhân với lệ phí thấp nhất là 20 nghìn đồng/lượt thì được 4 triệu đồng/ngày. Nếu một tháng nếu đủ 30 ngày số tiền phí thu được là 120 triệu. Như vậy một năm số tiền phí thu được rơi vào khoảng trên dưới 1 tỷ 4.
“Đây chỉ là số tiền tôi tính theo tiêu chí thấp nhất, vì ô tô chạy qua đây liên tục cả ngày cả đêm chứ không phải chỉ 10h đồng hồ như đã tính, mà phí thu không phải chỉ 20 nghìn. Điều tôi thấy khó hiểu nhất ở đây chính là số tiến phí thu được này đã đi đâu và sử dụng vào mục đích gì?” - anh D.V.M băn khoăn.
Trao đổi nhanh với PV, ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho biết: nguyên nhân khiến dự án cầu Hòa Viên gần 7 năm chưa thi xong là do “tắc” ở khâu tái định cư của 7 hộ dân nên chưa giải phóng được mặt bằng để phục vụ cho thi công.
Còn về cầu tạm và việc thu phí trai quy định cầu tạm, ông Chính cho hay, đầu năm 2015, do cầu phao phục vụ nhân dân đi lại đã xuống cấp nghiêm trọng nên chính quyền xã đã liên hệ với ban thi công cho người dân lưu thông nhờ qua cầu không mất phí. “Còn vấn đề, có chặn thu phí xe ô tô hay không là do bên dơn vị thi công, chúng tôi không biết.” – ông Chính nói.
Như vây, một cây cầu đáp ứng nhu cầu dân sinh chỉ dài chưa đầy 200m triển khai với tốc độ “rùa bò”, cầm chừng gây nhức nhối trong dân nhưng lại bị cơ quan chức năng có thẩm quyền “thờ ơ”, đơn vị thu phí lại ngang nhiên lập chốt thu phí phương tiện. Điều đó khiến người dân đặt câu hỏi phải chăng chính quyền và đơn vị thi công cố tình chậm trễ để thu phí?.
Báo điện tử Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc…
>>> Xem thêm video: Ngang nhiên thu phí trái phép, chính quyền phường bó tay - VTC14